Nghề cắt lá ra tiền ở miền Tây

11/05/2022 13:56 GMT+7

Người ta thường nói rẻ như bèo, nhưng bèo tây hay còn lục bình ở nhiều nơi của miền Tây lại cho ra tiền. Loài cây sống trên mặt kênh rạch này cho mọi nhà có nghề thu nhập kiếm thêm hàng tháng.

Cẩm Tiên có nghề tay trái cắt lục bình ra tiền
thúy hằng

Trong cái nắng rát mặt cuối tháng 4, xuyên suốt con Kênh Ngang ở xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng, Long An, những chiếc tắc ráng (xuồng máy) vẫn len lỏi trên mặt nước đầy lục bình. Cô bé Nguyễn Thị Cẩm Tiên, học lớp 8 Trường THCS Tuyên Bình Tây, còn mặc nguyên chiếc áo đồng phục vẫn đang mải mê cắt lục bình.

Nhà của Cẩm Tiên nằm ngay bên bờ đông của Kênh Ngang. Nghề cắt lục bình là nghề tay trái của bà nội em từ mấy chục năm qua. Bây giờ sức khỏe bà yếu đi, không đi tắc ráng được, còn cha mẹ và Cẩm Tiên vẫn đều đặn kiếm thêm tiền từ loài cây mọc hoang dại trong tự nhiên này.

Mỗi nhà chia nhau phần kênh để "nuôi" lục bình
thúy hằng

“Các nhà tự chia nhau phần kênh "nuôi" lục bình của nhà mình. Của nhà nào thì nhà đó tự nuôi, rồi tự cắt ở phần kênh đó thôi. Không ai cắt sang phần lục bình nhà người khác”, Cẩm Tiên vừa bơi tắc ráng, vừa chỉ cho chúng tôi những chiếc cọc cắm trên Kênh Ngang, như một ranh giới giữa các nhà.

Cẩm Tiên phụ cha mẹ cắt lục bình vào những lúc không phải đến trường. Cô bé biết bơi từ khi 4 tuổi, còn lúc 8 tuổi đã có thể điều khiển tắc ráng "chuyên nghiệp" như người lớn. Em cho hay cây lục bình được nuôi tới độ dài nhất định, khoảng 70 - 80 cm là có thể cắt. Bỏ đi lá ở trên cùng, chỉ lấy đọt, bó thành từng bó, mỗi bó khoảng 10 kg.

Phần đọt này được mang đi phơi khô, 10 kg tươi khi phơi xong được khoảng 1 kg khô. Người thu mua sẽ vào từng nhà để cân, giá dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg khô. Lục bình khô sẽ được đưa vào các nhà xưởng đan hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm để xuất khẩu.

Lục bình được cắt, phơi khô, 1 ký bán được 11.000 đồng
thúy hằng

“Bây giờ tụi em chỉ bán được 11.000 đồng/kg lục bình khô. Mỗi tháng mà gia đình em chăm chỉ cắt thì cũng kiếm được thêm khoảng 2 triệu đồng, tiền này để cho chúng em đi học, mua thêm gạo mắm, đồ ăn”, Cẩm Tiên kể.

Với một chiếc dù đặt giữa tắc ráng để che bớt nắng, chị Nguyễn Thị Phượng, trú ấp Láng Sen, bịt mặt kín mít như ninja rồi ngồi cắt lục bình từ sáng tới trưa. Chị là mẹ của em Lê Nguyễn Hoàng Phi, học sinh lớp 7 trường THCS Tuyên Bình Tây. Nhà không có ruộng để trồng lúa, chồng làm mướn, chị chỉ nuôi vài con vịt, bán nước giải khát và cắt lục bình để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học.

