Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhịn ăn giảm cân, cơ thể sẽ thế nào?

13/03/2024 00:10 GMT+7

'Nhịn đói hay ăn rất ít trong bữa chính dù là để cắt giảm calo, giảm cân hay vì quá bận rộn thì đều tác động tiêu cực tới sức khỏe'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này!

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Nếu bạn bận quá, đi bộ chừng này cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim; Bị táo bón, nên uống loại nước ép trái cây nào?; Người bệnh gì không nên uống nước cam?...

3 tác hại ít ngờ tới nếu nhịn đói để giảm cân

Nhịn đói hay ăn rất ít trong bữa chính dù là để cắt giảm calo, giảm cân hay vì quá bận rộn thì đều tác động tiêu cực tới sức khỏe. Một số thay đổi trong cơ thể sẽ xảy ra nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên.

Nhịn đói hoặc ăn quá ít sẽ đẩy cơ thể vào trạng thái bị bỏ đói và bị thiếu hụt dưỡng chất. Nếu giảm cân là mục tiêu của bạn thì việc bỏ đói cơ thể như vậy có thể cản trở nỗ lực giảm cân.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhịn ăn giảm cân, cơ thể sẽ thế nào?- Ảnh 1.

Nhịn ăn thường xuyên có thể gây viêm loét dạ dày, thậm chí tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

PEXELS

Nếu thường xuyên nhịn đói cơ thể sẽ xảy ra những vấn đề sau:

Mức năng lượng giảm xuống. Một trong những tác động chính của việc không ăn khi đói là giảm mức năng lượng của cơ thể, dẫn đến mệt mỏi, uể oải. Thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì thể chất và tinh thần. Khi bạn nhịn ăn quá lâu, lượng đường trong máu sẽ giảm, tạo ra tình trạng thiếu đường glucose.

Đây là loại đường cần thiết giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Glucose đóng vai trò là nguồn nhiên liệu chính cho các chức năng của cơ thể, đặc biệt là hoạt động của cơ bắp và quá trình nhận thức của não bộ. Khi cơ thể bị cạn kiệt lượng glucose dự trữ thì lập tức một phản ứng nội tiết sẽ được kích hoạt.

Quá trình trao đổi chất chậm lại. Bỏ bữa có vẻ là một cách hiệu quả để giảm cân nhanh chóng. Nhưng thực tế, nghiên cứu cho thấy nó thật sự có thể cản trở quá trình giảm cân. Nguyên nhân là do nhịn ăn đã tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất.

Quá trình trao đổi chất chịu trách nhiệm hấp thụ thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Quá trình này xảy ra liên tục. Ngay cả khi đang nghỉ ngơi, cơ thể vẫn đốt calo ở một tốc độ nhất định. Hiện tượng này gọi là tốc độ trao đổi chất cơ bản. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 13.3.

Nếu bạn bận quá, đi bộ chừng này cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa British Journal of Sports Medicine, cho thấy đi bộ ít nhất 2.200 bước mỗi ngày là bạn đã có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Các nhà khoa học từ Đại học Sydney (Úc) đã kiểm tra dữ liệu của 72.174 người tham gia từ Ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh UK Biobank. Độ tuổi trung bình của người tham gia là 61.

Trong nghiên cứu, mọi người được đeo thiết bị để theo dõi mức hoạt động thể chất và thời gian vận động.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhịn ăn giảm cân, cơ thể sẽ thế nào?- Ảnh 2.

Đi bộ từ 2.200 bước mỗi ngày, nguy cơ đau tim bắt đầu giảm xuống

Pexels

Sau gần 7 năm theo dõi, có 1.633 người đã tử vong và 6.190 từng gặp biến cố tim mạch.

Kết quả cho thấy đi bộ từ 2.200 bước mỗi ngày, nguy cơ đau tim bắt đầu giảm xuống, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cũng giảm theo.

Đi được 4.000 - 4.500 bước giảm được gần 20% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và gần 11% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Càng đi nhiều, nguy cơ càng giảm, cho đến 9.000 - 9.700 bước thì lợi ích đạt tối đa, với mức giảm là 39% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và 21% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vượt quá mức này, lợi ích tăng thêm rất ít. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 13.3.

Bị táo bón, nên uống loại nước ép trái cây nào?

Các chuyên gia sức khỏe thường khuyến cáo cách tốt nhất để cải thiện tiêu hóa là ưu tiên ăn trái cây tươi thay vì uống nước ép. Vì với nước ép, phần lớn lượng chất xơ trong trái cây đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, tùy từng loại trái cây và cách làm mà có những loại nước ép vẫn có tác dụng cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón.

Một trong số này là nước ép lựu. Trên thực tế, nước ép lựu có thể cải thiện nhu động ruột và giúp mọi thứ di chuyển qua ruột nhanh hơn.

Ngày mới với tin tức sức khỏe: Nhịn ăn giảm cân, cơ thể sẽ thế nào?- Ảnh 3.

Nước ép lựu rất giàu khoáng chất và chất chống ô xy hoá

PEXELS

Lựu là loại trái cây rất nhiều nước và chất xơ. Trong 100 gram lựu tươi có khoảng 4 gram chất xơ. Đặc biệt, chất xơ không hòa tan chiếm tới 80% tổng lượng chất xơ trong trái lựu. Chất xơ không hòa tan có tác dụng cải thiện tiêu hóa.

Không chỉ chất xơ mà thậm chí lượng đường tự nhiên trong lựu cũng có tác dụng nhuận tràng. Hơn nữa, lượng nước cao trong lựu còn có thể giúp di chuyển phân dọc theo đường tiêu hóa dễ dàng hơn.

Uống đủ nước là một phần quan trọng giúp duy trì nhu động ruột khỏe mạnh. Dù lượng nước khuyến nghị là ít nhất 2 lít/ngày nhưng đôi khi chúng ta cũng nên kết hợp uống thêm nước ép lựu để cải thiện sức khỏe đường ruột. Điều này đặc biệt cần khi bị táo bón. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.