Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc

14/02/2021 20:08 GMT+7

Tôi ngồi viết bài này khi hương xuân vẫn còn ngan ngát từ hai chậu hoàng mai và bạch mai đặt ở góc nhà. Tờ lịch đỏ cuối cùng đánh dấu 3 ngày tết sắp đi qua, vẫn còn in trên tường. Một cái tết đầy suy ngẫm về ý thức phòng chống dịch Covid-19 , với niềm tin sẽ vượt qua. Từ đó, càng hun đúc thêm một ý nghĩ về nội lực của dân tộc Việt.

1. Cũng vì miên man suy nghĩ về chủ đề rộng lớn này, mà lại tự mình mạnh dạn gom lại trong một bài báo nhỏ, nên tôi khởi đi từ những trang viết xa xưa của cha ông để lại. Giở lại quyển sách vô cùng thân quý, đó là Gia Định thành thông chí của sử gia Trịnh Hoài Đức, để tìm về với cội nguồn văn hóa phương Nam, kể từ lúc cha ông mở cõi, bắt gặp được đoạn này nói về ngày tết cổ truyền: “Tục ở đây (tức Gia Định - NV) thường đến cuối năm thì lo may sắm áo quần mới, quét dọn sạch sẽ trong nhà ngoài sân, treo dán liễn mới, sắp đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên, trên đó trưng bày các vật tốt đẹp để khoe với nhau, dặn con cháu cẩn thận trong mọi việc để được điềm lành trọn năm”. An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức (là tước được vua nhà Nguyễn ban - NV) còn ghi lại tỉ mỉ, nào là “bắt đầu giờ Dần ngày đầu năm thì phải dậy thắp hương đèn và dâng trà lễ báo tổ tiên, lạy mừng tuổi bậc trưởng thượng, chúc tụng phước thọ, dọn mâm cơm rau thịt dâng cúng tổ tiên”… Nào là “bày biện đủ thứ trái cây, bánh mứt, cùng nhiều loại thức ăn đến ngày mùng 3 đưa thần, gọi là Đệ tiễn (đưa ông bà), lễ này còn dùng đồ dán giấy như đồ hàng mã đem đốt”… Nào là “ngày tết còn uống rượu hồng và ăn bánh nếp (bánh tét)”… (trang 492, quyển 4 Phong tục chí, NXB Tổng hợp TP.HCM, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng, 2018).
Những mô tả ngắn gọn về phong tục Tết nguyên đán của sử gia Trịnh Hoài Đức viết trong bộ sách 6 quyển về Nam bộ, được dâng lên vua Minh Mạng vào năm 1820, cho thấy một nét riêng biệt kỳ thú phương Nam. Trong đó, ở đoạn “rượu hồng và bánh nếp”, ông viết nguyên văn bằng câu chữ Hán là “ẩm hồng tửu, thực nhu bính”. Dịch giả Phạm Hoàng Quân chú thích rằng: “Hồng tửu chưa rõ là loại rượu gì, nhu bính có nghĩa là bánh làm bằng nếp, có thể giống bánh tét ngày nay”.
Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc !1
Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc !2

