Tôi sinh ra ở một vùng quê Bắc bộ. Bên dòng sông Đuống mộng mơ. Thuở nhỏ, tôi thường theo mẹ đi chợ Keo. Từ nhà đến chợ, tôi đi qua một cánh đồng trồng mùi.
Cây mùi (người Nam bộ gọi là ngò) dùng để làm gia vị thì ai cũng biết, nhưng nhiều người chỉ biết nó như một loại rau thơm, một loại gia vị, dùng tươi. Trên mỗi bát phở, trên một bát măng khô... có một vài cọng mùi ở trên. Ngoài mùi thơm cảm nhận được từ khứu giác, những người thưởng thức món ăn còn ăn bằng mắt thì mới thấy cái màu xanh của mùi mới tuyệt làm sao. Tôi cứ liên tưởng cái màu xanh ấy như cây quả mà mặt đất là những bát canh măng khô xương hầm.
tin liên quan
Tổ chức ngày hội tết như một 'tiết học lớn' đầy ý nghĩa
Mà lạ thật, khác với một số gia vị tươi người ta cho vào thức ăn, cây mùi tham gia vào các món ăn cũng khác nhau. Nói ngay như với hành: củ thì chẻ lát rồi cho vào bát miến khi còn nóng mới thơm và hết mùi hăng, nhưng lá hành thì chỉ cần rắc lên trên mặt bát rồi tưới nước dùng đang âm ỉ sôi lên là được, nhiều lúc người ta lại chỉ rắc hành sau khi đã tưới nước dùng lên. Nhưng với rau mùi thì khác. Người ta chỉ đặt các cọng mùi lên trên sau khi đã châm nước dùng vào bát. Các cọng mùi còn nguyên tươi xanh... Ẩm thực người Việt, ăn không chỉ đơn thuần là cho vào miệng hay cao hơn là việc của vị giác mà còn thưởng thức bằng thị giác nữa.
Điều đặc biệt mà tôi muốn kể ở đây là cái thú tắm tết bằng nước cây mùi già.
Đông về, các cây mùi trở nên già hơn, các cọng mùi giờ không còn được đặt lên các bát miến, bát măng... thì giờ được dùng vào việc khác.
Người quê tôi thường dùng mùi để tắm vào dịp tết. Bạn có thể tưởng tượng được mùi thơm dịu dàng của cây mùi già trong nồi nước tắm đón xuân. Thú thực, tôi chỉ được tắm mỗi năm một lần vào Ba mươi tết. Mẹ mua cây mùi già tắm tết cho cả nhà từ 28 tết. Sao mẹ tôi lại chỉ mua cây mùi già vào ngày 28, bởi vì ngày 28 là ngày cuối của phiên chợ Keo (“Một Ba Sáu Tám chợ Keo” - đó là những ngày có những số như trên trong tháng là phiên chợ Keo). Mua mùi ở các phiên chợ sớm hơn thì mùi sẽ bị khô, dập có thể làm giảm tinh dầu mùi.
Từ trưa Ba mươi, mẹ nấu một nồi nước sôi, rồi cho một nắm cây mùi vào... Ôi trời! Mùi thơm của nó mới hấp dẫn làm sao. Tôi chui vào cái nhà tắm không có nóc, đặt nồi nước mùi, múc từng gáo đổ vào cái chậu đồng thau chứa nước lạnh cho vừa đủ ấm để tắm. Tôi múc từng lọn nước nhỏ, keo kiệt nhỏ lên đầu gội cho sạch. Rồi lại từng nửa gáo nước dội lên cơ thể để kì cọ cho đến khi da trở nên hồng hào, nước mùi ngấm vào cơ thể để tỏa hương suốt mấy ngày tết.
Tục tắm lá mùi quê tôi ngoài việc làm sạch cơ thể nó còn có ý nghĩa gột rửa con người của một năm lao động để đón một năm mới sạch sẽ hơn.
Giờ thì tôi đã 40 xa quê, chọn Sài gòn làm nơi sinh sống. Mẹ đã mất gần chục năm. Bốn mươi năm chưa được tắm nước mùi. Mùi thơm của quê hương. Mùi thơm của mẹ.
Bình luận (0)