Tháng 5.1975, tôi không ngờ mình lại có may mắn được rong ruổi trên dặm dài đất nước thống nhất từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xuống Phan Rang, vào Nha Trang, rồi ra Tuy Hòa, tới Quy Nhơn. Sau đó về quê Mộ Đức rồi ra Quảng Ngãi, tới Đà Nẵng, ra Huế...
>> Ngày thống nhất - Kỳ 6: Sau 5 năm con được đắp chăn bông
>> Ngày thống nhất - Kỳ 5: Qua cầu Hiền Lương
>> Ngày thống nhất - Kỳ 4: Nhớ nhà thơ Hữu Đạo
Đoạn đường Phạm Ngũ Lão (Sài Gòn) tháng 5.1975 - Ảnh: T.L
|
Trước khi “làm” một chuyến xe đò từ Huế trực chỉ Hà Nội, tôi đã thực sự hạnh phúc, khi được lang thang từ nam ra bắc, qua rất nhiều địa danh mà trước đó tôi chưa một lần đến. Nhất là khi được đi trên đường số 1, đúng tâm nguyện của tôi ngày vượt Trường Sơn. Nhiều bạn bè, đồng đội của tôi đã không còn sống để có thể trở ra bắc, trở về quê hương bằng con đường xuyên Việt.
Vậy mà chuyến đi của tôi thực sự tình cờ. Đoàn nhà văn miền Trung gồm nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Thu Bồn theo Quân đoàn 2 vào giải phóng Sài Gòn. Đi cùng các anh là hai người bạn của tôi: nhà thơ nữ Ý Nhi và nhà thơ Ngô Thế Oanh. Gặp nhau vui chơi ở Sài Gòn, nhưng ai có việc nấy: tôi đi chơi, thì các anh làm việc. Tôi cũng không hỏi các anh làm việc gì, dù vẫn thường gặp nhau. Tới lúc, tự nhiên Thu Bồn, Oanh và Ý Nhi ới tôi: “Đi Đà Lạt chơi!”. Tôi nhất trí liền. Thế là lên đường đi luôn. Cả đoàn có hai chiếc xe, Thu Bồn, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh và tôi ngồi chiếc xe jeep, anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Chí Trung ngồi chiếc xe du lịch 4 chỗ. Xuất phát từ Sài Gòn lúc 4 giờ chiều, 9 giờ tối thì tới Đà Lạt. Chúng tôi tấp vào ngủ nhờ ở ngôi nhà một người quê Quảng Ngãi làm nghề trồng rau. Cái này chắc là chủ trương của anh Nguyễn Chí Trung, ăn ở theo kiểu “bắt rễ xâu chuỗi” đây! Cả nhà người dân trồng rau đồng hương Quảng Ngãi vui vẻ tiếp chúng tôi, bố trí chỗ ngủ đàng hoàng. Hồi đó, người trồng rau ở Đà Lạt thuộc diện “người nghèo”, nhưng tôi thấy gia đình này cũng không nghèo lắm. Họ chuyên trồng rau, và cũng sống được.
Đêm hôm sau, nhóm sinh viên, trí thức phong trào khuynh tả ở Đà Lạt tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ cùng đoàn chúng tôi. Với Ý Nhi và Ngô Thế Oanh thì không biết thế nào, còn Thu Bồn chắc chắn đã rất nhiều lần đọc thơ trước đông người, nhưng với tôi, đó là lần đầu tiên được mời đọc thơ giữa những người nghe chọn lọc như thế. Khi cuộc đọc thơ tới cao trào, một trí thức trẻ Đà Lạt đã kêu to lên: “Chúng ta làm Đêm không ngủ đi!”. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là một “đêm không ngủ”, trước chỉ biết trên báo chí và những bài hát tranh đấu của các nhạc sĩ trẻ Sài Gòn.
Sau đó, khi về Nha Trang hay ghé Quy Nhơn, chúng tôi còn có dịp đọc thơ với nhiều thành phần cử tọa, trong đó có những trí thức chế độ cũ. Đúng là hồi đó, giao lưu thơ hay âm nhạc là hay nhất, dễ được thông cảm chia sẻ nhất. Dù Thu Bồn hùng hồn quyết liệt, Ý Nhi nhỏ nhẹ hay Ngô Thế Oanh tình cảm... thì mỗi khi thơ cất tiếng nói, tôi cảm nhận được một không gian “tích điện” riêng biệt. Người nghe ngập chìm vào không gian ấy, đó là lúc thơ cảm thấy hạnh phúc nhất.
Lắng nghe Văn Cao
Tháng 5.1975, với phương nam là mùa hè, nhưng với chúng tôi là mùa xuân. Những cơn mưa rào bất chợt đến rồi đi, những vòm lá me non rưng rưng trong gió, và vầng sáng trên những gương mặt người vốn lam lũ lo âu đau đớn trong chiến tranh... Sự biến đổi kỳ diệu như thế nơi thiên nhiên và con người chẳng phải là tín hiệu của mùa xuân hay sao?
Gần 9 năm sau, tôi mới lần đầu được nghe ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Nhưng sau khi đã thấm đẫm ca từ và âm nhạc của bài hát này, tôi chợt nhớ, thì ra mình đã sống trong cái không khí Mùa xuân đầu tiên ấy từ 9 năm trước. Sống đến từng câu nhạc, từng hình ảnh ca từ, từng quãng lặng nghẹn ngào. Văn Cao chắc là sáng tác bài hát này sau ngày thống nhất, nhưng vì sao phải hơn 10 năm sau nó mới lần đầu được hát lên trên sóng phát thanh thì tôi không biết. Trong khi đó, ngay cuối thập niên 1970, ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã được dịch và xuất bản ngay tại Liên Xô (cũ). Đó là bản “thánh ca” của ngày thống nhất VN, nhưng cũng là khát vọng hòa bình, yêu thương, chung sống của toàn nhân loại. Có một ánh sáng gì giống như khải huyền trong bài hát này, và nó phản chiếu đúng cái ánh sáng khải huyền tôi đã thấy trên những đường phố Sài Gòn trong vòng tháng 5.1975. Dù ngắn ngủi, ánh sáng ấy là có thật. Và sau này cuộc đời có dẫn tôi tới những hoàn cảnh nào, thì hơn một tháng ngắn ngủi được sống giữa Sài Gòn ngày thống nhất vẫn là một đoạn đời đẹp nhất mà tôi từng trải nghiệm. Những ngày đó, tôi đã sống thật sự hồn nhiên, giống như hàng triệu đồng bào tôi đã sống hồn nhiên. Những ngày đó, tôi đã hy vọng biết bao, giống như bài hát của Văn Cao từng hy vọng: “Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người”.
40 năm đã trôi qua, những người bạn, những đồng đội của tôi may còn sống tới hôm nay cũng đều ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng chúng tôi vẫn không ngừng hy vọng.
Bình luận (0)