Hoa xuân phương Nam

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Cái sự dẫn giải như vậy, dù chỉ một chi tiết nhỏ trong muôn vàn mô tả của tiền nhân, chính xác đến độ nào, tôi chưa rõ, nhưng từ những ghi chép ấy, tự dưng trong tôi có một điều xác quyết rằng những giá trị văn hóa lâu đời ấy, đã làm dày thêm những nền tảng truyền thống của các vùng miền, tạo nên một bức tranh đa sắc về vật sản, phong tục, cương vực, thổ nhưỡng, khí hậu… và đó chính là giềng mối tạo nên nội lực của một dân tộc hơn 4.000 năm văn hiến.
2. Như lệ thường, tết năm nào gia đình tôi cũng gói và nấu một nồi bánh tét. Bên bếp lửa ngày cuối năm ấy, tôi chiêm nghiệm được nhiều thứ trong ánh lửa bập bùng và mùi nếp đang dần chuyển dạng sang bánh. Vị nếp cái hoa vàng của đồng bằng Bắc bộ đặc trưng phả ra từ nồi bánh sôi sùng sục ấy, mỗi năm chỉ một lần nhưng năm nay đầy cảm xúc đến lạ. Kể từ ngày 28.1 (tức 16 tháng Chạp Canh Tý), khi phát hiện ca dịch Covid-19 đầu tiên trở lại, trạng thái chuẩn bị tết đã khác đi rất nhiều. Người người nhà nhà đều trong một cảm xúc tết khác đi nhưng không bất thường. Một mặt cứ chuẩn bị tinh thần vui tết, nhưng mặt khác lại nhắc nhủ nhau nên vui tết ra sao. Thành phố phương Nam vốn nô nức đô hội dường như nắm tay nhau, động viên nhau và ấp ủ sẵn một ý thức chống dịch. Quyết liệt nhưng không căng cứng. Mềm mại nhưng đầy quyết tâm. Hài hòa nhưng không trộn lẫn. Bởi ai cũng biết rằng, cái sự “trộn lẫn” vào thời khắc này là vô cùng nguy hiểm. Ai ai cũng giữ cho mình là để giữ cho người an lành. Một người ý thức, hẳn nhiên sẽ tạo động lực cho một cộng đồng và ngược lại.
Mang theo cảm thức ấy trong suốt cả 3 ngày tết, tôi đi cùng các tuyến online trên tất cả các tờ báo điện tử. Bắt gặp trong đó ngồn ngộn biết bao thông tin rất đẹp, rất vui. Dù chẳng bước chân ra khỏi nhà, dù đường phố vắng lặng, dù đường hoa vắng tênh, dù pháo hoa không rực tỏa trên bầu trời, song trong lòng tôi tết vẫn đậm đà và ai ai cũng tự mình tìm lấy cho mình một-cảm-xúc-tết-khác!
Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc !3
Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc !4

Mâm cúng tất niên của bà con trong một con hẻm Sài Gòn

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Tự nhiên, lúc này hình ảnh của đồng bào tôi, cùng với biết bao hi sinh mất mát qua bao phân tranh ly loạn trong lịch sử, lại sừng sững lớn lao hơn rất nhiều so với một cái tết, dù rằng có người cho rằng mất tết. Cái sự to lớn ấy kết tinh từ hình ảnh của một con hẻm, một khu phố ngày cận tết chấp nhận phong tỏa; từ biết bao tình nguyện viên, y bác sĩ và nhân viên y tế cật lực làm việc trong các bệnh viện, các khu cách ly; từ những cuộc họp xuyên đêm và đôi mắt trũng sâu của những người có trách nhiệm… Tự dưng, khi đó bao người sẽ tự vấn mình rằng một chuyến đi chơi tết, một cuộc du xuân thăm viếng phải nén lại, sẽ chẳng đáng là bao so với một tinh thần cộng đồng rộng lớn phản ứng nhanh và chắc trước dịch bệnh.
3. Sáng mùng 2 tết, tôi bật máy tính, rà e-mail và bắt gặp một bài viết của một tiến sĩ gửi về từ Vương Quốc Anh: Tiến sĩ Vũ Quốc Huy. Điều trùng hợp ngẫu nhiên nhưng rất kỳ lạ là anh vẫn luôn có mặt đúng lúc. Câu chuyện như sau: Bắt đầu từ ngày 1.4.2020, Việt Nam áp dụng hình thái giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Báo Thanh Niên ngay lập tức mở ra chuyên mục Bình tĩnh trước dịch bệnh với mục đích là để phản ánh sự ứng phó với dịch, kêu gọi cộng đồng chung tay nhau chống dịch trong một trạng thái quyết tâm nhưng bình tĩnh, không gây hoang mang, không xáo trộn xã hội… Tiến sĩ Vũ Quốc Huy từ Vương Quốc Anh gửi về một bài viết và tôi đã chọn gửi đăng trên Thanh Niên vào ngày 11.4.2020 với tựa đề Những ngày học trực tuyến của học sinh Anh. Và bây giờ, trong không khí tết cổ truyền, trong những ngày Việt Nam lại căng mình chống dịch, anh Huy từ xứ người đúng ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, lại bồi hồi ngồi viết về kỷ niệm và niềm thương nhớ quê nhà, kể về những ngày dịch bệnh và trải qua 11 tháng trời ngồi nhà dạy học online cho sinh viên ở ngôi nhà mình tại London, cũng như không khí tết của gia đình anh với vợ và 2 con gái.
Ngày xuân, nghĩ về nội lực của một dân tộc !5

