Để rèn luyện viết báo, tôi trang bị nhiều quyển sách về báo chí như Phía sau mặt báo, Để viết phóng sự thành công và Khám phá nghề biên tập...
Tôi đọc nghiền ngẫm quyển Phía sau mặt báo của tác giả Vũ Đức Sao Biển để hiểu những thuật ngữ báo chí như title (tít), chapeau (đoạn mở đầu) hay box (khung thông tin bổ trợ)… Văn chương báo chí được tác giả Vũ Đức Sao Biển dẫn giải hết sức dễ hiểu.
Kỹ năng diễn đạt báo chí là viết sao ít chữ mà nhiều ý. Báo chí hiện đại không cần bài dài, tin dài mà chỉ cần vừa đủ và cách viết sắc sảo. Chỉ với hai ý như thế của ông mà tôi mất một thời gian rất dài để suy ngẫm và trau chuốt cho bài viết của mình.
Tôi đã từng có nỗi niềm khi gửi bài đến tòa soạn mà không được đăng. Tuy nhiên, nhờ quyển Phía sau mặt báo, tôi có thể hiểu: "Đừng cho rằng cái gì đó bạn nghĩ ra cũng cần thiết cho tờ báo! Cuộc sống mới sinh động không thiếu đề tài để ta viết".
Với quyển Để viết phóng sự thành công của tác giả Huỳnh Dũng Nhân, tôi biết được công thức 5W+1H : What (cái gì), Who (ai), When (khi nào), Why (tại sao), Where (ở đâu) và How (như thế nào). Trong đó yếu tố H (How) diễn giải và chứng minh cho người đọc biết 5W đã xảy ra như thế nào một cách chi tiết hơn, hấp dẫn hơn với những thông tin thu thập được thông qua sự diễn đạt sinh động, thuyết phục của tác giả bài viết.
Thông qua quyển sách này, tôi có thêm được những bài học trong cách đặt tiêu đề (title)-ngắn gọn, đọc suôn sẻ, mang được nội dung chính của bài viết…
Chân dung một số nhà báo qua nét vẽ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân |
T.N |
"Trong mỗi chúng ta lúc nào cũng có sẵn một người biên tập. Tuy nhiên, chúng ta cần mài giũa những kỹ năng biên tập tự nhiên cho sắc bén nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc". Đây là một ý hay trong quyển Khám phá nghề biên tập của tác giả Ngọc Trân để tôi có thêm kinh nghiệm tự biên tập cho bài viết của mình, dù tôi không phải là một biên tập viên chuyên nghiệp.
Những gì tôi áp dụng được từ quyển sách này là đọc đi đọc lại bài viết để hiểu ý nghĩa, tìm ra các sai sót như lỗi thông tin, bút pháp, ngữ pháp…; khi cần thiết có thể kiểm tra thông tin từ các nguồn tư liệu chính thống để tránh những hạt sạn trong bài viết.
Một bài viết của tác giả được đăng trên Báo Thanh Niên |
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Vào dịp tết, đọc lại những quyển sách viết về nghề báo, tôi có thêm những kinh nghiệm để tự rèn luyện và nâng chất những bài viết của mình theo đúng ngôn phong báo chí với những quy trình thu thập thông tin, xử lý, biên tập… từ những gì tiếp thu được từ thói quen đọc sách được gieo mầm từ thuở nhỏ.
Trau dồi cách viết báo không những giúp tôi thư giãn trong những ngày tết mà còn hình thành dần trong tôi thêm những kỹ năng mềm phục vụ cho công việc và trong cách ứng xử hàng ngày.
Bình luận (0)