Nghệ An: Mưa lũ ngập đường, TP.Vinh vẫn thiếu nước sinh hoạt

06/09/2019 09:21 GMT+7

TP.Vinh (Nghệ An) đang thiếu nước sinh hoạt giữa mùa mưa lũ, do nước máy bị cắt với lý do nước sông Lam “quá đục”, không thể xử lý.

Lập lờ giá bán nước sạch cho dân

Từ ngày 2.9, nhiều khu dân cư và một số bệnh viện tại TP.Vinh bị mất nước máy hoàn toàn, dù trời mưa xối xả, đường sá ngập lụt. Công ty CP Cấp nước Nghệ An cho biết, do “nước lũ đục” nên việc xử lý nước quá khó khăn.
Báo cáo của Công ty CP Cấp nước Nghệ An gửi UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, do độ đục của nước sông Lam lên 900-1.200 NTU trong khi 1 dây chuyền sản xuất nước đã quá cũ không thể hoạt động, 2 dây chuyền còn lại có công suất chỉ đạt 30 - 45%, không thể đủ nước cho nhu cầu. Mặt khác, theo công ty này, lưu lượng nước thô cung cấp cho nhà máy để xử lý dưới 1.000 m3/giờ nên hệ thống bơm của đơn vị cấp nước là Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam không thể bơm, nên đề nghị được hút nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch.
Chiều 3.9, ông Nguyễn Trường Giang, quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, đã ký văn bản cho phép Công ty CP Cấp nước Nghệ An được hút nước từ sông Đào, “cho đến khi nước trên sông Lam trở về trạng thái cho phép”. Ông Giang cho rằng, đây là tình huống bất khả kháng. “Các năm trước khi có lũ, họ cũng hút nước sông Đào, nên không bị thiếu và mất nước”, ông Giang nói. Mặc dù vậy, đến trưa 4.9, nhiều khu vực ở TP.Vinh vẫn chưa có giọt nước nào. Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, nhân viên bệnh viện phải hứng nước mưa rồi bơm lên bể, để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng. Rất nhiều gia đình ở TP.Vinh vẫn phải hứng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt.
Nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho TP.Vinh trước đây được lấy từ sông Đào (giáp ranh giữa huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên). Tuy nhiên, do nguồn nước này gần đây bị ô nhiễm, nên từ 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu phải sử dụng nguồn nước thô từ sông Lam, do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam đầu tư đường ống dẫn về, với giá nước thô 1.950 đồng/m3. Mặc dù giá nước thô này đã được tính vào giá nước sạch được bán cho dân 10.800 đồng/m3 (giá bình quân theo quyết định số 41 UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 2.10.2018, trong đó ghi rõ “giá này được tính trên cơ sở nguồn nước thô đầu vào ở TP.Vinh và vùng phụ cận là 1.950 đồng/m3), nhưng Công ty CP Cấp nước Nghệ An vẫn sử dụng nước sông Đào, và vẫn bán cho dân mức giá không hề giảm. Đây là vấn đề khiến dư luận ở Nghệ An hết sức bức xúc, rất cần UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.
Ngày 8.8, UBND tỉnh Nghệ An ra công văn yêu cầu ngừng hoàn toàn hút nước sông Đào để sản xuất nước sạch. Ngay sau đó, ngày 9.8, lấy lý do nước sông Lam “quá đục”, Công ty CP cấp nước Nghệ An đã cấp nước nhỏ giọt, khiến người dân và nhiều bệnh viện ở TP.Vinh “kêu trời”. Sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, công ty này mới cấp nước bình thường trở lại.

Nước sông Lam có đục như báo cáo?

Báo cáo của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam, doanh nghiệp cung cấp nước thô cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An, cho biết từ 11.8 - 2.9, nước sông Lam biến thiên độ đục liên tục, 7 giờ 10 ngày 2.9, độ đục tăng lên 1.200 NTU và cán bộ tại trạm xử lý Hưng Vĩnh (của Công ty CP Cấp nước Nghệ An) yêu cầu giảm công suất cấp nước thô xuống còn 1.700 m3/giờ, tại trạm Cầu Bạch vẫn xử lý với công suất 650 m3/giờ như thường ngày. Đến 10 giờ 30, độ đục nước giảm xuống 985 NTU và 16 giờ 30 cùng ngày, độ đục chỉ còn 591 NTU. “Tuy nhiên, lúc này lãnh đạo Công ty Cấp nước Nghệ An thông báo không lấy nước sông Lam nữa, tất cả các trạm không xử lý được nước vì nước đục quá”, báo cáo của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam cho biết.
Về công nghệ xử lý nước của Công ty CP Cấp nước Nghệ An hiện nay, ông Nguyễn Trường Giang, quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, cho rằng trừ dây chuyền đã quá cũ được lắp đặt từ năm 1987, 2 dây chuyền còn lại được lắp đặt sau này, vẫn xử lý được nước khi độ đục trên 1.000 NTU. Tuy nhiên, theo ông Giang, khi nước đục trên 1.000 NTU, công suất xử lý sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 30%, nên không đủ nước cung cấp cho người dân. “Chúng tôi đã đề nghị công ty này phải đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ sản xuất để đảm bảo khả năng sản xuất nước đáp ứng yêu cầu về chất lượng và công suất, kể cả trong mùa lũ”, ông Giang nói.
Một người từng quản lý, điều hành việc xử lý nước ở Công ty CP Cấp nước Nghệ An (đề nghị giấu tên) cho biết, từ 2018 về trước, công ty này vẫn xử lý tốt khi nước có độ đục trên 1.000 NTU và công suất vẫn đạt 80%. “Nhiều nhà máy nước ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương… vẫn sử dụng nước sông Lam, và họ vẫn đảm bảo xử lý đủ cung cấp nước cho dân khi có lũ”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.