Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Giấm táo rất tốt nhưng đừng làm theo cách dùng không đúng trên mạng xã hội; Lợi ích sức khỏe ít người biết của protein với xương; Thường xuyên bị đau nhức lưng, làm sao để lưng khỏe mạnh?...
Chuyên gia cảnh báo cách chế biến trứng không tốt cho sức khỏe
Theo chuyên gia dinh dưỡng Angel Luk, thành viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Canada, trứng rất tốt cho sức khỏe, nhưng nấu trứng không đúng cách có thể gây ra nguy cơ cho sức khỏe.
Chuyên gia dinh dưỡng Angel Luk cho hay: Khi cholesterol quá nóng, có thể hình thành các hợp chất oxysterol. Một số nghiên cứu cho thấy oxysterol có tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí khoa học International Journal of Molecular Sciences, cholesterol trong thực phẩm có thể chuyển thành oxysterol trong quá trình nấu nướng và bảo quản thực phẩm. Gan cũng có thể tạo ra oxysterol từ cholesterol trong chế độ ăn uống vốn có liên quan đến mức cholesterol trong máu. Cholesterol cao và bệnh tiểu đường loại 2 có thể khiến cơ thể oxy hóa nhiều cholesterol hơn, dẫn đến việc tạo ra oxysterol. Những oxysterol này có thể đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch và tạo ra căng thẳng oxy hóa có thể dẫn đến ung thư.
Mặc dù nấu trứng và thịt ở nhiệt độ cao có nguy cơ oxy hóa cholesterol để tạo thành oxysterol, nhưng vẫn cần nấu trứng để tiêu diệt mọi vi khuẩn và mầm bệnh. Loại dầu sử dụng để nấu trứng cũng có thể làm tăng nguy cơ oxy hóa, bao gồm các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương và dầu đậu nành.
Chuyên gia Luk cho biết trứng có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nếu chế biến đúng cách. Cô nói: Tôi khuyên bạn nên làm món trứng tráng với rau củ, sử dụng lượng dầu tối thiểu, ổn định nhiệt, không nấu trứng quá chín. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 29.10.
Lợi ích sức khỏe ít người biết của protein với xương
Dưỡng chất quan trọng nhất với xương là canxi. Canxi muốn được xương hấp thụ thì cần kết hợp với vitamin D. Ngoài canxi và vitamin D, xương muốn chắc khỏe thì cũng rất cần protein.
Protein rất cần thiết cho quá trình duy trì và phát triển cơ bắp. Thế nhưng, một điều không phải ai cũng biết là protein cũng rất cần cho xương. Trên thực tế, protein là một trong những dưỡng chất quan trọng nhất với xương.
Tế bào nguyên xương là tế bào chịu trách nhiệm hình thành và tổng hợp xương. Để hoạt động tốt thì tế bào nguyên xương cần được cung cấp đủ protein.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của protein với xương là cung cấp các a xít amin để tạo thành collagen, một trong những thành phần chính cấu thành xương. Collagen giúp xương có độ đàn hồi và tăng cường khả năng chịu lực của xương. Nếu không nạp đủ protein, cấu trúc xương sẽ yếu đi, từ đó làm tăng nguy cơ bị loãng xương và gãy xương.
Các nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn đủ protein sẽ giúp mật độ xương duy trì ở mức độ lành mạnh. Điều này đặc biệt quan trọng với người già.
Quá trình lão hóa sẽ làm giảm mật độ xương, khiến xương dễ bị gãy. Tuy nhiên, chế độ ăn đủ protein có thể làm chậm quá trình suy giảm mật độ xương. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 29.10.
Thường xuyên bị đau nhức lưng, làm sao để lưng khỏe mạnh?
Đau lưng là vấn đề sức khỏe hết sức phổ biến. Cảm giác đau có thể biến mất sau vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài thành mạn tính. Tình trạng này khiến lưng bị suy yếu và ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 80% dân số sẽ bị đau lưng vào một thời điểm nào đó trong đời. Nguyên nhân gây đau có thể do nhiều yếu tố, phổ biến nhất là ngồi lâu hay vận động sai tư thế. Chẳng hạn, ngồi nghiêng người về phía trước khi sử dụng máy tính có thể gây áp lực lên cột sống nhiều hơn 3-4 lần so với ngồi thẳng lưng.
Những nguyên nhân góp phần gây đau lưng khác là ít vận động hay vận động quá nhiều dẫn đến chấn thương, thừa cân, béo phì. Trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên khớp cột sống và các đĩa đệm, dẫn đến đau nhức lưng.
Để tăng cường sức mạnh, độ dẻo dai của lưng và phòng tránh đau nhức, mọi người nên áp dụng những cách sau:
Tăng cường sức mạnh cơ cốt lõi. Cột sống lưng có chức năng nâng đỡ cấu trúc ở nửa trên cơ thể, trong đó cột sống ở lưng dưới là chịu áp lực nhiều nhất. Do đó, tăng cường sức mạnh các nhóm cơ cốt lõi như cơ bụng, cơ lưng dưới, cơ hông có thể giúp giảm áp lực lên cột sống. Các bài tập phổ biến giúp củng cố nhóm cơ cốt lõi là plank, gập bụng hay squat.
Ngồi đúng tư thế. Khi ngồi làm việc trên máy tính, mọi người nên ngồi thẳng lưng, tránh tư thế quá nghiêng người về phía trước. Tư thế ngồi này khiến các đĩa đệm cột sống sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn. Trung bình khoảng 30 phút thì nên đứng dậy đi lại, duỗi người một chút. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)