Nghề cứu người: Lặn mò dưới lòng sông

08/08/2022 08:09 GMT+7

Nếu như nguy hiểm ở biển là ao xoáy, sóng lớn, dòng chảy xiết thì tuột ống thở, bơi mò trong bóng tối, xì máu mũi, máu tai vì tăng áp... là những nguy hiểm thường gặp của người cứu nạn cứu hộ trên sông.

Sợi dây sinh mạng

Giữa trưa nắng gắt, Trương Hà Minh Đức, 20 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ thuộc tổ 4, Đội cứu nạn cứu hộ (CNCH) Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP.HCM (PC07), rớm nước mắt khi bị chỉ huy gọi lên nhắc nhở.

Trước đó trong lúc tập luyện, Đức vô tình làm rơi bình khí thở, anh vội buông sợi dây thừng kết nối với đồng đội ở dưới hồ, trồi lên thở. Khi Đức vừa ngoi lên, trung tá Nguyễn Chí Thành, Đội phó Đội CNCH, gay gắt: “Khi lặn compa cùng đồng đội tìm tang vật vụ án, các chiến sĩ kết nối với nhau dưới nước và đồng đội trên bờ bằng một sợi dây thừng. Đó là “sợi dây sinh mạng”, dù ở hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng luôn phải nắm chặt không buông. Nếu rớt bình khí hoặc ống thở, ta phải bình tĩnh tìm lại ống thở, lập tức ra tín hiệu bằng cách giật mạnh sợi dây cầm tay để được đồng đội ứng cứu kịp thời. Trồi lên đột ngột như vậy sẽ rất nguy hiểm vì không đủ khí thở nếu ở lòng sông sâu hay đáy giếng”.

Thượng úy Nguyễn Khắc Quyết (phải) và đồng đội trong các nhiệm vụ lặn mò trên sông

Trung tá Thành có biệt danh “người bắt ma ở độ sâu khủng” vì từng xuống đáy vực sâu cả trăm mét để tìm thi thể. Gần 20 năm công tác ở tổ CNCH TP.HCM, nhiều lần vượt qua ranh giới sống chết nên anh luôn nghiêm khắc với chiến sĩ trẻ. Hơn ai hết, anh là người hiểu rõ nếu tập luyện không nghiêm túc, khi ra thực tế, cái giá phải trả chính là sinh mạng của bản thân và đồng đội.

Tìm trung tá Thành những ngày hè, lúc nào cũng thấy anh lom khom với cây sào vớt rác quanh hồ bơi ở Phòng PC07. Cả tháng nay anh ho liên tục vì bệnh viêm phổi mãn tính. Đó cũng là một trong số nhiều “bệnh nghề nghiệp” mà các thành viên đội lặn thường gặp phải. “Người thì viêm da, người rụng tóc hói luôn, nhẹ hơn thì viêm xoang, lãng tai… do lặn sâu, áp suất nước tăng đột ngột. Người mới không biết cách giảm áp khi lặn có khi còn bị xì máu tai, điếc luôn. Dù vậy, tôi nghĩ trên đời này không gì nhân văn bằng cứu người. Vào nhiệm vụ, tôi chỉ làm theo những gì trái tim mình mách bảo, cứu người là trên hết”, trung tá Thành thổ lộ.

Đại úy Thái Ngô Hiếu (phải) là “hotboy” trên Google hồi tháng 4 nhờ clip cứu người ở bãi biển

Tâm sự người cứu hộ biển Vũng Tàu: "Bữa nào gặp sự cố, ăn cơm chẳng ngon”

Chết hụt vì tuột ống thở

Thượng úy Nguyễn Khắc Quyết (tự Quyết “còi”, 30 tuổi, thợ lặn Đội Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông TP.Biên Hòa, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Đồng Nai) tuy mới về đội được hơn hai năm nhưng đã trải qua nhiều vụ lặn mò khó nhằn, dù trước đó anh chỉ biết bơi sơ sơ ở… hồ bơi.

Biết bơi ở hồ và lặn mò dưới đáy sông khác như trời và vực. Có người trong quá trình học không thích nghi được việc lặn đành phải bỏ ngang. Đó không chỉ là năng khiếu mà còn là bản lĩnh. Khi Quyết mới học lặn mò, không ít lần anh bị xịt máu mũi, xì máu tai vì áp suất tăng đột ngột và chưa biết cách giảm áp khi lặn. “Dưới lòng sông tối om, chúng tôi như bị bịt mắt. Những lúc ấy, chỉ có kinh nghiệm, niềm tin và lòng thương cảm với nạn nhân dưới đáy sông chỉ đường”, anh tâm sự.

