Nghề cứu hộ thú hoang dã

02/01/2018 10:01 GMT+7

Khi nhận được tin báo về những con thú hoang bị nuôi nhốt, vận chuyển trái phép, những người cứu hộ thú hoang thuộc các lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh đã kịp ngăn chặn, cứu hộ, tái thả về rừng nhiều loài quý hiếm.

Những bác sĩ... bất đắc dĩ
Tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, một khu vực khá rộng được xây dựng chuyên để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Tất cả được đưa về từ các vụ việc mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép bị phát hiện cho đến giao nộp của người dân.
Ông Nguyễn Văn Cư, Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cho biết trong số này có nhiều loài bị nuôi nhốt lâu ngày hoặc vận chuyển xa và bị săn bắn trái phép dẫn đến bị thương nặng nên phải được chăm sóc đặc biệt.
Trong đó, Đội này phụ trách chính trong việc lập hồ sơ nhận, thả thú, cùng với các anh em khác bên tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đi tiếp nhận để cứu hộ các động vật quý hiếm từ trong dân, từ các nguồn nuôi bắt, tiêu thụ trái phép.
"Những loài ĐVHD này đa phần là tang vật của những vụ án hình sự nên nhiệm vụ chăm sóc của anh em càng đặt lên cao nhất. Thậm chí khi cần cứu con thú gấp, các cán bộ kiểm lâm trở thành những bác sĩ bất đắc dĩ", ông Cư nói.
Tại đây, chúng tôi gặp anh Phan Đức Trung, người nhận nhiệm vụ chăm sóc thú của Đội. Chỉ vào một con khỉ khá ốm với đầy vết thương trên mình nhưng đang bay nhảy trong chuồng, anh Trung kể: "Khoảng 1 tuần trước đó, con khỉ được đưa vào đã bị thương rất nặng, 4 chân không cử động được, đoạn nào có dấu hiệu gẫy xương thì tôi lấy nẹp, băng cố định lại. Rồi ngày nào tôi cũng đều đặn đút nó chuối chín, nước uống, uống thuốc. Ban đầu, nó ăn nó không chịu ăn, sau đó ăn được một ít, rồi ăn nhiều hơn,dần dần tay chân cử động được rồi tỉnh hẳn, leo trèo được".
Anh Trung kể giữa tháng 3.2017, Công an TP.Tây Ninh bắt được vụ vận chuyển cá thể chim hồng hoàng (tên khoa học là Buceros bicornis), tên gọi khác là phượng hoàng đất. Loài này nằm trong phụ lục 1 danh mục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và thuộc nhóm IIB, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Nhận nhiệm vụ chăm sóc đặc biệt, ban đầu anh Trung ban đầu lúng túng bởi không biết rõ tập tính, thức ăn loài chim này. Anh Trung thử nhiều loại thức ăn, ban đầu anh cho chim ăn cá các loại nhưng chim chẳng ăn. Rồi anh chuyển sang các trái cây. "Tôi theo dõi nó suốt nhiều ngày mới phát hiện nó thích ăn trái sung nhất". Chim khỏe mạnh dần, đến cuối tháng 3.2017, Chi cục Kiểm lâm đã bàn giao cho Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát tiếp nhận, cứu hộ.
Thế nhưng, nghề cứu hộ thú hoang cũng nhiều đắng cay. Ông Cư kể thêm, anh em chăm sóc nhiều lần tiếp xúc với các loài chồn, khỉ dữ đã bị cắn với những vết thương khá nặng, phải chích ngừa suốt nhiều tháng liền. Ông Cư kể, một lần tiếp nhận cá thể trăn nặng 25kg, anh em phải vật lộn gần 3 tiếng mới đưa trăn đi được. "Chỉ cần làm không khéo, anh em có thể mất mạng như chơi", ông Cư nói.
Chuyện người cứu hộ
Từ những ngày đầu 11.2017, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh nhận thông tin về những chú khỉ đuôi cụt bỗng dưng trở chứng, cắn nhiều người trong nội Ô Tòa Thánh Cao Đài. Lúc này, cán bộ kiểm lâm phối hợp được Ban trật tự Nội Ô Tòa Thánh phối hợp các lực lượng kiểm lâm, Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh và người dân phục bắt suốt nhiều tháng. Đến cuối tháng 11.2017, 2 con khỉ (8kg và 4 kg) bị bắt.
Ngày 28.11.2017, Đội nhận quyết định thả 2 cá thể khỉ về rừng. Ba thành viên đội xuất phát gồm Đội trưởng Nguyễn Hòa An, Đội phó Cư cùng ông Nguyễn Văn Sung, cán bộ pháp chế đội đưa 2 cá thể khỉ lên đường đến khu vực rừng lịch sử thuộc ấp Lưu Văn Vẳng, xã Hòa Hội, H.Châu Thành thả trước sự chứng kiến của địa phương. Do 2 cá thể sống trong môi trường tiếp xúc với con người khá lâu nên khi vừa thả ra cứ lẩn quẩn không chịu đi vào rừng.
Làm nhiều cách rồi ngồi đợi hơn 1 tiếng sau đó, khi thấy chúng đi sâu vào rừng, Đội trưởng An mới thở phào nói với các thành viên: "Hy vọng vào rừng chúng nó sẽ nhanh thích nghi vì ở gần con người quá lâu".
Trước đó, tháng 10.2017, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cũng phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát, UBND xã Tân Bình, H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh tiến hành thả về môi trường tự nhiên 2 cá thể trăn gồm cá thể trăn đất (Python molurus) trọng lượng 20 kg và cá thể trăn gấm (Python reticulatus) nặng 3 kg. Hai cá thể này đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam xếp hạng CR A1c,d (cực kỳ nguy cấp) và thuộc nhóm IB trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Ngoài ra, hàng trăm loài ĐVHD quý hiếm khác như rùa, mèo rừng, tê tê, rắn hổ mang, rái cá, chồn...cũng được tái thả.