Tác giả trong một lần viếng mộ nhạc sĩ Phạm Duy vào mùa xuân, ở phía dưới bức tượng có trích lời bản nhạc Tình ca của ông “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…”

ẢNH: T.T.B

Trong lá thư xuân và những bức ảnh gửi kèm, trắng màu băng tuyết, Huy viết: “Năm 2020 cả thế giới chìm trong đại dịch và những gia đình người Việt tại Anh trở nên khá đặc biệt vì Việt Nam là nước chống dịch tốt nhất thế giới còn Anh Quốc là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm cao nhất thế giới. Khi đại dịch bùng lên, rất nhiều người quen, đặc biệt là các bạn du học sinh, chào tạm biệt chúng tôi và nước Anh. Tuy vậy các gia đình có con nhỏ như nhà tôi thì vẫn ở lại vì còn công việc và học tập của vợ chồng và con cái. Đã 11 tháng qua, tôi làm việc từ nhà và nước Anh hiện đang phong tỏa nghiêm ngặt nên cuộc sống có rất nhiều thay đổi”. Nhưng cái tết ở London của gia đình Huy lại phả vào bức thư khiến tôi hình dung rõ ràng một sợi dây bền chặt của tình tự dân tộc. Một cái tết có lẽ có một không hai, đối với không chỉ với người Việt ở trong nước, mà còn lưu dấu lại rất nhiều dấu ấn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với gia đình Huy thì “nhà tôi có làm lễ cúng ông Táo và tất niên. Từ hôm cúng ông Táo cho tới mùng 1 tết, vợ chồng tôi cho các cháu nói chuyện với ông bà ở Việt Nam nhiều hơn, cho xem các chương trình ca nhạc chào xuân, gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Anh. Ở Anh, hiện có cộng đồng người Việt khá lớn nên hầu hết mọi thứ cần thiết cho một bữa tất niên đều có thể mua được. Bánh chưng, giò, măng… đều có thể mua dễ dàng hoặc mua nguyên liệu về tự làm. Khó nhất là việc tìm được một cây hoa giống cây mai, cây đào ở bên mình. Nước Anh có nhiều hoa giống hoa đào nhưng cây thường to nên cũng không tiện hái cành. Ngày 30 tết, cả nhà rộn ràng nói chuyện với gia đình ở Việt Nam, chuẩn bị tết và phong bao lì xì, đặc biệt năm nay vì Covid nên cả gia đình đều ở nhà, nên không khí gia đình cũng ấm cúng hơn”…
Để thấy, bất kể ở đâu và bất luận trong tình thế gay cấn ra sao, mỗi người mang trong mình huyết quản dòng máu Lạc Hồng đều hướng về Tổ quốc. Như tôi đã nhìn thấy hình ảnh hàng người sắp đứng ngay ngắn, nghiêm trang chào lá cờ Tổ quốc ngày đầu năm mới ở cột cờ Lũng Cú cách đây mấy hôm.
Và cũng sau hình ảnh chào cờ ấy, ngay trong đêm giao thừa, tôi đã tẩn mẩn giở lại một chương trong cuốn Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim để tìm thấy cụ viết về dân tộc mình ra sao. Thì đây ở trang cuối cùng của bộ danh sử này, học giả Trần Trọng Kim viết: “Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ bại đi, và bắt chước lấy điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu quả mĩ mãn” (nguyên văn, trang 573, 574 Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Kim Đồng 2019)
Mùng 3 tết Tân Sửu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.