Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới

02/02/2024 13:39 GMT+7

Sáng 2.2 (tức 23 tháng chạp), nhiều người dân thủ đô Hà Nội đã đến các địa điểm quen thuộc như hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cầu Long Biên (Q.Long Biên, Hà Nội) để thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Cứu dòng nước, rước ông Táo

Theo ghi nhận của Thanh Niên, 9 giờ ngày 2.2, tại cầu Long Biên, rất đông người dân đã mang tro và cá chép đến phóng sinh, tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Tại đây, nhóm tình nguyện Đường Táo Quân với hơn 100 tình nguyện viên hỗ trợ người dân thả cá, rải tro, thu gom túi ni lông để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 1.

Người dân đến thả cá ở cầu Long Biên sáng nay

NGUYÊN QUANG

Có tàu kiểm ngư ngăn chặn chích điện, người dân yên tâm thả cá phóng sinh ngày ông Táo

Với khẩu hiệu "thả cá đừng thả túi ni lông", anh Vũ Đức Hiếu, Trưởng nhóm Đường Táo Quân, cho biết năm nay ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong ngày lễ ông Công, ông Táo có những chuyển biến tích cực khi có sự kết hợp và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tình nguyện giúp người dân thả cá, nhặt rác, nhặt túi ni lông tại sông. Tuy nhiên, tình trạng thả cá, rải tro cúng cùng túi ni lông vẫn còn tiếp diễn gây ô nhiễm môi trường.

"Năm nay, nhóm hỗ trợ người dân thả cá tại cầu Long Biên từ ngày 22 âm lịch. Đặc biệt, thời tiết sương mù như hiện tại, chúng tôi vận động người dân đưa cá cho các bạn tình nguyện viên thả giúp, không mang trực tiếp xuống dưới chân cầu", anh Hiếu nói.

Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 2.
Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 3.
Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 4.
Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 5.

Nhóm Đường Táo Quân giúp người dân thả cá chép

ĐÌNH HUY

Được biết, với rác thải nhựa như túi bóng, nhóm tình nguyện Đường Táo Quân sẽ mang đi tái chế, còn chai nhựa thì gom lại dùng để làm đồ "hand made" như thùng rác nhựa… giúp giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Ông Phạm Thế Hải, người dân thả cá phóng sinh, cho biết đã từ Q.Ba Đình (Hà Nội) đến cầu Long Biên để thả cá. "Tôi thấy đây là hoạt động rất phù hợp, tiện lợi cho người dân khi thả cá bởi có các bạn tình nguyện viên giúp; đồng thời tăng ý thức cho lớp trẻ về bảo vệ môi trường", ông Hải chia sẻ.

Vượt gần 10 km, bà Nguyễn Thị Hương (Q.Đống Đa) cho biết luôn chọn cầu Long Biên để thả cá chép đưa ông Công, ông Táo về trời vì ở đây phong thủy hơn.

"Nay đi từ xa không thấy các cháu tình nguyện viên, đến gần hơn thấy các cháu năm nay vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân thả cá thì mừng quá. Theo quan niệm tâm linh, tôi vẫn đi cùng các cháu xuống dưới chân cầu để tiễn cá chép về trời", bà Hương cho hay.

Bánh cúng hình rồng, cá chép đắt khách dịp cận tết: Chủ tiệm quyết bán xuyên tết

Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây... đã mắc lưới

Ghi nhận tại hồ Tây lúc 10 giờ cùng ngày, nhiều người dân có mặt tại khu vực gần chùa Trấn Quốc (P.Yên Phụ. Q.Tây Hồ) để thả cá phóng sinh. Tại đây, có ít nhất 2 chiến sĩ Công an P.Yên Phụ, Hội Phụ nữ và 2 đoàn viên, thanh niên P.Yên Phụ… có mặt để vận động, hướng dẫn người dân thả cá đúng nơi quy định.

Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 6.

Lực lượng chức năng giúp người dân thả cá ở hồ Tây

NGUYÊN QUANG

Do nguồn nước dưới hồ Tây bị ô nhiễm, cá chép thả xuống chỉ sống được vài giờ rồi chết nên Công an P.Yên Phụ đã lập hàng rào barie, vận động người dân thả cá chép vào xô rồi chở ra sông Hồng.

Tuy nhiên, ở một số điểm không có cơ quan chức năng, người dân tự do thả cá xuống hồ. Một lượng cá chép sau khi được phóng sinh đã bị mắc vào lưới ở dưới hồ khiến nhiều người bức xúc. Một người dân phản ánh, từ hôm qua, nhiều chiếc lưới đã được giăng sẵn khi các lực lượng chức năng không có mặt tại khu vực.

Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 7.

Người dân vẫn tranh thủ đổ cá xuống hồ Tây

NGUYỆT QUỲNH

"Thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời là nét đẹp, tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Một bộ phận ý thức rất kém, không ít cá chép vừa thả xuống đã bị bắt lại. Làm như vậy rất nhiều cá chép bị chết, nằm lờ đờ dưới hồ", một người dân cho hay.

Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 8.
Ngày ông Công, ông Táo: Cá chép vừa phóng sinh xuống hồ Tây đã... mắc lưới- Ảnh 9.

Cá chép được phóng sinh nhanh chóng mắc vào lưới

NGUYỆT QUỲNH

Bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ P.Yên Phụ, cho biết sát ngày ông Công, ông Táo, hội kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể ra hỗ trợ, vận động người dân thả cá đúng nơi quy định.

"Năm nay có cả lực lượng công an vận động người dân thả cá chép vào xô rồi chở ra sông Hồng. Đa số mọi người rất hưởng ứng và chấp hành, tuy nhiên vẫn có những người ý thức rất kém, chống đối, không tuân theo. Ý thức là phóng sinh nhưng không duy trì được sự sống thì khác nào đi ngược lại phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc", bà Hoàng Anh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.