Người miền Nam không coi trọng thú uống trà hay nghệ thuật trà mà rất giản dị, coi trà như một thức uống gần gũi thân thiết.
>> Bữa cơm 30 Tết của người Hoa
>> Món Tết miền Nam đều trông cậy vào củ kiệu tôm khô
|
Dân quê tôi thời đó thường uống một loại trà có tên là bánh ú. Trà bánh ú dở ẹt, được mấy ông Các Chú ở tiệm chạp phô gói trong miếng giấy đỏ hình cái bánh ú; nhưng nếu so với trà củi thời bao cấp, trà tẩm hương liệu hóa chất thời nay thì vẫn ngon và an toàn hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là người quê tôi không có văn hóa uống loại trà thượng hạng. Người Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và các tỉnh ven đô thị này vẫn có các loại trà nhất hạng như Long Tĩnh, Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào, Trúc Diệp Thanh...
Từ ảnh hưởng văn hóa Hoa kiều - Minh Hương thì đâu ai không biết thưởng thức trà ngon, nhưng tánh khí người miền Nam hào sảng mà không cầu kỳ. Uống trà ngon là để biết thấu đến tận chất quý của vị trà, hương trà; còn việc chế ra những cách thức pha, cung cách uống hay dựng bối cảnh thưởng trà thì không hạp với đời sống giản dị, chân chất.
Chúng tôi ôn lại chuyện gia đình thân thuộc của mình và phát hiện ra việc cúng trà với uống trà của người miền Nam là hai chuyện khác nhau. Cứ mỗi dịp tết hoặc nhà có đám lớn là người miền Nam, dù nghèo rớt vẫn mua cho được gói, hộp trà ngon để pha cúng trên bàn thờ.
|
Đám con nít chúng tôi bị sai đi tiệm xa, chợ huyện mua trà ngon là bực mình vì không hiểu cái lý, cái tâm của việc dâng cúng trà ngon. Sau này tìm hiểu được ý người lớn mới hay rằng, người nông dân hoặc người tỉnh lẻ bình dân làm gì có điều kiện mà đốt hương trầm cho cõi trên, thoáng hương trà ngon của gia chủ là lòng thành kính tưởng.
Tôi tin rằng văn hóa dâng trà ngon lên Trời, Phật, Tổ Tiên rồi chọn cho mình ba cái thứ trà dở là đáng trọng, đúng với cốt cách khiêm nhường giữ lễ của người quê tôi. Có cách gì, nghi thức gì trọng trà ngon cho bằng việc cung hiến trà ngon lên các bật hiển thánh, tổ tiên.
Thậm chí người quê tôi sau khi dâng cúng trà ngon không cho phép mình hay người trong gia đình đặt môi miệng uống trà cúng, họ trịnh trọng rưới lên mặt đất như một nghi thức sau cùng kính tưởng đến người khuất mặt khuất mày.
Trở lại với những thương hiệu trà nổi tiếng của Sài Gòn, để biết nhu cầu uống và cúng trà ngon của người Sài Gòn thì cũng nên nhớ lại rằng, một phần quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh ngày nay là những vùng nguyên liệu trồng lấy hoa ngâu, hoa lài, hoa sen để ướp trà. Các thương phẩm trà ngon do các chủ người Hoa giữa bí quyết không chỉ bán cho người miền Nam mà còn xuất qua các nước Đông Dương, Hồng Kông, Đài Loan...
Có nhiều người thuộc các dòng coi trà là đạo, coi trọng các trường phái trà nhập khẩu, họ võ đoán cho là người miền Nam, dân Sài Gòn không có văn hóa trà. Không cần phải giải thích cũng dễ hiểu, người dân ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như người miền Nam coi trà như một thức uống giải khát đơn thuần.
|
Có gì sảng khoái hơn khi sống giữa khí trời phân biệt rõ rệt hai mùa mưa, nắng mà dùng trà để giải cảm thân nhiệt, dùng trà để ấm tấm lòng. Người miền Nam không coi trọng thú uống trà hay nghệ thuật trà mà rất giản dị, coi trà như một thức uống gần gũi thân thiết. Chẳng phải đến với trà bằng sự thiệt tình như vậy là chưa đủ thấm thía cốt cách của giá trị dưỡng sinh tinh túy từ trà hay sao!
Bình trà ở xứ tôi thì bình nào cũng đẹp; người bình dân thì xài bình gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, người sang thì bình sứ Tây, Nhật. Vào cái thời vật dụng của người nhà quê miền Nam không chuộng cầu kỳ thì hoa văn- họa tiết của bộ trà đúng là tác phẩm nghệ thuật ưng ý.
Hôm trước bạn Việt kiều hỏi tôi có nhớ bình trà ông tiên - trái đào đựợc giữ ấm trong vỏ trái dừa khô không? Đúng là ở quê tôi bà con nghèo ưa giữ ấm trà bằng vỏ dừa, nhà có của thì bỏ bình trà vô hộp gỗ.
Về cái vỏ dừa đựng bình trà thì có lẽ khắp thế giới chỉ quê tôi là bưng cả cái vỏ dừa khô ra rót trà mời khách.
Trần Tiến Dũng
Ảnh: Giang Vũ
Bình luận (0)