Để tìm kiếm hiệu quả và an toàn, các thợ lặn mò cứu nạn phải nắm vững kỹ năng quan sát lúc nước lớn, nước ròng, có cuộn, xoáy hay không. Dù đã tham gia hàng trăm vụ CNCH nhưng với Quyết, mỗi lần tác chiến tại hiện trường luôn là một bài học sống còn. Có lần Quyết lặn mò thi thể giữa sông Đồng Nai, nạn nhân nhảy cầu tự tử ở nhịp cầu thứ ba giữa dòng nước chảy xiết, sâu từ 13 - 16 m. Khi xuống sông, Quyết phải đo độ sâu bằng sải tay của mình vì trời quá tối. “Lặn hơn 1 tiếng nhưng do dòng nước chảy xiết nên xác trôi mất, không kiếm được thi thể nạn nhân, nhìn người nhà thất thểu, mình vừa mệt vừa buồn quá trời…”, Quyết nhớ lại.

Lặn giếng cứu người, trục vớt phương tiện bị nạn

Đêm Noel năm 2021, Quyết lặn tìm một người chạy xe máy lao xuống sông ở khu vực cầu Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Đêm hôm đó nước chảy xiết, lạnh như cắt. Cứ lặn 15 phút anh lại trồi lên lấy hơi, từ 12 giờ kém tới hơn 1 giờ sáng hôm sau, ngâm mình dưới nước hai tiếng đồng hồ, hết hai bình khí. Cuối cùng Quyết cũng kéo lên được chiếc xe máy, còn nạn nhân bị trôi đi xa không thể mò được. Ba ngày sau, thi thể nạn nhân nổi lên ở khu vực khác, đội của anh mới đến đưa nạn nhân về với gia đình.

Đêm đó cũng là lần chết hụt mà Quyết không thể quên. Anh kể: “Khúc sông đó người ta đổ xà bần nhiều nên toàn thân mình va đập vào gạch, bê tông liên tục, nguy hiểm nhất là lúc mình bị tuột ống thở do vướng vô cành cây. Lúc đó mình phải lấy hết sức bình tĩnh để mò lại ống thở và ngoi lên. Chỉ cần một chút hoảng loạn là gặp sự cố rồi”. (còn tiếp)

Sợ những cuộc gọi đột ngột từ gia đình

Mỗi khi phải xa nhà trực chiến CNCH, các chiến sĩ sợ nhất là những cuộc gọi đột ngột từ gia đình. Có lần đang công tác ở Đội, thượng úy Đỗ Lê Hòa (33 tuổi, gần 10 năm làm ở Đội Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông TP.Biên Hòa) thót tim khi nghe tin vợ sẩy thai đứa con đầu lòng mà anh lại không về kịp để đưa vợ vào bệnh viện. “Thương vợ lắm, những lúc cần mình nhất thì có khi mình lại đang trong nhiệm vụ chưa về được. Mình đi làm, cổ đâu có ngủ được. Mấy vụ nhỏ không sao, chứ vụ lớn hay phải đi xa trong đêm, mình cũng không có thời gian giải thích nhiều, đi xong về mới kể. May là cô ấy hiểu, thương và chia sẻ với chồng. Chúng mình đang mong đợi đứa con đầu lòng lắm. Vậy mà…”, nói đến đó, giọng anh Hòa như nghẹn lại.

Xin đừng gọi tôi là người hùng

Đầu tháng 4, một clip trên mạng xã hội được lan tỏa đầy cảm hứng với ba từ khóa: “Trung úy Hiếu”. Đó là người đã cứu sống 4 bạn trẻ bị đuối nước khi đang cùng gia đình du lịch tại xã Phước Tỉnh (H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu).

Sau lần đó, trung úy Thái Ngô Hiếu được thăng cấp vượt bậc lên đại úy. Có vẻ như những nhọc nhằn, hiểm nguy và ồn ào đã nhẹ nhàng trôi qua với chàng công an mới qua tuổi 30 nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề cứu người. Hiện anh Hiếu vẫn làm việc tại Đội PCCC-CNCH khu vực Trảng Bom, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Đồng Nai, cùng đồng đội luôn sẵn sàng 24/24 để ứng cứu người bị nạn. “Xin đừng gọi tôi là người hùng. Cứu người đuối nước là công việc hằng ngày, là nhiệm vụ của chúng tôi”, Hiếu thổ lộ chân thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.