Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Những món nên ăn trước khi hiến máu; Nắng nóng gay gắt đầu năm, làm sao để phòng chống hiệu quả?; Những thứ có thể gây hại cho răng...
Một loại vắc xin 'rất quen' có thể làm teo khối u ung thư gan
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Advanced Science phát hiện vắc xin phòng bệnh lao Bacillus Calmette-Guérin (BCG), có khả năng thu nhỏ khối u ung thư gan và kéo dài sự sống của chuột bị ung thư gan.
Vắc xin lao BCG vốn được coi là an toàn và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nó còn được biết là có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt BCG để điều trị ung thư bàng quang. Tuy nhiên, tác dụng của BCG trong điều trị khối u rắn, như ung thư gan, vẫn chưa được biết rõ.
Người dẫn đầu nghiên cứu, giáo sư, phó giám đốc nghiên cứu tại khoa Bệnh lý và Phòng thí nghiệm thuộc Trường Y Davis Health Đại học California (UC Davis Health - Mỹ), cho biết: Ung thư biểu mô tế bào gan rất khó điều trị và thường không đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy vắc xin BCG có thể kích thích phản ứng miễn dịch. Vì vậy, trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học tại Đại học California đã thử nghiệm tiêm 1 liều vắc xin BCG cho chuột bị ung thư gan.
Và thật ngạc nhiên, kết quả cho thấy vắc xin BCG có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và thu nhỏ khối u. Đồng thời, BCG cũng giúp giảm cả tình trạng xơ gan, cải thiện chức năng gan, giảm mỡ gan. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 24.2.
Những món nên ăn trước khi hiến máu
Hiến máu là một hành động cao đẹp có thể giúp cứu sống người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là người hiến cần chuẩn bị cho cơ thể trước khi hiến máu. Ăn đúng loại thực phẩm trước khi hiến máu sẽ giúp ngăn ngừa chóng mặt và mệt mỏi.
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để cơ thể khỏe mạnh. Với người sắp hiến máu, điều này càng trở nên quan trọng hơn. Chế độ dinh dưỡng của họ sẽ cần ưu tiên ăn một số loại thực phẩm.
Dưới đây là một số lời khuyên về những món nên ăn trước khi hiến máu.
Món giàu chất sắt. Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì lượng máu khỏe mạnh. Ăn thực phẩm giàu chất sắt trước khi hiến máu có thể giúp bổ sung lượng sắt dự trữ trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu. Một số lựa chọn giàu chất sắt bao gồm thịt nạc đỏ, rau lá xanh, đậu lăng, đậu hũ và hạt bí.
Món giàu vitamin C. Vitamin C là loại khoáng chất có tác dụng hỗ trợ hấp thu sắt. Vì vậy, trước khi hiến máu, mọi người nên ưu tiên ăn các giàu vitamin C. Một số món có nhiều vitamin C là nước cam, dâu tây, cà chua, bông cải xanh và ớt chuông.
Ngũ cốc nguyên hạt. Những loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến là gạo lứt, yến mạch, diêm mạch và lúa mạch. Nhờ nguồn tinh bột phức tạp và protein, ngũ cốc nguyên hạt cung cấp ổn định lượng calo cho cơ thể và giúp duy trì đường huyết. Nhờ đó, người hiến máu sẽ giảm được nguy cơ mệt mỏi, ngất xỉu, đặc biệt là do quá đói hay bị hạ đường huyết. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 24.2.
Những thực phẩm có thể gây hại cho răng
Các loại thực phẩm như kẹo, bánh mì, trái cây họ cam quýt có hại cho răng nếu tiêu thụ một cách không điều độ.
Nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể gây tích tụ mảng bám, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.
Mảng bám là một màng chứa đầy vi khuẩn, có thể gây ra bệnh nướu răng và sâu răng. Bên cạnh đó, sau khi ăn, đường trong bữa ăn sẽ khiến vi khuẩn tiết ra axit tấn công men răng. Khi men răng bị phá vỡ, sâu răng có thể phát triển.
Để ngăn chặn mảng bám tàn phá răng miệng, các chuyên gia khuyên mọi người nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và đến gặp nha sĩ thường xuyên. Ngoài ra, chuyên gia khuyến nghị nên tránh những thực phẩm dưới đây để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Kẹo. Kẹo, đặc biệt là kẹo chua chứa nhiều loại axit khác nhau, có hại cho răng miệng. Ngoài ra, nhiều loại kẹo chua dai, nên bám vào răng lâu hơn, dễ gây sâu răng.
Bánh mì. Khi bạn nhai bánh mì, nước bọt sẽ phân hủy tinh bột thành đường. Bánh mì sau đó có thể dính vào các kẽ hở giữa các răng và gây sâu răng.
Rượu. Nước bọt ngăn chặn thức ăn dính vào răng và rửa trôi các mảnh vụn thức ăn. Nước bọt còn giúp chữa các dấu hiệu sớm của sâu răng, bệnh nướu răng và các bệnh nhiễm trùng răng miệng khác.
Tuy nhiên, khi uống nhiều rượu có thể khiến người uống bị khô miệng, thiếu nước bọt, dẫn đến không đủ lượng nước bọt giúp tiêu hóa thức ăn và bảo vệ răng. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)