Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008, tôi nhận nhiệm sở về dạy lớp 5 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Cặp bưởi nghĩa tình
Vào buổi trưa Ngày Nhà giáo 20.11 năm đó, kết thúc giờ học, tôi chuẩn bị rời khỏi lớp thì một phụ huynh trong độ tuổi hơn 30 bước vào lớp, cầm trên tay hai trái bưởi.
Tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn còn mãi theo năm tháng |
phạm hữu |
“Thầy ơi, tôi có cặp bưởi dưới quê gửi lên tặng thầy nhân dịp 20.11”, phụ huynh với khuôn mặt khắc khổ trong chiếc áo sơ mi xám bạc màu nói với tôi. Tôi lặng đi trong vài giây vì xúc động rồi mới nói được lời cảm ơn phụ huynh.
Phụ huynh giới thiệu tên con của mình và hỏi thăm: “Trong lớp, cháu học ngoan không thầy, có nghịch ngợm lắm không thầy?”. Tôi đáp, cháu học rất tốt và chăm chỉ. Nghe vậy, người cha đó mỉm cười rồi chào tôi ra về. Tôi cũng chào tạm biệt phụ huynh và nhìn theo cho đến khi anh bước xuống cầu thang.
Dù không còn theo nghề giáo nhưng tôi sẽ mãi không bao giờ quên cặp bưởi nghĩa tình đó của phụ huynh. Đó là sự tôn trọng, tình cảm thiêng liêng của phụ huynh và học sinh dành cho người thầy.
"Tại sao thầy mặc hoài ba cái áo sơ mi này vậy?"
Ngày mới ra trường, tôi thường mặc thay đổi 3 áo sơ mi màu trắng, xanh dương đậm, xanh da trời đến lớp, chỉ đơn giản vì tôi thích những màu đó.
Khoảng 2 tuần trước ngày 20.11, ba nữ sinh lớp 5 thường đến bàn để trò chuyện cùng tôi. Một học sinh tên Minh Nguyệt hỏi tôi: “Tại sao thầy mặc hoài ba cái áo sơ mi này vậy?”. Tôi khá bất ngờ khi các con để ý đến cả màu áo của thầy và bật cười nói: “Bởi vì thầy chỉ thích những màu đó”.
Còn Phượng Anh nói: “Con bật mí cho thầy chuyện này nha. Ba đứa con để dành tiền ăn sáng mà ba mẹ cho để mua áo mới tặng thầy… Mà thầy ơi, sáng nay con lỡ mua bánh, xài hết tiền rồi thầy”.
Thầy cô ở TP.HCM tự làm sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị |
Trước tình cảm của học sinh dành cho mình, tôi nói: “Thầy cảm ơn tấm lòng của các con. Biết tiết kiệm là tốt, nhưng các con nên dùng tiền tiết kiệm mua bút viết và vở. Thầy có đủ áo để mặc mỗi ngày rồi”.
Tuy nhiên, đến ngày 20.11, ba nữ sinh mang hộp quà với chiếc sơ mi màu xanh dương đậm, đúng màu tôi thích. Lúc trao quà cho tôi, Minh Nguyệt nói: “Tụi con chỉ để dành được vài chục ngàn thôi thầy ơi, còn lại là xin tiền ba mẹ để mua áo tặng thầy”.
Sự hồn nhiên trong lời nói và đôi mắt của các con lúc bấy giờ giúp xua tan mọi mệt mỏi của người thầy mới tốt nghiệp ra trường với đủ thứ phải lo toan, từ giáo án, chấm bài cho đến sổ sách giấy tờ hành chính.
Tôi thật sự trân quý mỗi món quà từ học sinh và phụ huynh. Dù ngành giáo dục còn nhiều bất cập, thầy cô chịu nhiều áp lực trong công việc, chưa được trả lương tương xứng và bản thân tôi đã không còn trong nghề nhưng tinh thần “tôn sư trọng đạo” vẫn còn mãi.
Bình luận (0)