Ngày thống nhất - Kỳ 1: Những ngày hòa bình đầu tiên

21/04/2015 06:53 GMT+7

Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng những ngày hòa bình đầu tiên tháng 5.1975 ở Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, một kẻ lang thang tự do từ các đường rừng về các đường phố.

Rất nhiều năm đã trôi qua, nhưng những ngày hòa bình đầu tiên tháng 5.1975 ở Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi, một kẻ lang thang tự do từ các đường rừng về các đường phố.

>> Bốn mươi năm nhìn lại - đổi mới và phát triển 

Bộ đội mua đồ lưu niệm trên phố Sài Gòn - Ảnh: T.L
Bộ đội mua đồ lưu niệm trên phố Sài Gòn - Ảnh: T.L
Người Sài Gòn ngày ấy...
Tháng 5 ấy, tôi lấy một chiếc xe đạp “nu” (không chắn bùn chắn xích, không chuông, không phanh) của cơ quan mang từ chiến khu về làm phương tiện di chuyển trên các đường phố Sài Gòn. Mỗi khi đạp chiếc xe này rong ruổi ngoài phố, tôi lại được bà con Sài Gòn nhìn theo với ánh mắt ngạc nhiên và sự bao dung thân thiện. Có lẽ bà con thấy cái xe đạp này… kỳ quá! Xe gì mà trần thùi lụi, đen trùi trũi, trông bùi bụi mà chạy cùi cụi.
Tôi vốn là người không có khiếu nhớ đường, ngày ở rừng vẫn thường đi lạc, giờ về giữa một Sài Gòn mênh mông và xa lạ, thì chuyện lạc đường phải được coi là bình thường. Nhưng lạc rừng khác với lạc trong thành phố, vì ở thành phố có quá đông người để mình hỏi đường.
Ngày ấy, mỗi khi tôi hỏi thăm đường, người Sài Gòn đều hồ hởi chỉ rất cặn kẽ. Đó là nét đẹp đặc biệt của người Sài Gòn. Có lẽ người Hà Nội ngày trước cũng giống như vậy, dù bây giờ tôi đọc báo thấy nói có nơi ở Hà Nội người ta treo bảng “Chỉ đường giá 10k”, nghe thật kỳ cục. Sau này, khi tới một số nước châu Âu, được người bản địa nhiệt tình chỉ đường, tôi mới ngộ thêm một điều: người Sài Gòn có phong thái công dân và tính cộng đồng rất gần với người châu Âu. Đó là những hành xử tự nhiên, không cô lập, biết vì người khác, mang đậm tinh thần dân chủ.
Từ khi vào chiến trường Nam bộ, được tiếp xúc hằng ngày với báo chí Sài Gòn, văn học miền Nam, tôi cảm nhận được sự năng động và bộc trực của người Nam bộ. Sau này, khi được xuống chiến trường đồng bằng, tôi càng quý mến những đức tính này của người dân “quấn khăn rằn”. Họ sẵn sàng chia sẻ, rất ít khi tính toán về những chuyện ăn uống hay sinh hoạt, chấp nhận người ngoài vào cộng đồng của mình một cách dễ dàng và khá hồn nhiên.
Người Sài Gòn tháng 5.1975 cũng vậy. Gần như chúng tôi đi đâu cũng được mời ăn, mời… nhậu. Ngay cơ quan tôi ở, trên đường Hồng Bàng, quận 5, cứ mỗi buổi trưa buổi chiều lại có những chiếc ô tô tải nhỏ chở cơm, thức ăn và đồ uống của bà con quận 5 tới “ủng hộ” cả cơ quan. Các chị nuôi cơ quan tôi tha hồ… nghỉ, chả phải nấu cơm nữa, vì cả cơ quan đã được tài trợ… hai bữa cơm/ngày, mỗi bữa có tới 4, 5 món ăn ngon lành, chưa kể nước ngọt và trái cây tráng miệng. Các chị nuôi ở cơ quan tôi rảnh thì giờ để… bát phố, thăm thú Sài Gòn và gặp gỡ người quen người thân. Tôi nhớ một hôm có người bạn của tôi là sinh viên Sài Gòn tới chơi, gặp bữa tôi mời ăn cơm, người bạn đã rất ngạc nhiên trước những mâm cơm khá thịnh soạn.
Tôi hớn hở khoe: bà con quận 5 “chiêu đãi” đấy! Tôi chỉ ở Sài Gòn khoảng một tháng, sau đó lại lang thang dọc miền Trung ra Đà Nẵng và Huế, nên không biết những bữa cơm “ủng hộ” kia kéo dài được bao lâu. Nhưng nếu chỉ được ăn miễn phí trong vòng một tháng, thì cơ quan tôi cũng sung sướng lắm rồi. Và, bà con quận 5 trong suốt cả tháng ấy cũng đã “tốn” không ít với những “VC” chúng tôi. Nhưng nhân dân chẳng bao giờ tính toán, điều đó chúng ta cần phải nhớ, nếu muốn làm người tử tế.
... Và lòng nhân ái
Hòa bình, ngay những ngày tháng 5 ấy ở Sài Gòn, đã mang ý nghĩa của thiện chí, của tình yêu thương và sự chia sẻ. Nhiều đêm đi chơi thật khuya ngoài phố, chúng tôi đã cảm nhận được sự an toàn. Nhớ một lần, vào khoảng 6 giờ chiều, tôi và nhà văn Thái Thành Đức Phổ nổi hứng phóng Honda từ Sài Gòn về tận… Cái Bè thăm một người bạn. Tôi không biết chạy xe Honda, nên yên lòng ngồi phía sau để anh Phổ chở. Cỡ chừng 8 giờ tối, khi chạy trên lộ Bốn thuộc địa phận Châu Thành (Mỹ Tho) thì xe chúng tôi va quệt với một anh du kích (có lẽ hơi quá chén). Để tránh anh ta, nhà văn Thái Thành Đức Phổ đành quay ngang và xe Honda… lật. Tôi ngồi sau nhưng lãnh đủ, bị chà xát xuống mặt lộ, chảy máu tùm lum. May sao, mấy anh du kích đã lập tức dìu chúng tôi vào một trạm cứu thương “dã chiến” bên đường. Ở đó, một em gái y tá hết sức dễ thương đã băng bó cho tôi. Khi tôi ngỏ lời cảm ơn, em đã nói thật nhỏ nhẹ: “Có chi đâu anh!”. Tôi không bao giờ quên được giọng nói ngọt lành và cực thu hút ấy của em gái y tá người Mỹ Tho. Ngày chiến tranh, tôi đã từng ở địa bàn Cai Lậy, và rất có cảm tình với giọng nói của các em gái ở đây.
Bây giờ, lại nghe chuyện có người bị tai nạn trên đường cao tốc Trung Lương, một chiếc xe đi ngang qua nhìn thấy đã… chạy luôn. Sao kỳ vậy nhỉ? Nếu hồi tháng 5.1975 ở gần ngã ba Trung Lương ấy tôi không được người dân địa phương sơ cứu kịp thời khi bị tai nạn, thì không biết điều gì xảy ra nữa. Bây giờ phú quý có thể “tiến lên”, nhưng sao lòng nhân ái lại “giật lùi” thế chứ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.