Ngày xưa có một chuyện tình (ra rạp ngày 1.11, suất chiếu sớm từ 25.10; đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh) bám khá nội dung truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Phim đưa người xem trở về thập niên 1990, đầu 2000, với câu chuyện tình đẹp và buồn ở một làng quê miền Trung nắng gió, đi kèm không ít bão tố, mưa giông. Đó là một câu chuyện tình như cổ tích giữa đời thường. Người xem chứng kiến nỗi đau, sự day dứt khi phải đánh tráo số phận, khiến 3 người trẻ trong mối tình tay ba kéo dài hơn một thập niên phải vật lộn, phải đấu tranh với chính bản thân cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng. Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) đều yêu cô bạn cùng lớp Miền (Ngọc Xuân), khác chăng là Phúc nói ra còn Vinh thì giấu kín. Cả hai là bạn thân của nhau, nghiệt ngã thay phải chọn tình yêu cho riêng mình. Đoạn thoại khiến nhiều người xúc động là khi Vinh (lúc nhỏ, do Thanh Tú thủ vai) hỏi Phúc (Hạo Khang) sao luôn bênh vực mình, nhảy xổ vào đám bạn hiếp đáp Vinh mà đấm đá, Phúc đáp gọn lỏn: "Vì mày là bạn tao" vào lúc cả hai còn ở tuổi 12. Và Vinh chấp nhận lùi bước, nhường tình đầu cho Phúc chỉ vì họ là đôi bạn thân, khiến nhiều người nhói lòng.
Đoạn Vinh tự nhận là Phúc để ông giáo Dưỡng (Tấn Thi) lúc gần đất xa trời đỡ nhớ đứa cháu nội đang xa cách, Vinh làm được điều ông giáo mong ước là trở thành người thầy ở ngôi làng quê hương thay Phúc, lại khiến người xem thấy ấm áp vì thấm đẫm tình người.
Những cảnh quay đẹp, bàng bạc nỗi nhớ trên phim cộng thêm âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh đẩy cảm xúc khán giả lên cao, đồng cảm với số phận nghiệt ngã của Miền, Vinh và Phúc ở cuối phim. Diễn xuất của dàn diễn viên đều khớp với bối cảnh, chân thành, mộc mạc và giản dị. Avin Lu bộc lộ nét hiền lành, chân chất, đáng yêu đến tội nghiệp; Đỗ Nhật Hoàng thì mạnh mẽ, ngang tàng, còn Ngọc Xuân khiến nhân vật Miền lấy đi nước mắt không ít khán giả khi thể hiện một cô gái trẻ phải lựa chọn giữa tình yêu - tình bạn, giữa cảm xúc và lý trí, giữa thay lòng đổi dạ với nghĩa tình.
"Diễn viên có ngoại hình hợp với nhân vật trong sách"
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: "Tôi chưa xem phim Ngày xưa có một chuyện tình nên khó thể so sánh với các phim chuyển thể tác phẩm khác của tôi. Tuy nhiên, hôm 6.10, khi giao lưu với khán giả ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, tôi có ký tặng sách và xem trailer kèm vài phân đoạn phim. Tôi thấy ngoại hình 3 diễn viên chính khá phù hợp với nhân vật trong truyện, nhưng đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là khả năng diễn xuất của họ mới giúp nhân vật lan tỏa, giúp khán giả tin những nhân vật này từ trang sách bước ra".
Tại buổi gặp gỡ sau khi chiếu ra mắt báo giới hôm 22.10, trả lời thắc mắc Ngày xưa có một chuyện tình thường gặp phải những so sánh với Mắt biếc vì cùng là câu chuyện tình tay ba, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: "Những câu chuyện tình yêu thì không bao giờ cũ. Tôi trân trọng tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bởi ở đây người phụ nữ đã đưa ra những quyết định rất riêng cho cuộc đời mình và xứng đáng được cảm thông. Câu chuyện tình bạn mới là cốt lõi của bộ phim này, khác biệt rất nhiều so với những bộ phim trước cùng chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. Mỗi tác phẩm đều là một bộ phim độc lập, tôi thấy sẽ thật không công bằng nếu cứ so sánh hai bộ phim, hai câu chuyện với nhau".
Phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh có doanh thu cao
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015): thu 78 tỉ đồng tiền vé; Cô gái đến từ hôm qua (2017): 68 tỉ đồng; Mắt biếc (2019): 180 tỉ đồng.
Sau Ngày xưa có một chuyện tình, phim Kính vạn hoa cũng chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Võ Thanh Hòa đạo diễn, sẽ ra rạp dịp Giáng sinh 2024.
Bình luận (0)