Nghề 'chăm sóc người dưng': Nuôi con học đại học, xuất ngoại... hành nghề

25/05/2019 09:31 GMT+7

Có người bám nghề hơn 20 năm, thu nhập cao, tích cóp nuôi được con tốt nghiệp đại học; được đưa ra nước ngoài chăm bệnh... là những gì mà người chăm bệnh thuê kể về niềm vui trong cái nghề của mình.

Nuôi con học đại học

“Người ta nói, nghề nuôi bệnh thuê là chăm sóc người dưng. Mà người dưng nước lã chứ có phải ông bà cha mẹ gì đâu mà lo lắng kỹ càng, cứ làm cho xong là được”, tôi mạo muội gợi chuyện với chị Lê Hồng Cẩm (47 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), một người làm nghề nuôi bệnh có “thâm niên”.
“Sai rồi. Nghề lương thiện nào cũng nên làm bằng cái tâm. Nếu không thích thì đừng làm, chứ đừng nghĩ làm cho xong. Cái nghề này, nếu sợ dơ dáy, sợ máu me, bệnh tật, hay nói đúng hơn là thấy không hợp, thì chẳng trụ được lâu đâu. Còn nói đơn giản, khi mình chăm một ông bà cụ kỹ lưỡng để ông bà ấy sống được lâu hơn, thì mới có việc để mình làm tiếp. Vậy thì phải làm tận tâm để họ khỏe mạnh. Rõ ràng họ khỏe mạnh, sống lâu, thì công việc mình sẽ ổn định hơn mà”, chị Cẩm chia sẻ.
Nghề nuôi bệnh đòi hỏi người làm phải kĩ lưỡng trong từng khâu chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân HOÀI NHÂN
Chị Cẩm là một người chăm bệnh thuê “kỳ cựu” trong “đội ngũ” chăm bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình). Chị kể, chị rời quê Cà Mau lên TP.HCM từ năm 1997, vì cái nghèo đeo đẳng. Những ngày đầu, chị đi làm trong công ty may với mức lương chỉ vài trăm nghìn/tháng. Thiếu trước hụt sau, chị có mượn nợ một nhà kia và cuối cùng được nhận về làm giúp việc để trừ nợ.
“Lúc đó tôi làm giúp việc cho nhà cô Minh, một cán bộ cấp cao. Cô ấy tốt bụng lắm, trả tôi 800 nghìn/tháng. Được vài năm thì cổ ngã bệnh, phải vào Bệnh viện 175, rồi chuyển qua Bệnh viện Thống Nhất. Tôi theo suốt 2 năm mấy để nuôi cổ, thế là biết có nhiều người ở bệnh viện cũng làm nghề nuôi bệnh, thu nhập cũng ổn. Vậy là sau khi cổ khỏe trở về, tôi ở lại bệnh viện theo nghề luôn”, chị Cẩm kể.
   
Bữa cơm vội vàng của người chăm bệnh ngay trước cửa phòng bệnh, tranh thủ lúc bệnh nhân đang ngủ HOÀI NHÂN
Chị cũng cho biết đội ngũ người chăm bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất khá đông. Hiện có khoảng 200 người làm nghề này, nhưng không có mặt hoàn toàn ở bệnh viện, mà đôi khi theo bệnh nhân xuất viện về nhà hoặc chuyển sang bệnh viện khác chăm tiếp.
“Cũng vì đông nên bệnh viện phải quản lý kỹ càng. Mỗi người nuôi bệnh phải đóng tiền làm hồ sơ hàng năm kèm việc khám sức khỏe định kỳ. Sau khi đi tập huấn một lớp về kỹ năng chăm bệnh như đưa xuống xe, đỡ lên giường, thay tã, cho ăn,… thì được bệnh viện cấp cho 1 thẻ nuôi bệnh. Ngoài ra còn có thẻ của khoa nữa, 13 ngày cấp 1 lần. Tuy tốn thêm phần chi phí, nhưng như vậy sẽ tránh kẻ xấu trà trộn vào, làm xấu cái nghề”, chị Cẩm nói.
Với thù lao 150 nghìn đồng/ngày, tăng dần đến giờ đã là 400 nghìn đồng/ngày, chị Cẩm đã dành dụm được một khoản tiền kha khá sau ngót nghét 20 năm làm nghề.
“400 nghìn/ngày là với những ca nằm một chỗ. Còn nếu đi lại được thì có thể bớt còn 350 nghìn/ngày. Giờ mỗi tháng tôi cũng kiếm được 12 triệu, ăn uống hà tiện có thể dư 9 triệu. Nhờ nghề này mà tôi nuôi con gái tốt nghiệp đại học hồi năm kia rồi. Giờ nó làm cô giáo mầm non, giỏi lắm”, chị hào hứng khoe.

