Lắt léo chữ nghĩa:

Ngày xuân, bàn chữ 'xuân”

06/01/2024 07:50 GMT+7

Có ít nhất 6 từ Hán Việt đọc là "xuân", tất cả đều xuất phát từ Hán ngữ. Ở đây, xin phép bàn về chữ "xuân" (春), một từ liên quan đến mùa xuân.

Kể từ thế kỷ thứ 2, thời kỳ đầu Hán ngữ du nhập vào nước ta, người Việt (Giao Chỉ) đã làm quen với tiếng xuân (春) và đọc tiếng này theo cách phát âm của người Hán. Đến khoảng thế kỷ thứ 7 - 9, người Việt đọc chữ xuân (春) theo cách phát âm của người Hán đời nhà Đường là *chuin (Đường đại độc âm), hoặc dựa vào phiên thiết (thông qua Tập vậnVận hội) là "xu luân thiết" (x(u) + (l)uân) để tạo âm Hán Việt là "xuân" (xuẩn bình thanh - Khang Hi tự điển). Chữ Quốc Ngữ thế kỷ 17 viết là "xüân" - Từ điển Việt - Bồ - La).

Chữ xuân (春) xuất hiện lần đầu trong Giáp cốt văn, nghĩa gốc là hạt giống (của cây) nảy mầm, về sau nghĩa mở rộng thành "mùa xuân", tên của mùa đầu tiên trong năm.

Trong các bản Giáp cốt văn, hình dạng chữ xuân (春) gồm có 3 ký tự "cây" (木: mộc) và 1 "mặt trời" (日: nhật), tượng trưng cho ý nghĩa; ở giữa là "truân" (屯, tún), từ biểu âm. Ý nghĩa ban đầu là nắng xuân chiếu xuống, cây cối đâm chồi nảy lộc. Bách khoa thư Baidu cho biết ký hiệu âm thanh "truân" (屯) có sự thay đổi trong cách viết từ chữ Giáp cốt, Kim văn cho tới Tiểu Triện, rồi mới định hình thành chữ "truân" (屯) như ngày nay.

Trong bói toán thời nhà Thương và Chu, ký tự "truân" (屯) thường được dùng làm chữ xuân (春) với nghĩa là mùa xuân. Vào thời Xuân Thu, hình dáng chữ xuân (春) trong Kim văn rất khác so với chữ này trong Giáp cốt văn. Ba ký tự "mộc" đã hóa thành hai mầm cây. chữ "truân" (屯) cũng được viết khác. Nhìn chung, kể từ chữ Tiểu Triện, chữ xuân (春) chỉ còn giữ lại "nhật" (日), những ký tự khác đã thay đổi hoặc biến mất. Chữ xuân (春) có cách viết giống như ngày nay xuất hiện từ Lệ thư thời kỳ Hán Lệ.

Người đời Đường gọi rượu là xuân, như xuân bôi (chén rượu); xuân trữu (rượu xuân, loại rượu ngon, dịu, thường chỉ rượu vang). Ngoài nghĩa là mùa xuân, chữ xuân (春) còn dùng để chỉ một năm (Nhân nhật ký Đỗ nhị thập di của Cao Thích); hoặc nói về tình cảm yêu thương giữa trai gái hay ám chỉ nhục dục.

Trong từ ghép, xuân (春) tạo nên những nghĩa mới, ví dụ: tam xuân là ba tháng mùa xuân, gồm có mạnh xuân (tháng giêng âm lịch), trọng xuân (tháng hai âm lịch), quý xuân (tháng ba âm lịch). Để chỉ lông mày của người con gái đẹp như sắc núi mùa xuân người xưa dùng từ xuân sơn; còn xuân lan là đóa hoa lan mùa xuân, chỉ vẻ đẹp cao quý của người con gái.

Chữ xuân còn dùng để chỉ phương hướng: xuân phương (phương đông) hoặc nói về hoa nở hay sự phát triển của thực vật, chẳng hạn như xuân nhãn (mô tả những nụ đầu tiên của lá liễu); xuân sao (chồi xuân, cành đầu xuân); xuân tùng (hoa và cây mọc vào mùa xuân); hoặc nói về tuổi trẻ, số năm (xuân niên), còn xuân liên là câu đối tết, câu đối mùa xuân.

Có những từ ghép, thành ngữ có chữ xuân (春) song lại chẳng liên quan đến mùa xuân, chẳng hạn như xuân tỏa là "khóa xuân", chỉ cô gái sống kín đáo trong sạch; diệu thủ hồi xuân là lời khen ngợi y sư tài giỏi, chữa trị được bệnh nặng, còn mãn diện xuân phong dùng để chỉ người có gương mặt vui tươi, hớn hở...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.