Nghề biển thiếu người…đi biển

08/07/2018 10:11 GMT+7

Khác mọi năm, đã đến đầu tháng 7 nhưng hàng chục chiếc tàu công suất lớn của ngư dân P.Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) vẫn còn nằm bờ. Nhiều tàu, phải dùng bạt che xung quanh để hạn chế nắng mưa.

Lao động trẻ không mặn mà với nghề biển
Nguyên nhân hàng loạt tàu cá nằm bờ được ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch P.Cửa Đại lý giải: “Nghề đi biển rất vất vả, nên đại đa số lao động trẻ, nhất là thanh niên không mấy mặn mà, bám nghề biển truyền thống. Họ chuyển đổi sang làm thương mại dịch vụ, du lịch, nên lượng lao động đi biển thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, các chủ tàu ở phường phải đi thuê lao động ở các nơi khác để hành nghề”.
Nhiều tàu cá ở Quảng Nam nằm bờ do thiếu lao động đi biển có tay nghề Ảnh: Hữu Trà
Ông Cao Văn Nhứt, một chủ tàu đánh bắt xa bờ có thâm niên tại làng biển Cửa Đại than vãn: “Thời gian qua chẳng hiểu vì sao ngư trường đánh bắt không còn như xưa, nguồn lợi thủy sản đã cạn kiệt. Trước đây, cứ vào tháng 7, 8 rồi tháng 11,12 biển cả rất hào phóng, cho nhiều cá tôm. Còn bây giờ thì tàu ra biển tốn rất nhiều phí tổn (xăng dầu, lương thực, tiền công cho lao động…), nhưng đánh bắt không hiệu quả. Nếu tình hình này kéo dài thì chỉ còn nước neo tàu trên bến mà thôi”.
Ông Nhứt tâm sự: Hiện nay lao động đi biển tại làng chài Cửa Đại thiếu hụt trên 50%. Trước đây đi biển dễ tìm bạn nghề, vì họ cũng không biết chọn nghề gì để làm. Còn nay, điều kiện kinh tế đất nước khá lên, nhà nhà làm du lịch, dịch vụ, công việc trên bờ đa dạng, nên bạn nghề cũng theo đó mà lên bờ, bỏ nghề đi biển quá nhọc nhằn, mà thu nhập lại bấp bênh theo con sóng”. “Hiện tại, không thể giữ được bạn nghề theo mình suốt được. Mà phải kêu lao động đi làm theo từng chuyến ra khơi. Nói để giữ họ sống chết với mình là không thể được. Chủ tàu nào có tiềm lực kinh tế mới có thể giữ được chừng độ vài ba bạn nghề gắn bó, mà đa phần những bạn nghề đó cũng có họ hàng bà con với chủ tàu”, ông Nhứt nói.
Khó kiếm bạn nghề
Ông Huỳnh Văn Đại, chủ tàu cá ở P.Cửa Đại, lấy vì dụ trên tàu đi biển công suất máy cỡ 90CV cần ít nhất 9 lao động. “Gia đình tôi có tôi và con trai, nên phải kêu thêm 7 bạn nghề nữa. Như vậy, mình phải ứng trước cho 7 người, mỗi người 10 triệu đồng. Đây là quy định bất thành văn của hầu hết các tàu đi biển khơi xa. Mình phải đưa trước để anh em lao động giải quyết việc gia đình như tiền ăn học cho con”.
Cũng theo ông Đại, mấy tháng rồi, cá tôm không có, lao động phải lên bờ, tìm việc khác để làm. Giờ cần kêu họ thì họ đã có việc ổn định, lại hằng ngày gần gũi vợ con, nên không muốn dứt để lao đầu vào biển cả mênh mông, đầy bất trắc…
Theo ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, tại Quảng Nam số lượng tàu thuyền trên 90CV có thể đánh bắt xa bờ gần 780 chiếc. Trong khi đó, theo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, đến năm 2020 chỉ ở con số 750 chiếc. Lý do nhiều chủ tàu ra khơi đánh bắt được mùa, được giá nên ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển tàu công suất lớn. Trên cơ sở hạ tầng hiện có, lực lượng lao động đi biển thiếu hụt trầm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.