Ngày tết, người người đi chùa: Chắp tay lạy Phật thế nào?

09/02/2024 20:01 GMT+7

Ngày tết, đi chùa, chúng ta thường chắp tay cúi lạy trước tôn tượng Đức Phật, Bồ tát 3 lạy. 3 lạy này có ý nghĩa thế nào và chắp tay lạy thế nào cho đúng?

Đi chùa ngày tết trở thành thói quen của Phật tử và cả những người mến mộ đạo Phật. Nhiều gia đình khi ngày tết đến, cả nhà sẽ cùng nhau đi chùa rồi mới bắt đầu đi thăm bạn bè, chơi tết. Đứng trước tôn tượng Đức Phật, Bồ tát, chúng ta thường cúi lạy 3 lần. Vì sao vậy?

Ý nghĩa của cúi lạy

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho biết, cúi lạy khi đến chùa để bày tỏ sự tôn kính của mình với đấng thiêng liêng là điều ai cũng biết, nhưng sau lòng thành quỳ mọp dưới chân Đức Phật, dẹp bỏ cái tôi, cái ngã nơi chính mình còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

Ngày tết, người người đi chùa: Chắp tay lạy Phật thế nào?- Ảnh 1.

Chắp tay khi cúi lạy có ý nghĩa thiêng liêng

Diệu Mi

Trong nhà Phật có từ gọi là ngũ thể đầu địa, tức là 5 góc sát đất. 5 góc ở đây gồm: trán, 2 tay và 2 chân phải mọp xuống đất để bày tỏ niềm tôn kính và khi mình lạy xuống đưa 2 bàn tay ra hoàn tưởng rằng có Đức Phật ở trước mặt mình để mình bày tỏ sự tôn kính.

Theo Trưởng ban Văn hóa Phật giáo, đến chùa chúng ta thường cúi lạy 3 lạy, đó là: lạy Phật, lạy Pháp và lạy tăng. Trong đó, Đức Phật là biểu tượng của sự giác ngộ, giải thoát. Giáo Pháp là lời dạy của Đức Phật biểu tượng cho lòng từ bi và lạy tăng là đoàn thể tăng già thánh thiện đi trên con đường giải thoát của Đức Phật.

Đi chùa ngày tết cúi lạy thế nào?

"Ở dân gian không phải ai có tín ngưỡng, niềm tin vào Đức Phật nhưng người ta vẫn lạy 3 lạy nghĩa là thiên, địa, nhân - lạy trời, lạy đất và lạy người biểu hiện được đối tượng tôn kính của mình", thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.

Tuy nhiên, vị thượng tọa cũng cho rằng, chúng ta nên cảm nhận rằng chắp tay là một cái đẹp, tạm gác qua ý niệm tôn giáo, chúng ta có thể thấy đây là vẻ đẹp trong phương thức ngoại giao.

Ngày tết, người người đi chùa: Chắp tay lạy Phật thế nào?- Ảnh 2.

Trong Phật giáo có khái niệm "ngũ thể đầu địa" khi cúi lạy

Diệu Mi

Thượng tọa Trí Chơn phân tích: "Thời phong kiến, người Việt dạy dỗ con cháu mình phải vòng tay lại cúi đầu chào thưa, đó là gia giáo rất là đẹp nhưng có một cái mở hơn không chỉ trẻ em mà người lớn đều có thể chào nhau bằng cái chắp tay như thế này. Trong xu thế ngoại giao, người ta có thể vẫy tay chào, bắt tay, nhưng đẹp nhất, ấm áp nhất là kính trọng nhất là cái chắp tay".

Cúi lạy thế nào cho đúng?

Đến chùa, nếu quan sát, chúng ta dễ dàng bắt gặp những kiểu cúi lạy khác nhau, có người đứng lạy, người cúi đầu chưa kịp chạm đất đã đứng lên, người cúi mọp dưới đất.

Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM cho hay, đúng lễ trong nhà thiền, khi cúi lạy tay chúng ta chắp lại để trước ngực là biểu thị của sự thành tâm. Trong sự thành tâm này là 10 ngón đưa lên trên là hướng thượng và 10 đầu ngón tay chụm lại gọi là hiệp nhất, tức là tâm không tán loạn.

Ngày tết, người người đi chùa: Chắp tay lạy Phật thế nào?- Ảnh 3.

Khi lạy xuống, chúng ta nên chậm rãi hít vào, thở ra theo 1 nhịp thở để tiếp xúc được với đất mẹ

Diệu Mi

Như vậy, 2 bàn tay chắp lại để trước ngực là thành tâm, sau đó đưa lên trán là tôn kính và cúi đầu thì ngửa hai tay chạm đất là buông xả.

Thượng tọa khuyên, khi lạy xuống, chúng ta nên chậm rãi hít vào, thở ra theo 1 nhịp thở để tiếp xúc được với đất mẹ, rồi đứng lên với sự thành tâm của mình. Đó là đúng lễ trong nhà thiền.

"Đến chùa hay ngoài đời, bạn dễ dàng nhìn thấy mọi người chắp tay trước ngực chào nhau dù có phải là Phật tử hay không. Đây là cái chào rất đẹp", Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.