>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 1: “Vua” lộc bình giấy
Xin được tiết lộ ngay để bạn đọc khỏi hiểu nhầm: cả hai người này đang ở cùng xóm (chứ không phải “cùng nhà”) thuộc vùng ngoại ô TP.Nha Trang. Họ có cùng đam mê nhưng “không thèm quan tâm nhau” vì mỗi người đang cai quản một vương quốc cối đá của riêng mình. Có kẻ bảo họ là “hai người khùng”, còn những ai am tường về văn hóa cổ thì cho rằng họ là những thanh niên đáng để lớp người trẻ hôm nay phải ngẫm lại mình mỗi khi nhắc đến hai từ “gốc gác”.
|
Níu giữ quá khứ
Trông bề ngoài, anh Huỳnh Hữu Lộc cũng thô ráp như những chiếc cối đá mà anh đang sở hữu, nhưng trong anh là cả một nỗi niềm đau đáu với quá khứ: “Ngay cả ở nông thôn bây giờ, những gia đình nông dân nghèo không đủ tiền mua sữa hộp, họ cũng không phải vất vả xay bột cho trẻ bằng những chiếc cối đá nữa. Chỉ cần bỏ cháo vào máy xay, ấn nút điện chừng vài phút là đứa trẻ đã có những gì mình cần. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, lòng tôi lại ngùi ngùi một nỗi thương cảm về những người mẹ ngày xưa đã phải vất vả như thế nào khi chôn chân hàng giờ bên những chiếc cối đá để cho con mình có một bữa ăn. Mà đâu phải gia đình nào cũng có được chiếc cối đá để xay bột. “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Có những bà mẹ phải mớm cho con bằng cái cách nhai cơm thay cối đá như vậy”.
Tôi cắt đứt dòng hồi tưởng của Lộc: “Được biết anh là dân Nha Trang, tuổi thơ anh không gắn với ruộng đồng mà sao anh lại có vẻ “thua đủ” với chuyện quê kiểng, đặc biệt là những chiếc cối đá?”. Lộc cười hiền như... chiếc cối: “Bà ngoại tôi là người Huế, nhưng ở vùng nông thôn. Lúc nhỏ, mỗi lần về quê ngoại, tôi được bà tưới tắm cho những câu chuyện “đời xưa”, trong đó có những câu chuyện về chiếc cối đá. Tôi cứ ám ảnh về những câu chuyện ấy từ bà. Lớn lên một chút, tôi tự nhủ lòng, mình phải làm một điều gì đó để giữ lại một góc quá khứ mà cuộc sống xô bồ hôm nay có thể làm mọi người quên nó. Và tôi đã chọn những chiếc cối đá này để làm hành trang đưa tôi về quá khứ”.
Bắt đầu từ năm 2008, trong một chuyến “phượt” ở vùng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, chiếc cối đá đầu tiên có tuổi thọ chừng 150 năm đã đến với Lộc. Cái khó của người chơi thứ đồ cổ không ra cổ này là người bán họ không định được giá nên người mua không biết bao nhiêu là được. Họ vứt những chiếc cối đá ấy lăn lóc một cách thảm thương nhưng tự dưng có người hỏi mua là chủ nhân của nó chợt “giật mình” ngay và không muốn bán chúng. Lộc đã kiên trì thuyết phục, mua cho bằng được rồi bỏ lên xe máy đưa về. 3.500 chiếc cối đá mà Lộc đang sở hữu là kết quả của những chuyến lùng sục suốt 5 năm qua trên hầu khắp các tỉnh miền Trung. Tôi hỏi Lộc: “Nếu chỉ thỏa mãn lòng đam mê “níu giữ quá khứ” bằng những chiếc cối đá thế này thì lãng phí quá?”. “Ồ, không. Khách Tây họ đến rất đông để xem. Tôi đã nảy ra ý định và bắt đầu xây dựng một “làng du lịch” mà “nhân viên” sẽ là những bà mẹ quê chỉ chuyên dệt chiếu. Các mẹ, các chị sẽ sống được với nghề bên những chiếc cối đá này”. Níu giữ chút quá khứ để phục vụ cho cuộc sống hiện tại cũng là một cách “nuôi” niềm đam mê có tính căn cơ ở chàng trai này.
Đá kể chuyện đời
Cũng bắt nguồn từ việc mắc nợ với quá khứ nhưng quan niệm của nữ kiến trúc sư 37 tuổi Nguyễn Thị Minh Hiếu khi bỏ ra 12 năm để sưu tầm 1.500 chiếc cối đá thì có cách nghĩ khác với anh “hàng xóm” của mình: “Mỗi chiếc cối đá đều có hai thớt trên và dưới. Người đàn bà bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình khi phải chịu đựng sự “xoay vần”. Phải biết hy sinh và chịu đựng như thế thì gạo mới thành bột được. Với lại, tôi rất thích nghe những chiếc cối đá ấy “kể” về mình. Mỗi câu chuyện như những triết lý về nhân sinh và cách ứng xử ở đời”.
Hiếu kể, trong một chuyến đi dọc bờ sông An Cựu - Huế, cô phát hiện ra chiếc cối đá lăn lóc ở góc vườn. Cô hỏi mua nhưng chủ nhân chối từ bằng một câu chuyện: “Năm Mậu Thân, nhà cháy hết chỉ còn lại mỗi chiếc cối này. Chúng tôi muốn giữ nó để nhắc với con cháu đừng bao giờ quên cuộc chiến tranh tàn khốc ấy và sự “bền lòng” của chiếc cối đá như thách thức với hết thảy đạm bom”. Lại có chiếc cối đá của một gia đình bá hộ thuở xưa ở Long An. Cứ tưởng sẽ khó mua được chiếc cối của một gia đình quyền uy một thời này nhưng vừa hỏi, chủ nhân đã bán ngay như thể họ muốn xóa đi cái dấu vết vàng son giờ đã khánh kiệt vậy.
Quê Hiếu cách Nha Trang chừng 10 cây số - một làng quê chuyên làm bánh và bún từ bột gạo. Cô lớn lên bên những chiếc cối xay bột cùng người bà hay kể chuyện tích xưa tuồng cổ. Ngày Hiếu lấy chồng, bà hỏi đứa cháu đầy cá tính của mình: “Cháu thích bà tặng món quà gì nhất nào?”. Hiếu trả lời không cần suy nghĩ: “Chiếc cối đá của bà!”. Lúc đầu bà còn ngạc nhiên nhưng rồi bỗng nhận ra, đứa cháu của bà muốn kéo cả quá khứ khó nghèo của gia đình cùng về thành phố ấy mà. “Làm sao có thể chối bỏ được gốc gác của mình, phải không anh?”, Hiếu nói. Vì vậy, trong một “rừng” cối đá được sắp xếp rất mỹ thuật của Hiếu, bao giờ cô cũng kê bên dưới chiếc giường của mình chiếc cối đá của bà như để nhắc nhở về một thuở cơ hàn chưa xa.
Sở hữu 3 căn biệt thự hạng “khủng” nhưng cô kiến trúc sư ấy không coi đó là “gia tài đáng giá” bằng 1.500 chiếc cối đá mà cô đã đánh đổi suốt 12 năm qua để có được. Tôi cứ trộm nghĩ, giá như “cặp đội cối đá” Lộc - Hiếu ấy cùng “hợp lực” thì những chiếc cối vô tri kia sẽ biết cựa quậy để nói với du khách về quá khứ của nó, cũng là quá khứ của đất nước từng đi qua khó nghèo và binh lửa suốt mấy trăm năm.
Trần Đăng
Bình luận (0)