Chỉ tay tới mấy bó lục bình được xếp gọn gàng, chị nói: “Mỗi bó là 10 kg, phơi xong thì bán được 11.000 đồng. Tháng nhiều thì tôi kiếm được 2 triệu rưỡi từ lục bình khô. Tháng ít thì vài trăm ngàn. Đọt non và hoa lục bình cũng ăn được, nhưng ở đây chỉ cắt lục bình bán cho người ta đan đồ thủ công thôi”.

Chị Phượng và chiếc tắc ráng đầy lục bình mới cắt xong
Lục bình ken đặc dòng Kênh Ngang, cắt lục bình vừa kiếm được tiền, vừa khơi thông dòng chảy
thúy hằng

Gian nan cắt lộc trời

Lục bình vốn mọc tự nhiên trên kênh rạch ở Long An và nhiều tỉnh miền Tây. Nhiều dòng kênh bị ken đặc lục bình khiến cho việc đi lại bằng tắc ráng, tàu thuyền gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc cắt lục bình không những giúp bà con nơi này có thêm tiền trang trải cho cuộc sống mà còn giúp khai thông dòng chảy, tiết kiệm kinh phí của địa phương trong việc “dẹp” lục bình.

Anh Ngô Văn Chỉnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng, cho biết bà con trong xã chủ yếu làm nghề nông, có tới 80% hộ gia đình có nghề cắt lục bình để kiếm thêm thu nhập. Các em học sinh cũng có thêm nghề để phụ cha mẹ lúc rảnh rang.

Anh Ngô Văn Chỉnh bơi tắc ráng trên dòng kênh
Mỗi tắc ráng cắm một chiếc dù để các chị, các mẹ cắt lục bình
thúy hằng

Tuy nhiên cắt lục bình không phải công việc dễ dàng, khua tay xuống nước là có được tiền. Sau khi cắt xong phải chờ vài tuần lễ cho lục bình mọc lên lại rồi mới có thể cắt. Trước đây, một số hộ gia đình dùng phân bón rắc lên phần “nuôi” lục bình nhà mình với suy nghĩ lục bình sẽ lớn nhanh, cho đọt dài, dễ cắt và cho thu nhập nhiều hơn. Song cách làm này nhanh chóng bị thất bại.

“Lục bình sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên sẽ đạt độ dai, chắc, dẻo hơn khi phơi khô, nhờ vậy khi đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới bền đẹp. Khi được bón phân, chăm dưỡng thêm, cây lục bình không đạt các tiêu chí trên. Thương lái thu mua phát hiện ra ngay và “chê”, không thu mua, nên giờ bà con đều để lục bình tự lớn trên mặt kênh rạch, không can thiệp bằng phân bón gì cả”, anh Chỉnh chia sẻ.

Trẻ em ở Vĩnh Đại không xa lạ với công việc cắt lục bình
Chạy mưa cho lục bình đang phơi khô cũng rất gian nan
thúy hằng

Lục bình cắt xong thì phải phơi khô. Cực nhất là mưa nắng thất thường. Đang nắng chang chang mà mưa đổ sập xuống, trẻ em người lớn chạy cuống cuồng gom lục bình vào. Dính nước mưa, lục bình mốc rồi ngả màu xấu, thương lái chê ỏng eo.

Người cắt lục bình còn sợ nhất gặp rắn. Chị Nguyễn Thị Mười, trú ấp Láng Sen, kể trước đây có người khua tay vào vạt lục bình để cắt thì bị rắn tấn công. Sau đó, người trong ấp truyền tai nhau, có thêm kinh nghiệm đeo bao tay, mặc áo dài tay khi cắt lục bình. Trước khi cắt thì cầm cái mái chèo khua trước vào vạt cây, đánh động để rắn nếu có thì bỏ đi.

“Nghề nào cũng vất vả, cắt lục bình cũng không sung sướng gì. Nhưng cũng nhờ có cây lục bình, lộc trời ở miền Tây, mà chị em vùng quê có thêm cái nghề để kiếm ra tiền nuôi các con ăn học nên người”, chị Mười bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.