Đi nước ngoài chăm bệnh thuê

Cũng theo nghề chăm bệnh thuê, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Phượng (57 tuổi, quê Tiền Giang) làm tự do, ở đâu có nhu cầu là bà đến. 22 năm trong nghề, bà chẳng những thành thục cách chăm bệnh nhân mà còn rất tâm lý.
“Làm việc tận tâm nên các bác sĩ, điều dưỡng cũng quý tôi. Với từng bệnh nhân, họ đều hướng dẫn kỹ thuật cơ bản. Dần dần tôi biết người tai biến phải chăm thế nào, người mổ gan, mật phải kiêng cử cái gì. Rồi từ kinh nghiệm thực tế, tôi hiểu luôn tâm lý bệnh nhân. Ví như mới mổ xẻ ra, thuốc tê dần tan, họ thường bứt rứt, dễ quạu quọ vì đau đớn. Mình phải kiên nhẫn, pha chút hài hước để họ quên đau, hợp tác với mình. Hay những ông bà cụ tai biến, phải nằm một chỗ nên họ hay khó chịu, la lối, mình phải dỗ dành, vỗ về như chăm con nít để họ thấy thoải mái hơn”, bà Phượng chia sẻ.
Nhiều trường hợp, ngoài vệ sinh, săn sóc, còn phải thường xuyên trò chuyện để người bệnh thoải mái tinh thần HOÀI NHÂN
Trong khi đó, chị Võ Thị Nhị (48 tuổi, quê Cà Mau), một người chăm bệnh ở Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc Tế (Q.Tân Phú) lại biết tiếng Campuchia từ khi làm nghề. Chị cho biết, bệnh nhân của chị phần nhiều là người Campuchia. Do điều kiện y tế ở đấy chưa tốt nên họ thường chuyển sang đây điều trị.
“Những ca người Campuchia thường có người thân đi theo, nhưng họ không an tâm, vả lại cũng không chăm sóc tốt bằng mình nên họ thuê mình. Ban đầu tôi cũng không hiểu gì cả, nhưng nghe riết cũng thành quen. Một số người biết tiếng Việt giải thích thêm, thế là tôi cũng có một ít vốn tiếng Campuchia đủ để làm việc”, chị Nhị cười.
Để rồi khi làm việc bằng cái tình, thì cái tình rồi sẽ được đáp lại cho người nuôi bệnh. Những gia đình người Campuchia khi dắt bệnh nhân sang tái khám, lần nào cũng biếu tiền, mang đồ ăn, dầu thơm sang cho chị Nhị. Chị tấm tắc, cái nghề coi vậy mà ấm lòng!
Người nuôi bệnh lâu năm có thể tích lũy nhiều kiến thức y học và thực tiễn tâm lý bệnh nhân HOÀI NHÂN
Nhưng làm chị Nhị không quên nhất, vẫn là một bà cụ người Campuchia hiền hậu, đã 86 tuổi. Chị nuôi bà ấy 3 tháng ở bệnh viện, “mến tay mến chân” như mẹ của mình. Rồi người thân thấy chị tận tình, lanh lẹ, nên quý, ngỏ ý kêu chị về bên nước phụ giúp, vì nhà không có ai.
“Sẵn cũng muốn sang đó xem nước ngoài thế nào, tôi theo họ luôn. Người thân là người Tàu, biết tiếng Việt sơ sơ nên cũng tiện. Nhưng qua bển chăm bà ấy được 3 tháng nữa, nhưng trong lúc ấy thì bà yếu dần. Rồi bà mất, ngay trên tay tôi… Người nhà không khóc, dù sao cũng đã chuẩn bị tinh thần vì bà ấy quá già rồi. Nhưng tôi khóc…”, chị bộc bạch.
Thế mới thấy, nghề nào cũng trăm chuyện buồn vui.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.