Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhiều phát hiện khi tập thể dục ở tuổi 50

09/08/2024 00:10 GMT+7

'Khi ở độ tuổi 50, tập thể dục có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn trong nhiều năm sau'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chia sẻ 10 loại thảo dược tốt cho não, bảo vệ tế bào thần kinh; 4 loại nước ép thực vật giúp giảm hiệu quả cholesterol trong máu; Dấu hiệu ở rốn khi xuất hiện cần đi khám bác sĩ ngay...

Lý do tại sao người tuổi 50 càng cần tập thể dục

Không có gì lạ khi hoạt động thể chất thường xuyên là công cụ quan trọng để có sức khỏe tốt. Tập thể dục vừa phải 150 phút mỗi tuần có thể nâng cao tâm trạng, tăng cường năng lượng và cải thiện giấc ngủ.

Ngoài ra, tập thể dục còn xây dựng cơ bắp, tăng cường quá trình trao đổi chất và giảm nguy cơ chấn thương.

Đặc biệt, khi ở độ tuổi 50, tập thể dục có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn trong nhiều năm sau. Nếu không hoạt động, bạn bắt đầu mất tới 5% cơ ngay từ độ tuổi 30 và quá trình này diễn ra nhanh hơn sau mỗi thập kỷ. Tập thể dục ở độ tuổi trung niên con ngăn ngừa teo cơ, đây là tình trạng suy giảm đáng kể khối lượng cơ và sức mạnh ở độ tuổi 70.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhiều phát hiện khi tập thể dục ở tuổi 50- Ảnh 1.

Tập thể dục có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn trong nhiều năm sau

Pexels

Giảm 47% nguy cơ tử vong sớm, giúp kéo dài tuổi thọ. Hệ thống miễn dịch hoạt động để chống lại nhiễm trùng và chữa lành cơ thể, nhưng nó bắt đầu suy giảm dần dần theo tuổi tác, gọi là tình trạng lão hóa miễn dịch.

Theo một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí y khoa JAMA Internal Medicine, tập thể dục giúp cải thiện hệ miễn dịch nên giúp kéo dài tuổi thọ. Nghiên cứu đã theo dõi hơn 200.000 người trong độ tuổi từ 45 - 75. Kết quả cho thấy ngay cả khi chỉ tập thể dục một lượng nhỏ, khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, cũng có thể giúp giảm 34% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.

Kết quả cũng phát hiện tập thể dục càng nhiều càng tốt, tập từ 30 - 60 phút mỗi ngày, 5 ngày giúp giảm đến giảm 47% nguy cơ tử vong sớm so với không bao giờ tập thể dục. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 9.8.

4 loại nước ép thực vật giúp giảm hiệu quả cholesterol trong máu

Bên cạnh dùng thuốc thì chế độ ăn cũng rất cần thiết giúp kiểm soát cholesterol. Uống thường xuyên một số loại nước ép thực vật có thể giúp giảm nồng độ cholesterol hiệu quả hơn.

Cơ thể chúng ta luôn cần cholesterol để hoạt động. Tuy nhiên, nếu mức cholesterol quá cao sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, kiểm soát cholesterol ở mức lành mạnh rất quan trọng với sức khỏe.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhiều phát hiện khi tập thể dục ở tuổi 50- Ảnh 2.

Trái việt quất chứa chất phytosterol có tác dụng giảm cholesterol trong máu

PEXELS

Những loại nước ép có thể giúp kiểm soát cholesterol hiệu quả gồm:

Củ dền. Củ dền chứa nhiều chất chống ô xy hóa polyphenol, không những có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim, giảm viêm mà còn làm giảm mức cholesterol "xấu" LDL, trong khi tăng cholesterol "tốt" HDL.

Củ dền cũng chứa betanin, một chất tạo nên màu đỏ đậm đặc trưng của loại thực vật này. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy betanin có thể tác động đáng kể đến sức khỏe tổng thể, không chỉ cải thiện chức năng tim mạch mà còn làm giảm mức cholesterol toàn phần trong huyết tương.

Việt quất. Trái việt quất được xem là "siêu thực phẩm" vì có hàm lượng chất chống ô xy hóa cao. Trong đó, chất chống ô xy hóa anthocyanin là chất kháng viêm tự nhiên bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Ngoài ra, việt quất cũng chứa phytosterol, hợp chất có tác dụng giảm cholesterol. Khi cơ thể tiêu hóa phytosterol, một số cholesterol cũng sẽ bị phân hủy. Nhờ đó, hàm lượng cholesterol trong cơ thể sẽ giảm. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 9.8.

Dấu hiệu ở rốn khi xuất hiện cần đi khám bác sĩ ngay

Rốn thường là nơi tích tụ nhiều bụi bẩn, mồ hôi và tế bào da chết. Trong một số trường hợp, rốn có thể bị nhiễm trùng, đặc biệt là người xỏ khuyên bụng, béo phì hay tiểu đường.

Rốn đôi khi có thể xuất hiện dịch tiết. Tuy nhiên, không phải mọi loại dịch tiết đều có hại. Nếu dịch tiết trong, có màu nhạt, không hôi, không đau hay đỏ quanh rốn thì không cần đi khám bác sĩ.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhiều phát hiện khi tập thể dục ở tuổi 50- Ảnh 3.

Rốn bị chảy dịch tiết, có mùi là dấu hiệu thường thấy của nhiễm trùng

MINH HỌA: PEXELS

Tuy nhiên, nếu dịch tiết rốn có mùi thì cần phải đi khám bác sĩ ngay. Nguyên nhân phổ biến nhất là do rốn bị nhiễm khuẩn hoặc nấm. Đây là hệ quả của tình trạng vệ sinh kém, đổ nhiều mồ hôi hoặc rốn bị ẩm trong thời gian dài. Những nguyên nhân gây nhiễm trùng rốn khác là do xỏ khuyên rốn, u nang và các vấn đề về da như chàm, bệnh vẩy nến.

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Journal of Clinical Medicine phát hiện những người mắc bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ đặc biệt dễ bị nhiễm trùng do nấm, chẳng hạn như nấm candida. Nhiễm nấm này cũng có thể xuất hiện ở rốn bệnh nhân.

Vi khuẩn, nấm thích môi trường tối và ẩm của rốn. Nếu rốn bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ thấy vùng da rốn đỏ hoặc sưng. Dịch tiết sẽ trông như mủ, khiến rốn có mùi hôi. Nếu đó là nhiễm trùng nấm men, rốn sẽ bị ngứa.

Trong trường hợp nhiễm nấm, người mắc có thể dùng các loại kem chống nấm không kê đơn. Nếu là nhiễm trùng thì cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu các triệu chứng kéo dài không hết thì cần đến bác sĩ kiểm tra, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, có hệ miễn dịch yếu, rốn bị đau hay cơ thể có biểu hiện sốt. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.