Ngày mới với tin tức sức khỏe: Động tác giúp người lớn tuổi kiểm tra sự dẻo dai

25/10/2024 00:10 GMT+7

'Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Plos One, đã phát hiện ra bài tập quan trọng nhất đối với người lớn tuổi để khỏe mạnh khi về già'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chia sẻ công thức xác định nhịp tim tối đa trong tập luyện; Chuyên gia chỉ lỗi phổ biến khi chạy bộ vô tình gây nguy cơ đột quỵ; 4 loại bài tập tốt nhất cho người đau khớp...

Bài tập quan trọng nhất đối với người lớn tuổi, theo nghiên cứu mới nhất

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Plos One, đã phát hiện ra bài tập quan trọng nhất đối với người lớn tuổi để khỏe mạnh khi về già.

Theo đó, thời gian giữ thăng bằng - nghĩa là có thể đứng trên một chân - là thước đo lão hóa mạnh mẽ nhất.

Giữ thăng bằng tốt, sức mạnh cơ bắp tốt và dáng đi ổn định góp phần vào sự độc lập và hạnh phúc của mọi người khi họ già đi. Tùy vào sự suy giảm của các yếu tố này mà các bác sĩ sẽ đưa ra chương trình rèn luyện để giúp người lớn tuổi trải qua quá trình lão hóa khỏe mạnh.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Động tác giúp người lớn tuổi kiểm tra sự dẻo dai- Ảnh 1.

Khả năng giữ thăng bằng bằng cách đứng trên 1 chân, cụ thể là chân không thuận, sẽ phản ánh rõ nhất sự suy giảm sức khỏe theo tuổi tác

ẢNH Minh họa: PEXELS

Nghiên cứu của Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) bao gồm 40 người khỏe mạnh, trên 50 tuổi, được thực hiện các bài kiểm tra đi bộ, giữ thăng bằng, kiểm tra sức mạnh cầm nắm và sức mạnh đầu gối. Trong số những người tham gia, một nửa là trên 65 tuổi và một nửa dưới tuổi 65.

Trong các bài kiểm tra thăng bằng, những người tham gia được yêu cầu đứng trong các tình huống khác nhau: đứng hai chân - mở mắt, đứng hai chân - nhắm mắt, đứng 1 chân không thuận - mở mắt và đứng 1 chân thuận - mở mắt. Mỗi bài kiểm tra kéo dài 30 giây.

Kết quả đã phát hiện khả năng giữ thăng bằng bằng cách đứng trên 1 chân, cụ thể là chân không thuận, phản ánh rõ nhất sự suy giảm sức khỏe theo tuổi tác. Điều này cho thấy rèn luyện giữ thăng bằng là quan trọng nhất đối với người lớn tuổi. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 25.10.

4 loại bài tập tốt nhất cho người đau khớp

Tập luyện đúng cách được khoa học chứng minh có thể giúp giảm các cơn đau khớp và tăng khả năng linh hoạt của khớp. Hơn nữa, tập luyện còn làm tăng tiết hoạt dịch, giúp khớp vận động trơn tru hơn.

Chất hoạt dịch không chỉ có tác dụng bôi trơn khớp mà còn giúp cung cấp ô xy, chất dinh dưỡng cho các mô khớp, đồng thời rửa trôi các chất thải độc hại. Không những vậy, chất hoạt dịch còn giúp sụn khỏe mạnh và giảm ma sát khi vận động.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Động tác giúp người lớn tuổi kiểm tra sự dẻo dai- Ảnh 2.

Tập luyện đúng cách sẽ giúp giảm đau khớp và cải thiện độ linh hoạt khi vận động

ẢNH: PEXELS

Những loại bài tập có thể giúp giảm đau khớp gồm:

Tập sức mạnh. Một trong những lợi ích quan trọng nhất của các bài tập sức mạnh như nâng tạ, ngồi xổm, hít đất, hít xà đơn hay tập với dây kháng lực là giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. Nếu nạp đủ protein, các khối cơ sẽ phát triển lớn hơn.

Với một khớp xương bị đau thì các khối cơ xung quanh chắc khỏe sẽ rất có lợi cho khớp. Các khối cơ này sẽ giúp giảm áp lực vận động lên khớp, giúp khớp chuyển động cân bằng hơn.

Tùy thuộc vào khớp bị đau ở vị trí nào trong cơ thể mà người tập sẽ ưu tiên tập nhóm cơ nào. Chẳng hạn, nếu khớp gối bị đau thì cần tập cơ đùi trước, đùi sau, cơ mông và cơ hông.

Tập sức bền tác động thấp. Các bài tập sức bền, tác động đến nửa dưới cơ thể như chạy bộ, đạp xe có tác dụng lưu thông máu, kiểm soát cân nặng, huyết áp và cải thiện sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, tập luyện còn giúp cơ thể tiết ra hoóc môn endorphin có tác dụng giảm đau tự nhiên.

Với những người bị đau khớp, tập luyện dưới nước có thể là cách tiếp cận phù hợp. Lực nâng của nước sẽ giúp giảm áp lực trọng lượng cơ thể lên khớp. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 25.10.

Chuyên gia chỉ lỗi phổ biến khi chạy bộ vô tình gây nguy cơ đột quỵ

Rất nhiều người chọn chạy bộ để tăng cường sức khỏe. Nhưng bạn có biết những lợi ích này có thể phản tác dụng bởi một điều ít ai ngờ: Đó là nơi chạy!

Với khoảng 80% người chạy bộ mắc lỗi có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp, đột quỵ và bệnh tim. Đó là chạy trên vỉa hè bên cạnh dòng xe cộ. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe, vì ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Động tác giúp người lớn tuổi kiểm tra sự dẻo dai- Ảnh 3.

Nghiên cứu cho thấy 8/10 người chạy trên vỉa hè, với 1/3 chủ yếu chạy bên cạnh dòng xe cộ. Điều này có nghĩa là họ đang hít phải mức ô nhiễm không khí cao

Ảnh: Pexels

Nghiên cứu cho thấy 8/10 người chạy trên vỉa hè, với 1/3 chủ yếu chạy bên cạnh dòng xe cộ. Điều này có nghĩa là họ đang hít phải mức ô nhiễm không khí cao.

Trong khi đó, nghiên cứu vừa mới được trình bày tại Hội nghị Y học cấp cứu châu Âu hôm 16.10 vừa qua, cho thấy số ca nhập viện cấp cứu tăng từ 10 - 15% do ô nhiễm gia tăng - dù mức độ vẫn nằm trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các chất ô nhiễm có hai dạng - khí như NO2, SO2 và NH3, và các dạng vật chất dạng hạt - gồm các chất gây kích ứng tự nhiên như phấn hoa, bụi, carbon, kim loại, cao su và các hợp chất từ má phanh, thậm chí cả mặt đường.

Chuyên gia David McEvoy, nhà nghiên cứu tại Đại học College Dublin (Ireland), cũng là người chạy bộ thường xuyên, giải thích: Những chất ô nhiễm cực nhỏ trên có thể xâm nhập vào hệ thống cơ thể và chứa hỗn hợp các chất ô nhiễm khác nhau.

Đáng lo ngại là chính hành động tập thể dục mạnh mẽ làm tăng sự hấp thụ lượng hóa chất nguy hiểm này. Đánh giá của chuyên gia David McEvoy về bằng chứng cho thấy tập thể dục gắng sức có thể làm tăng gấp 10 lần lượng độc tố hít vào, điều này làm suy yếu sức khỏe hô hấp và chức năng phổi. Một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm cũng làm tăng huyết áp và có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và phổi. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.