Cô giáo Chu Thị Minh Thùy chụp ảnh với các học trò của mình (cô Minh Thùy cung cấp) |
M.T.C |
Mong học trò bình an
Cô giáo Chu Thị Minh Thùy, Giáo viên Trường tiểu học Thị trấn Yên Cát (H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), tâm sự bản thân từng là một học sinh lớn lên từ miền núi. Cô quay về miền núi dạy học nên thấu hiểu tất cả những khó khăn của học sinh.
Cô Thùy nhận ra, nơi miền núi xa xôi hẻo lánh vẫn còn tồn tại những tư duy cũ kỹ và lạc hậu. Điều này khiến nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng, trong khi chỉ có việc học là con đường duy nhất để những học sinh miền núi thoát khỏi cảnh cơ cực, theo cô Thùy.
Do đó, khi quyết định chọn nghề làm giáo viên, cô Thùy tự nhủ sẽ luôn dốc hết lòng, luôn nỗ lực và tận tâm để dạy thật tốt, cùng đồng nghiệp dìu dắt thật nhiều học trò ngoan, giỏi.
"Điều mà tôi cùng các đồng nghiệp mong mỏi là học trò không bị gián đoạn việc học, trưởng thành, có công việc ổn định và thoát nghèo. Tôi nghĩ đó cũng là niềm vui lớn nhất của nghề nhà giáo", cô Thùy chia sẻ.
Cô giáo kể thêm, học trò miền núi mộc mạc, luôn đến thăm thầy cô bằng tất cả tấm lòng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. "Nhà các em có gì thì mang đến cái đó. Những cô giáo ở vùng khó khăn, nước rất hiếm, nên học sinh đem cả nước đến tặng cô. Tôi đã nhiều lần nhận được những món quà rất dễ thương như mía lau, trứng luộc và cả hoa dại trong ngày kỷ niệm nghề", cô Thùy nhớ lại.
Người giáo viên luôn mong ước sao cho những thế hệ học trò mà bản thân dìu dắt nên người và trưởng thành |
M.T.C |
Gần đây, một học trò cũ sinh sống và lập nghiệp ở TP.HCM đã liên lạc với cô Thùy và hỏi thăm sức khỏe. "Tôi như chết lặng khi biết tin cả gia đình học trò cũ ấy mắc Covid-19. Về sau, nghe em báo lại tình hình tạm ổn, tôi mới đỡ lo. Bởi lẽ, tôi thương những người học trò cũ như con. Để rồi khi bất giác nghe tin em nào gặp những điều không may trong cuộc sống, tôi buồn lắm", cô Thùy tâm tình.
Cô nói bản thân mình không chỉ mong học trò cũ có kinh tế ổn định mà còng hy vọng các em được bình an trong cuộc sống đầy rẫy những bất định và biến động.
Hạnh phúc khi học trò thành công
Với thầy giáo Lò Duy Bưu, Giáo viên Trường THCS-THPT Hoàng Việt (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thì thầy luôn mong học sinh của mình nên người và đạt được những thành công trong cuộc sống.
"Tôi vô cùng hạnh phúc khi học sinh của mình trưởng thành và có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Mỗi lần nhận được những tin nhắn, cuộc gọi của học trò hỏi thăm, chia sẻ về cuộc sống bình yên hiện tại, tôi vui lắm. Tôi thấy như được tiếp thêm động lực để hoàn thành thật tốt công việc trong sứ mệnh trồng người", thầy Bưu nói.
Thầy giáo Lò Duy Bưu luôn mong học sinh của mình nên người và đạt được những thành công trong cuộc sống |
D.B |
Đồng quan điểm trên, thầy giáo Nguyễn Việt Khiêm, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Ngãi), cho rằng niềm vui của học trò chính là hạnh phúc của người thầy. "Nghe học sinh khoe đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia hay đậu vào trường ĐH mơ ước... là những khoảnh khắc mà giáo viên vui sướng vô cùng", thầy Khiêm chia sẻ.
Rồi thầy giáo tâm sự: "Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 này, tôi ước sao nhận được những tin nhắn của học sinh hứa: thầy ơi, em sẽ cố gắng đạt học bổng; hay khoe vừa nhận được thành tích nào đấy trong cuộc sống, học tập, công việc... Đó là sự tri ân của học trò mà tôi yêu thích nhất".
Cô giáo Lê Tuyết Hà, giáo viên Trường THCS Lê Lợi (H.Krông Pa, Gia Lai), chia sẻ vào dịp 20.11, những tin nhắn của bao thế hệ học trò cũ ngập tràn điện thoại, Facebook, Zalo, Viber.
"Cảm giác đọc được những lời chúc mừng ngày kỷ niệm nghề như vậy rất hạnh phúc. Các em dù đã ra trường rất lâu nhưng vẫn nhớ đến mình. Tôi càng vui hơn khi biết được các em đang khỏe mạnh, đang học tập tốt, hoặc có cuộc sống khá giả, đủ đầy và có tương lai sáng lạn", cô Hà cho biết.
Bình luận (0)