Ngày tết trăn trở chuyện thanh long Bình Thuận phải bán đi đâu

01/02/2022 12:45 GMT+7

Nhiều người nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận gọi điện hỏi tôi về khả năng đầu ra của trái thanh long trong năm mới 2022. Thú thật, cái này tôi rất khó trả lời.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã về, một cái tết ghi nhớ nhiều khó khăn. Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân trồng thanh long ở "thủ phủ thanh long" Bình Thuận. Trong các bài viết phản ánh các hoạt động về kinh tế, xã hội liên quan đến H.Hàm Thuận Nam, tôi thường dùng chữ "thủ phủ thanh long" Bình Thuận để nhấn mạnh rằng, nơi đây là vùng đất trồng thanh long, thậm chí là nơi trồng nhiều nhất cả nước.

Hầu như ở Hàm Thuận Nam, không có người dân nào không liên quan, chịu sự tác động dù lớn hay nhỏ từ các hoạt động sản xuất, buôn bán loại trái cây này. Cây thanh long trải dài, phủ khắp từ Hàm Mỹ đến Sông Phan, từ xã vùng cao Mỹ Thạnh xuống tới vùng biển Thuận Quý, Kê Gà. Ngay cả du khách khi đi ngang qua Hàm Thuận Nam, thấy nơi nào cũng có vựa thu mua thanh long. Nhưng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc đóng cửa, nông dân không bán được thanh long, khiến người nông dân chịu nhiều thiệt thòi.

Thu mua thanh long để xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc ở H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

QUỐC HANH

Nhờ tính đặc thù của nghề nghiệp, tôi có dịp tiếp xúc, rồi gắn bó với khá nhiều người nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam. Sau khi đọc những bài viết của tôi từ các hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long vừa qua, nhiều người gọi điện hỏi về khả năng đầu ra của trái thanh long trong năm mới. Thú thật, cái này tôi rất khó trả lời. Tết năm nay vừa mới trải qua một trận đại dịch. Dịch vừa mới tạm ổn thì thanh long lại bị “đóng cửa” đầu ra. Mọi năm, những ngày giáp tết, bà con các vùng thanh long ở Hàm Thuận Nam đến các siêu thị mua sắm rất đông. Năm nay hầu như vắng vẻ ở mọi nơi, không khí mua sắm trầm lắng.

Cơ hội nào trong năm mới?

Tôi biết chị Ngọc Hà từ khi chị mới gầy dựng cơ nghiệp từ 3 sào đất cằn trồng thanh long. Nay chị đã trở thành một trong những đại gia thanh long ở 'thủ phủ' thanh long Hàm Thuận Nam. Nhưng chị cũng chỉ có một địa chỉ duy nhất là xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc suốt bao năm nay. Nói đến xuất khẩu ra các thị trường khác như châu Âu, Mỹ, chị Ngọc Hà thừa nhận mình chưa đủ tầm, chưa dám nghĩ tới. Bao năm nay cứ xuất và bán tiểu ngạch đi Trung Quốc quen rồi.

Xe chở thanh long bị mắc kẹt ở Lạng Sơn khi các cửa khẩu biên giới Trung Quốc không thông quan

N.V.H

Ở Hàm Thuận Nam bây giờ, người làm ăn như chị Ngọc Hà không hiếm. Thậm chí nhiều người còn liên kết với các thương nhân Trung Quốc làm ăn. Chị Ngọc Hà thừa nhận, để đi ra khỏi và ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ngay bây giờ không phải là chuyện dễ làm: “Bình Thuận có tới 35.000 ha mỗi năm cho trên 700.000 tấn, bán đi đâu cho hết nếu không bán cho Trung Quốc?”. Đó là chưa kể tỉnh Tiền Giang và Long An cũng từng đó diện tích, sản lượng từng ấy mỗi năm.

Hiện nay thị trường Trung Quốc không chỉ có “rào cản Covid-19” đang rất khắc nghiệt được dựng lên ở các cửa khẩu. Mà hàng rào kỹ thuật của thị trường này cũng đang dựng lên để kiểm soát trái cây rất khắt khe.

Điều này không có nghĩa là chúng ta đứng nhìn, chấp nhận rủi ro. Trong nguy có cơ, trong cái khó sẽ "ló" ra giải pháp. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất với người nông dân bây giờ không phải là diện tích thanh long bao nhiêu, mà là chúng ta xuất khẩu ở đâu, giá trị bán ra có đem lại lợi nhuận cho nông dân hay không mới là điều quan trọng.

Trong các hội nghị tìm giải pháp cho xuất khẩu thanh long mà tôi từng phản ánh trong những ngày đầu năm 2022, cho thấy có nhiều thị trường khác cũng đầy tiềm năng cho trái thanh long, như Ấn Độ là một ví dụ. Điều này cần có sự chung tay của nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với nhà nông.

Thủ phủ thanh long đâu chỉ có thanh long

Về địa lý, H.Hàm Thuận Nam có rừng, có biển, có đường QL1, đường sắt đi qua. Sắp tới đây, hai dự án đường cao tốc là Vĩnh Hảo - Phan ThiếtPhan Thiết - Dầu Giây hoàn thành sẽ là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng để Hàm Thuận Nam vươn xa hơn không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn giúp người nông dân xứ thanh long nâng cao đời sống mọi mặt.

Hiện nay tỉnh Bình Thuận đang đầu tư tuyến đường Phan Thiết - Kê Gà và nâng cấp tuyến Kê Gà - Tân Thiện, đặc biệt là làm mới tuyến đường Phan Thiết - Kê Gà để tạo dựng bề mặt giáp biển sẽ giúp Hàm Thuận Nam đẩy mạnh tiến độ các dự án kinh tế quan trọng ven biển, giáp ranh với TP.Phan Thiết.

Ngọn Hải đăng trên đảo Kê Gà - Hàm Thuận Nam là một thắng cảnh thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi khi tết đến xuân về

QUẾ HÀ

Tuyến đường này sẽ giúp Hàm Thuận Nam phát triển mạnh nền kinh tế du lịch, dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Người nông dân trồng thanh long rồi cũng sẽ phải tìm đầu ra cho chính công ăn việc làm của mình, chứ không chỉ quanh năm lo đầu ra của trái thanh long như bây giờ. Ngoài nông nghiệp, Hàm Thuận Nam còn là vùng du lịch khi có nhiều khu nghỉ dưỡng nằm ở vành đai TP.Phan Thiết. Sắp tới đây, Hàm Thuận Nam còn là điểm đến của nhiều dự án năng lượng điện gió trên biển được đầu tư bởi các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.

Tôi nghĩ, với vị trí và tiềm năng của Hàm Thuận Nam hiện nay thì bà con nông dân sẽ nhanh chóng có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng làm chủ được đầu ra cho cây thanh long và không bị phụ thuộc. Bởi Nghị quyết của Đảng bộ Bình Thuận chủ trương đổi mới nền nông nghiệp bằng công nghệ cao nhằm tăng giá trị. Khi ấy, “thủ phủ thanh long” của Bình Thuận sẽ còn vươn xa hơn nữa không chỉ từ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, không chỉ là thủ phủ thanh long, mà sẽ vươn lên trở thành thủ phủ kinh tế của Bình Thuận...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.