Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 19: Vẽ tranh bằng khói bếp

15/05/2013 00:00 GMT+7

Không trải qua bất cứ trường lớp hội họa nào, nhưng Vũ Quốc Sự khiến người xem ''tâm phục, khẩu phục'' với biệt tài “vẽ” tranh bằng khói bếp độc nhất vô nhị. Lạ hơn, dụng cụ vẽ của họa sĩ này gồm có: một viên đá mài, một cây kim và một lưỡi dao.

Tháo dỡ nhà bếp, lòi ra... "cạo" sĩ

Cơ duyên đến với nghệ thuật của họa sĩ nông dân Vũ Quốc Sự (54 tuổi, ngụ KP.2, P.Xuân An, TX.Long Khánh, Đồng Nai) cũng lạ không kém: “Trong một lần tháo dỡ nhà bếp dựng bằng tre trong rẫy ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh), tôi tình cờ nhìn thấy những liếp tre đen vì khói bị trầy xước, hiện ra những hình thù lạ mắt. Thế là tôi tự nhủ tại sao không vẽ tranh bằng khói bếp. Tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi lấy dao cạo thử luôn”.

 
Một tác phẩm của Vũ Quốc Sự - Ảnh: Đức Khánh

“Có những khi ''vẽ'' cả tháng mới xong một bức tranh", đó là chuyện quá khứ, còn giờ đây ông Sự tự tin rằng mỗi bức chỉ mất từ 5 đến 7 ngày để hoàn thành. Giá bán mỗi bức tranh khói bếp thấp nhất khoảng 20 triệu đồng. Bức đắt nhất ông vừa bán 80 triệu đồng cho một khách hàng ở TP.HCM là Nụ cười bí hiểm.

Độc đáo tranh tre khói bếp

Một tác phẩm tranh tre khói bếp ra đời phải trải qua rất nhiều công đoạn và sự tỉ mỉ.

Ông Sự cho biết, trước tiên tre làm khung phải có tiêu chuẩn: già, thẳng, lóng dài. Sau đó, tre được đem cưa theo kích cỡ nhất định rồi phơi khô. Khi tre đã khô, tiếp tục đem ngâm tre xuống nước khoảng 100 ngày để chống mối mọt, rồi lại vớt lên đem phơi nắng lần nữa. Tre chọn làm khung tranh tuyệt đối không để trầy xước lớp da. Bởi nếu da tre bị xước, khói sẽ tụ nhiều ở những vị trí này và rất khó cạo như ý muốn. Công đoạn quan trọng tiếp theo là đem khung gác lên bếp cho khói bám vào (còn gọi là hun khói). Công việc hun khói cần tiến hành trong phòng kín nhằm… tránh lãng phí khói. Việc gác bếp được thực hiện liên tục 24/24 giờ, mất từ 2 đến 3 tháng mới có đủ lượng khói để “cạo” tranh.

 

Không giống như vẽ tranh dầu hay tranh sơn mài, có thể tạm dừng cuộc chơi giữa chừng, việc “vẽ” tranh khói bắt buộc phải liên tục. Vì để lâu khói khô sẽ dễ vỡ vụn khi cạo

Ông Vũ Quốc Sự

Sau khi hoàn thành các công đoạn chuẩn bị, người họa sĩ tranh khói bắt tay vào khâu chính, cũng là khâu khó khăn nhất, là ''vẽ tranh''.

Họa sĩ thì vẽ tranh, còn ông Sự thì thẳng thừng nói với tôi rằng phải dùng từ “cạo tranh” mới đúng. Nếu họa sĩ khác sử dụng các loại bút để vẽ thì ông nông dân Vũ Quốc Sự lại cần viên đá mài, chiếc kim khâu và lưỡi dao để cạo.

Đưa người viết đi xem từng bức tranh được treo trang trọng, ông Sự chia sẻ: ''Quá trình cạo tranh không thể gượng ép mà tùy vào cảm xúc người làm. Có thể mất đến cả tháng để cạo xong một bức tranh, nhưng cũng có khi chỉ cần vài giờ đồng hồ đã hoàn thành. Sáng tạo phải có sự hưng phấn, phải ''đắm'' nghề mới theo nghề được. Ngoài năng khiếu trời cho, người cạo tranh phải tuân thủ nguyên tắc vàng: tỉ mỉ, chính xác, giàu lòng đam mê bởi những làn khói sau khi khô rất dễ gãy vỡ. Không giống như vẽ tranh dầu hay tranh sơn mài, có thể tạm dừng cuộc chơi giữa chừng, việc “vẽ” tranh khói bắt buộc phải liên tục. Vì để lâu khói khô sẽ dễ vỡ vụn khi cạo".

 
"Cạo" sĩ nông dân Vũ Quốc Sự đang cạo tranh tre khói bếp - Ảnh: Đức Khánh

Với sản phẩm tranh khói bếp, ông Vũ Quốc Sự đã đoạt giải thưởng sáng tạo hàng thủ công, mỹ nghệ năm 2012 do tỉnh Đồng Nai trao tặng. Được biết, hiện tranh khói bếp đã xin đăng ký thương hiệu, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Chia sẻ về những dự định của mình, ông ước ao sẽ có nhà tài trợ nào đó tổ chức cho ông làm một cuộc triển lãm tại TP.HCM để quảng bá ''đặc sản'' cây tre Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Cần nói thêm, trước đây ông Sự chỉ chuyên “cạo” tranh phong cảnh trên chất liệu tre gác bếp, giờ đây ông có thể “cạo” tranh khói bếp theo mọi chủ đề trên chất liệu gỗ, nhựa mica, kiếng...

Đức Khánh

>> Cuộc thi vẽ tranh “Dinh dưỡng với tuổi thơ”
>> Thi vẽ tranh bảo vệ nguồn nước
>> Vẽ tranh kể chuyện... phở quát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.