Cứ đến mỗi dịp hè, những học sinh, sinh viên bắt đầu rời ghế nhà trường đều muốn lưu giữ những ký ức, khung cảnh trường lớp và bạn bè bằng việc chụp ảnh kỷ yếu. Đó cũng là thời điểm những tay máy bận rộn với công việc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò.
Khó nhất là chụp cho sinh viên nam
Lê Đức Trương Kỳ (59 Cư xá Trần Quang Diệu, P.14, Q.3, TP.HCM), thợ chụp ảnh chuyên nghiệp có nhiều năm trong nghề, chia sẻ vào mỗi dịp vào hè, mùa tốt nghiệp là thời điểm chụp ảnh kỷ yếu bắt đầu vào việc. Kỳ theo nghề chụp ảnh đã được 4 năm nhưng đã từng có 3 năm theo chụp kỷ yếu cho học sinh.
Từng là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM nên những khách hàng của Kỳ thường là các sinh viên học ở khoá sau.
|
Kỳ cho biết chụp kỷ yếu để bắt đầu khá khó, về chuyên môn cần phải thật vững từ ánh sáng, bố cục, tiêu cự thông số, thiết bị cũng cần phải kiểm soát tốt để có thể chụp tự tin nhất. Kế đến là nắm cảm xúc và hiểu học sinh, sinh viên... cũng như làm việc với số lượng lớn từ 20-30 người một lúc
“Ngoài ra, khó nhất chắc là chụp cho các bạn Trường ĐH Bách khoa. Ở trường này đa phần là nam. Các bạn thường không có thói quen chụp ảnh hay quan tâm vẻ ngoài lắm nên có phần hơi khó khăn lúc đầu. Người chụp luôn cố gắng tạo không khí để các bạn có những tấm hình đúng nhu cầu đề ra”, Kỳ nói thêm.
|
Theo Kỳ, mùa chụp kỷ yếu cho học sinh THPT có ý nghĩa nhất với nghề chụp ảnh. Bởi đó là lứa tuổi đẹp, mộng mơ, hiếu động, nhiều hoài bảo và những gì thanh xuân nhất . Do đó, chụp cho học sinh cực mà cũng rất vui, giúp Kỳ nhớ về thời học sinh của mình.
Như được trở lại thời học sinh
Phan Nhật Quang (ngụ đường Lê Duẩn, Thị trấn Long Thành, Đồng Nai), thợ chụp ảnh trẻ, với chiếc máy ảnh, ba lô trên lưng, Quang theo học sinh đi khắp nơi .
|
Những lần lên rừng, xuống biển với học sinh cuối cấp cùng thầy cô cũng trở thành kỷ niệm đáng nhớ với nghề chụp ảnh kỷ yếu.
|
Tính từ đầu tháng đến nay nhóm chụp ảnh của Quang liên tục “chạy show” chụp ảnh kỷ yếu . Những buổi thức đêm, đội nắng với học sinh khiến cả nhóm cảm thấy mệt nhoài. “Nhiều lúc có lớp học sinh năng động phải nhờ cô giáo dùng loa, người quản trò kéo các bạn lại mới có thể chụp được ảnh”, Quang kể về lần chụp kỷ yếu khó khăn.
Có những đêm, học sinh ngồi thành vòng tròn, kể lại kỷ niệm với nhau khiến Quang nhận ra đó là những khoảnh khắc mà mình chụp đẹp nhất.
Quang kể thêm: “Những bức ảnh của mình chụp được học sinh chia sẻ, lưu giữ lvà viết lại dòng cảm xúc trên mạng xã hội khiến mình rất vui. Làm mình nhớ lại, như được sống lại thời đi học của mình”.
|
Lưu Khuất Nhiên (32 tuổi, ngụ đường Nguyễn Ảnh Thủ, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho rằng mình trẻ lại mỗi khi được chụp ảnh cho học sinh. “Các bạn thích những cái khác lạ lắm, như chọn quần áo kiểu cổ, kiểu Hong Kong hay đồ tốt nghiệp, dụng cụ hoa lá. Những cái đó một tay tôi tìm chuẩn bị cho các bạn. Thường tôi sẽ theo chân các bạn một ngày từ trường học ra đến ngoại cảnh và phải chỉn chu từng bức ảnh”, Nhiên chia sẻ.
|
Sau những buổi chụp ảnh kỷ yếu, Nhiên cảm thấy mình trẻ lại, vui vẻ hơn. Ngoài ra, theo Nhiên, làm nghề này như là người lưu giữ lại ký ức cho một thế hệ học trò.
Có cái để sau này nhìn lại
Lê Ngọc Trinh, học lớp 12A6 Trường Long Phước (Thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cho biết do cả lớp cũng muốn lưu giữ kỷ niệm sau 3 năm học cùng nhau nên chọn chụp ảnh kỷ yếu. Linh cùng một bạn tìm đến hiệu ảnh tư vấn kiểu và thuê người chụp. Sau khi chụp cả ngày trên lớp, nhóm bạn của Linh còn ra biển để chụp ảnh vui chơi bên lửa trại. Từ khi chụp xong, mỗi ngày Linh đều mang ảnh ra xem rồi nhớ lại kỷ niệm.
Còn Nguyễn Thị Thuý Hoa (học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chia sẻ nhân dịp cuối năm, chuẩn bị chia tay trường lớp nên cùng các bạn thực hiện bộ ảnh kỷ yếu. Mục đích của lớp là để lưu lại kỷ niệm của mình sau thời gian học ở trường. “Tôi cảm thấy rất vui khi cùng cả lớp chụp những bức ảnh đó. Hy vọng sau này mình có cái để nhìn lại và nhớ về một thời đi học ”, Hoa nói về chụp ảnh kỷ yếu.
|
Bình luận (0)