Bồ tát Quán Thế Âm có hình ảnh quen thuộc với lộ tướng là tay phải cầm nhành liễu, tay trái cầm bình cam lồ (sương mật làm mát dịu lòng người). Mỗi năm có 3 ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, trong đó ngày 19.6 âm lịch là ngày vía Quán Thế Âm thành đạo.
Chia sẻ với Thanh Niên, thượng tọa Thích Tịnh Tâm, trụ trì chùa Hoằng Linh (H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết, Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện tụ tập 48 đời được Đức Phật Bảo tạng huyền ký cho ngài là Quán Thế Âm Bồ tát. Ngài có tên tiếng Phạn là Avalokiteśvara còn tiếng Hán là Quán Thế Âm Tự Tại.
"Kỷ niệm ngày thành đạo của Bồ tát Quán Thế Âm mỗi người nên làm công tác thiện nguyện, làm những việc hữu ích cho xã hội. Ngày 19.6 âm lịch cũng là ngày trong mùa an cư kiết hạ, chư tăng luôn phát huy trên tinh thần giới, định và tuệ học cũng là cách đền ơn, tri ân đến ngày thành đạo của Quán Thế Âm", vị thượng tọa cho biết.
Hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm trong các ngày 19.2, 19.6 và 19.9 âm lịch. Trong đó 19.2 là ngày vía Quán Thế Âm đản sanh, 19.6 ngày là vía Quán Thế Âm thành đạo, 19.9 là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia.
"Những ngày lễ này, các chùa đều hướng dẫn Phật tử lạy ngũ bách danh, thấm nhuần qua những ngày vía tôn vinh những hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Sau đó, các thầy có bài pháp ngắn để quý Phật tử thấu hiểu một cách rõ ràng, không mơ hồ và không mê tín dị đoan", thượng tọa Thích Tịnh Tâm chia sẻ.
Không chỉ những ngày lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm, mỗi kỳ sám hối nửa tháng một lần đều có bài pháp ngắn để giảng dạy cho Phật tử về giáo lý của Đức Phật để hiểu thêm về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và hàng đệ tử của Đức Phật được tôn vinh là bồ tát.
"Việc đưa giáo lý Đức Phật vào đời sống hằng ngày cũng là một cách nhắc nhở mọi người sống tốt, sống thiện, sống bình an để bản thân và gia đình hạnh phúc. Đồng nghĩa với đó phải là công dân tốt, thực hiện những điều có ích cho xã hội, có tâm thánh thiện, chân thật", thượng tọa Thích Tịnh Tâm bày tỏ.
Bình luận (0)