Hơn 35 năm công tác trong ngành kiểm lâm, ông Cư không thể nhớ hết đã thả bao nhiêu loài ĐVHD trở về rừng. Thế nhưng, cứ mỗi khi thả trực tiếp đi thả các con vật về rừng an toàn, ông Cư đều hớn hở: "Nhìn thấy chúng trở về rừng, tung tăng chạy nhảy tự do mà không chỉ tôi, anh em ai cũng thấy ấm lòng. Đó vừa là trách nhiệm hoàn thành vừa là niềm vui của những người giải cứu động vật rừng".
Tương lai một trung tâm cứu hộ
Tại xã Tân Lập, H.Tân Biên, Tây Ninh khu rừng thuộc VQG Lò Gò - Xa Mát trở thành nơi tiếp nhận cứu hộ, tái thả về tự nhiên hàng trăm loài động vật mỗi năm, trở thành nơi cứu hộ quan trọng bậc nhất vì môi trường đa dạng sinh học.
Hai cá thể gấu được giải cứu. Ảnh: Giang Phương
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của các Viện, Trường Đại học và của Ban quản lý VQG Lò Gò - Xa Mát từ năm 2007 đến này, đã xác định được 700 loài thực vật, 42 loài thú, nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Thế giới (IUCN, 2005) như voọc chà vá chân đen, voọc bạc, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ. Các loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như dơi chó tai ngắn, mễn, mèo rừng, chồn bạc má, sóc đen, cheo, nhím bờm, sóc bay trâu; 203 loài chim trong đó có nhiều loài đang bị nguy cấp hay bị đe dọa ở cấp quốc gia và qui mô toàn cầu như gà lôi hông tía, già đẫy Java, vhích chạch má xám, dếu cổ trụi (dếu đầu đỏ), cò nhạn, hạc cổ trắng, đuôi cụt bụng vằn và sả mỏ rộng và mới đây phát hiện thêm le khoang cổ; 58 loài thuộc Lớp Bò sát, trong đó có 18 loài bò sát thuộc nhóm quý hiếm....
Ông Châu Văn Văn, Giám đốc VQG Lò Gò - Xa Mát, cho biết việc tái thả động vật rừng không hề đơn giản. Bởi, trước khi sinh vật được thả phải trãi qua một chuỗi công đoạn. Trước hết phải xác định chủng loại sinh vật phù hợp với môi trường tự nhiên, tức đã từng hiện diện chủng loài này trong môi trường được thả. Đặc biệt, sinh vật được thả phải không gây mất cân bằng sinh thái... Đó là những điều kiện để sinh vật thích nghi, sinh trưởng và phát triển. Để làm được điều này, VQG phải có đầy đủ số liệu từ điều tra sinh học làm căn cứ.
Theo thống kê, trong 3 năm gần đây (2015 - 2017) VQG Lò Gò – Xa Mát phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm trong và ngoài tỉnh, Trung tâm cứu hộ Củ Chi cứu hộ, tiếp nhận và thả vào rừng tự nhiên gần 700 cá thể, trong đó có một số loài thuộc Sách đỏ Việt Nam (rắn hổ mang chúa, kỳ đà vân, tê tê, rùa đất….)
Chim hồng hoàng, còn gọi là Phượng hoàng đất được nuôi cứu hộ tại VQG Lò Gò - Xa Mát Ảnh: Giang Phương
Năm 2016, tại VQG Lò Gò - Xa Mát, UBND tỉnh Tây Ninh đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật. Hiện đề án thành lập Trung tâm chưa được thông qua, cho nên Trung tâm đến nay chưa đi vào hoạt động.
Theo ông Văn, việc thành lập trung tâm sẽ mang lại cơ hội cứu hộ, bảo tồn cho loài động vật bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép. Ngoài công tác cứu hộ, bảo tồn sinh vật, Trung tâm còn tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân loại, bảo quản tang vật động vật hoang dã là cơ sở trong việc xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán động vật hoang dã, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật sẽ là nơi trưng bày các tiêu bản sinh vật, nhất là các mẫu vật sống, có giá trị trực quan, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát triển du lịch sinh thái tại Ban quản lý VQG Lò Gò - Xa Mát.
Ông Văn lo lắng cho biết, hiện nay hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra ngày càng phức tạp, số lượng động vật hoang dã mà cơ quan chức năng thu giữ từ hoạt động buôn bán trái phép tương đối lớn. Mặc khác, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển sinh vật tại VQG Lò Gò - Xa Mát đã được triển khai, tuy nhiên công tác này chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, giám sát tình trạng săn bắt, khai thác, vận chuyển và thả vào từ nhiên những loài động thực vật tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân. Chưa xây dựng được cơ sở cứu hộ chính thức, vì thế hầu hết các loài động, thực vật tịch thu được hay tiếp nhận từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân hiến tặng do đó, việc cứu chữa, phục hồi và tái thả còn thấp vì thiếu cơ sở cứu hộ, bảo tồn, thiếu nhân lực, chuyên môn và không chuyên nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.