Nghệ An: Sạt lở đe dọa nhiều nhà dân ven sông Lam

13/10/2023 06:30 GMT+7

Sau đợt mưa lũ vừa qua, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ven sông Lam (Nghệ An) khiến nhiều nhà dân có nguy cơ bị rơi xuống sông. Nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị lòng sông này "nuốt chửng".

Sạt lở chỉ cách nhà dân 4 - 5 m

Vụ sạt lở đất nghiêm trọng ven sông Lam diễn ra rạng sáng 4.10. Sau nhiều ngày mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông Lam đổ về khiến nước sông dâng cao. Khi nước rút, một khối lượng đất rất lớn ven sông Lam đoạn qua xóm 1 (xã Lạng Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) bị kéo theo dòng nước gây nên hiện tượng sạt lở, đe dọa 10 hộ dân sinh sống bên đoạn sông này.

Sạt lở đe dọa nhiều nhà dân ven sông Lam  - Ảnh 1.

Sạt lở đe dọa 10 nhà dân ven sông Lam ở xã Lạng Sơn

K.H

Anh Võ Quang Hồng, một người dân sống ngay cạnh khu vực sạt lở, cho biết đoạn sông này từng bị sạt lở nhưng đây là lần sạt lở nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo của UBND H.Anh Sơn, đoạn sông bị sạt lở dài 120 m, ăn sâu vào đất của dân 20 m, diện tích đất sạt lở khoảng 15.000 m3.

Sau khi nước lũ rút, UBND H.Anh Sơn và xã Lạng Sơn đã huy động máy móc tiến hành san gạt đất, hạ thấp điểm sạt lở, xử lý các vết nứt nhằm hạn chế việc sạt lở lan rộng vào nhà dân. Người dân sống gần đó cũng mua hàng trăm mét vuông bạt phủ để che bề mặt diện tích đất đã san lấp.

Ông Võ Văn Lợi, một người dân sinh sống ở đây, cho biết sau khi chính quyền cho máy múc đến san gạt, gia cố đoạn sạt lở, ông thấy yên tâm hơn. Gia đình ông mua 120 m2 bạt phủ lên phần đất sạt lở trước cửa nhà, dùng gạch, đá chèn lên để trời mưa nước không xói trực tiếp vào đất, hạn chế sạt lở.

Tuy nhiên, đến đêm 7, rạng sáng 8.10, chỉ sau vài ngày xử lý sạt lở, trời tiếp tục mưa lớn, nước mưa chảy mạnh khiến đất đã san lấp tiếp tục sạt xuống sông. Ông Đặng Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn, cho hay khu vực sạt lở có nền đất yếu nên khi nước dâng lên, rút xuống đã khiến đất trôi theo dòng nước. Hiện tại, điểm sạt lở có độ sâu khoảng 20 m, đã tiến sát nhà dân, chỉ cách 4 - 5 m.

"Nếu trời tiếp tục mưa lũ, nguy cơ sạt lở vẫn hiện hữu, các hộ dân này sẽ rất nguy hiểm. Trước mắt, xã đã nghĩ đến phương án sẽ dùng cọc tre đóng xuống để giữ đất, ngăn không để đất tiếp tục sạt lở", ông Thiện nói, và cho biết, đây cũng chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời đối phó với mùa mưa lũ.

Về lâu dài, chính quyền xã đang đề nghị huyện và tỉnh sớm có phương án xử lý hiện tượng sạt lở. Không chỉ điểm sạt lở này, ông Thiện thông tin thêm, đoạn sông chảy qua xã cũng vừa gây sạt lở nặng ở điểm tiếp giáp với tỉnh lộ 534, nước sông đã khoét sâu vào sát mép đường.

Ông Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND H.Anh Sơn, cho biết sau khi cho xử lý tạm thời đoạn sạt lở tại xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện đã báo cáo tình hình sạt lở lên UBND tỉnh Nghệ An để có phương án xử lý lâu dài. Phương án xử lý sẽ được đưa ra sau khi lãnh đạo tỉnh đến thị sát, dự kiến trong tuần này. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã có các biện pháp bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân sống trong vùng sạt lở như sơ tán dân khi có mưa lũ.

Sông "nuốt" đồng

Bên cạnh sạt lở ven sông Lam đoạn qua xóm 1 (xã Lạng Sơn), đợt lũ cuối tháng 9 vừa qua cũng khiến đê sông Lam đoạn qua xã Trung Phúc Cường (H.Nam Đàn, Nghệ An) và xã Long Xá (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) bị sạt lở nghiêm trọng hơn. 

Hiện tượng sạt lở kéo dài cả cây số. Đất ven sông bị nứt toác, dấu vết sạt lở còn rất mới, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Sạt lở đã ăn sâu vào đất trồng cây của người dân địa phương và đang tiến dần đến chân cầu đường sắt Yên Xuân, áp sát chân đê sông Lam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Long Xá, cho biết hiện tượng sạt lở xuất hiện sau đợt mưa lũ tháng 10.2022. Đợt lũ cuối tháng 9 vừa qua, tình trạng sạt lở ở hai bên bờ sông này càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Tại xã Long Xá, sạt lở kéo dài khoảng 700 m, ăn sâu vào đất nông nghiệp của dân khoảng 30 - 50 m.

"Chúng tôi đã 2 lần phải di chuyển biển báo khoảng cách an toàn vì đất sạt lở rất nhanh. Chúng tôi vừa báo cáo lên huyện và kiến nghị cấp có thẩm quyền có phương án khắc phục. Tuy nhiên, chỉ có phương án đầu tư xây dựng bờ kè thì mới có thể chống chọi được với sạt lở", bà Tuyết nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.