Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chỉ cách ngâm chân giúp khí huyết lưu thông; Nguyên tắc vàng nếu bạn không thể tập thể dục thường xuyên; Ngủ trưa bao nhiêu phút là tốt nhất?...
Chuyên gia khuyến nghị 7 điều làm giảm nguy cơ mắc ung thư
Nghiên cứu mới được công bố hôm 29.11 vừa qua trên tạp chí y khoa BMC Medicine, đã tìm ra cách để giảm nguy cơ mắc ung thư.
Theo đó, tuân thủ theo 7 điều sau, bạn có thể giảm nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư. Càng tuân thủ tốt thì mức độ giảm càng nhiều.
Các nhà khoa học tại Đại học Newcastle (Anh) đã sử dụng dữ liệu của 94.778 người ở độ tuổi trung bình là 56, để tiến hành nghiên cứu.
Trong thời gian theo dõi trung bình 8 năm, có 7.296 người mắc một số loại ung thư.
Các tác giả đã đánh giá mức độ tuân thủ 7 khuyến nghị của Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF) và Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICR) của những người tham gia, bằng cách cho điểm từ 0-7. Cứ mỗi khuyến nghị tuân thủ tốt, sẽ được 1 điểm. Nếu đáp ứng một phần, có thể được thưởng 0,5 điểm.
7 khuyến nghị của WCRF và AICR cập nhật năm 2018 được nghiên cứu bao gồm: Luôn đạt mức thấp nhất trong phạm vi chỉ số BMI lý tưởng (18,5 - 24,9);150 phút tập thể dục mỗi tuần; Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với ít nhất 30 g chất xơ và ít nhất 5 phần trái cây và rau quả mỗi ngày; Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn; Ăn không quá 3 phần thịt đỏ mỗi tuần (1 phần thịt đỏ tương đương 65 g thịt heo, bò, dê, hoặc cừu đã nấu chín); Tránh đồ uống có đường; Không uống rượu. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 6.12.
Nguyên tắc vàng nếu bạn không thể tập thể dục thường xuyên
Nếu bạn không thể tuân thủ việc tập thể dục thường xuyên, có một nguyên tắc rất hữu hiệu cho bạn.
"Nguyên tắc 2 ngày". Cách hiệu quả để biến việc tập thể dục trở thành thói quen không thể thiếu của bạn là tuân theo "nguyên tắc 2 ngày".
Khái niệm này rất đơn giản: Không bao giờ quá 2 ngày liên tục mà không tập thể dục. Nguyên tắc này giúp bạn duy trì động lực và ngăn chặn việc bỏ tập nhiều ngày.
Sau đây là cách bạn có thể thực hiện "Nguyên tắc 2 ngày":
Chọn các bài tập có thể tuân thủ được. Chọn các bài tập thực tế và thú vị. Bất cứ bài tập gì, từ đi bộ nhanh hoặc tập thể dục tại nhà cho đến môn thể thao yêu thích, điều quan trọng là phải dễ thực hiện và thú vị để bạn dễ gắn bó với nó hơn.
Tạo lịch trình. Lập kế hoạch tập luyện trước và đưa vào lịch trình của bạn. Cho dù tập vào buổi sáng, sau bữa trưa hay buổi tối, xác định thời gian tập sẽ giúp bạn dễ hình thành thói quen hơn.
Luôn linh hoạt. Mặc dù tính nhất quán là rất quan trọng nhưng công việc bận rộn có thể không thể đoán trước được. Nếu bạn bỏ lỡ một buổi tập luyện đã định, hãy cố gắng lên lịch lại trong vòng 2 ngày tiếp theo. Tính linh hoạt này giúp bạn đi đúng hướng mà không bỏ lỡ các buổi tập. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 6.12.
Phòng bệnh mùa lạnh: Bác sĩ chỉ cách ngâm chân giúp khí huyết lưu thông
Bàn chân được ví như 'trái tim thứ hai' của cơ thể, do đó, việc ngâm chân với nước thảo dược ấm nấu từ ngải cứu, hoặc vỏ quế, hoa tiêu giúp khí huyết lưu thông, tăng tuần hoàn máu, tốt cho sức khỏe.
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3, cho biết theo y học cổ truyền ngâm thuốc là dùng nước sắc hoặc hãm các thuốc cổ truyền để ngâm toàn thân hoặc ngâm chân, tay để phòng bệnh và chữa bệnh. Thường dùng các thuốc có tác dụng giải biểu (ra mồ hôi), khu phong (đuổi gió), tán hàn (tạo sự ấm nóng phần ngoài của cơ thể, làm ra mồ hôi nhẹ), trừ thấp (trừ ẩm), hoạt huyết (lưu thông máu huyết), tiêu viêm, lưu thông kinh lạc, …
Theo y học hiện đại, ngâm thuốc có tác dụng điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng chuyển hóa, chống viêm, chống stress và điều hòa cơ thể, giảm đau, ...
Sau đây là một số vị thuốc y học cổ truyền thường được sử dụng:
Gừng: Tác dụng giải biểu tán hàn (tạo sự ấm nóng phần ngoài của cơ thể, làm ra mồ hôi nhẹ), ôn thông kinh mạch giúp tuần hoàn máu tốt.
Cách làm: Gừng tươi 20 g, đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước, đậy kín vung để tránh làm bay hơi một số chất trong gừng, đun sôi trong khoảng 10 phút. Đổ toàn bộ nước và gừng đã đun vào chậu pha thêm nước lạnh khoảng 35 - 39 độ C là ngâm được.
Ngải cứu: Có tác dụng hành khí hoạt huyết, giảm đau, ôn ấm tử cung.
Cách làm: Ngải cứu tươi 20 g, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lạnh cho nhiệt độ khoảng 35 - 39 độ C thì ngâm hai chân. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)