Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh đau mắt đỏ tại TP.HCM; Nằm nghiêng nghe tiếng tim đập mạnh cảnh báo vấn đề gì?; Điều gì xảy ra với cơ thể khi chất điện giải thấp?...
Phát hiện mới nhất về lượng nước cần uống để tránh bệnh tim, đột quỵ
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Nutrition đã tìm ra lượng nước mọi người cần uống mỗi ngày để ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch đã biết bao gồm di truyền, chế độ ăn, giấc ngủ, tập thể dục và tình trạng hút thuốc/uống rượu và cả giới tính. Dữ liệu cho thấy phụ nữ có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao gấp đôi nam giới.

Uống từ 6 ly nước trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Ảnh: AI
Giờ đây, nhằm xem xét tác động của việc tiêu thụ nước, trà và cà phê đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 461.622 người tham gia từ Ngân hàng sinh học của Anh UK Biobank. Những người tham gia ở độ tuổi hơn 40, không mắc bệnh tim mạch khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trong gần 9 năm.
Các tác giả dựa vào bảng câu hỏi về chế độ ăn uống, cụ thể là tần suất, lượng nước, cà phê và trà tiêu thụ hằng ngày của những người tham gia để thực hiện nghiên cứu.
Trong thời gian theo dõi, có 11.098 người khởi phát suy tim, 33.426 người mắc bệnh tim mạch vành và 9.706 người bị đột quỵ. Kết quả đã phát hiện uống nhiều nước có tác dụng bảo vệ chống lại nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cụ thể, uống từ 6 ly nước trở lên mỗi ngày (240 ml/ly) giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở cả nam giới và phụ nữ, với nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành giảm 19% ở nam giới và giảm 20% ở phụ nữ, đặc biệt nguy cơ đột quỵ giảm 21% ở nam giới và giảm 19% ở phụ nữ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 20.2.
Nằm nghiêng nghe tiếng tim đập mạnh cảnh báo vấn đề gì?
Cảm giác nghe rõ tiếng tim đập khi nằm nghiêng là hiện tượng phổ biến. Trong nhiều trường hợp, đây chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng vô hại.
Trong một số trường hợp, nghe tiếng tim đập mạnh khi nằm nghiêng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến tim mạch, huyết áp hoặc hệ thần kinh. Người bệnh cần sớm đến bác sĩ khám nếu cảm thấy cơ thể bất ổn.

Cảm thấy tim đập mạnh khi nằm nghiêng là hiện tượng bình thường, nhưng đôi khi là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tim mạch
ẢNH: AI
Những nguyên nhân có thể khiến tim đập mạnh khi nằm nghiêng gồm:
Nguyên nhân sinh lý bình thường. Nhiều người cảm nhận rõ nhịp tim của mình khi nằm nghiêng, đặc biệt là nằm nghiêng bên trái. Điều này có thể do nằm nghiêng khiến tim áp sát gần thành ngực hơn, làm cho nhịp đập dễ dàng được cảm nhận. Ngoài ra, ở một số tư thế, lưu lượng máu đến tim có thể thay đổi, khiến nhịp tim có vẻ mạnh hơn.
Bệnh lý tim mạch. Nếu cảm giác tim đập mạnh khi nằm nghiêng đi kèm với các triệu chứng khác như khó thở, đau tức ngực, hoa mắt, chóng mặt thì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tim mạch. Những bệnh này gồm rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, suy tim. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 20.2.
Điều gì xảy ra với cơ thể khi chất điện giải thấp?
Chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cân bằng nước, loại bỏ chất thải và điều hòa huyết áp.
Các loại chất điện giải chính trong cơ thể bao gồm canxi, clorua, magie, phosphate, kali và natri.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải. Cơ thể hấp thụ điện giải thông qua thực phẩm và nước uống hằng ngày.
Bà Carrie Madormo, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, đã chia sẻ những phản ứng của cơ thể khi mất cân bằng điện giải.

Chất điện giải có vai trò quan trọng với sức khỏe tổng thể
Ảnh: AI
Đau đầu. Mức natri trong cơ thể quá thấp, hay còn gọi là hạ natri máu, có thể khiến nước di chuyển vào bên trong tế bào, gây sưng. Khi tế bào não bị sưng, người bệnh có thể bị đau đầu dai dẳng, kèm theo các biểu hiện như lú lẫn, cáu gắt, mệt mỏi và thậm chí co giật.
Rối loạn nhận thức. Magie, phosphate và natri là những chất quan trọng đối với hệ thần kinh, giúp các dây thần kinh truyền tín hiệu và duy trì chức năng của não bộ.
Khi mức điện giải giảm, người bệnh có thể gặp tình trạng lú lẫn, bồn chồn hoặc mất phương hướng. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)