Bí quyết nghề đặt trúm
Trúm thường làm bằng ống tre mạnh tông, dài hơn 1 m, được đục bỏ mắt ở phía trong tạo thành “ống bọng” kín đít, phía miệng ống có chèn hom tre.
|
Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, khi mùa mưa chính thức bắt đầu (khoảng tháng 4 - 5 âm lịch), những cánh rừng tràm bạt ngàn tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời… nước đã ngập chừng 2 tấc, năn mọc dày và tươi tốt. Đây cũng là lúc lươn bắt đầu “chạy”. Theo đó, cứ độ 2-3 giờ chiều, tại các tuyến kênh xẻ ngang dọc trong rừng tràm, người dân vội vã bơi xuồng ba lá chở đầy trúm túa ra nhiều hướng. Mỗi người dò xét từng đám năn, sau đó là chọn vùng, vạch luồng năn để cố định trúm.
Theo kinh nghiệm của một lão nông có tiếng trong nghề, lươn là loài háu ăn. Để “dụ” chúng, ngoài kỹ thuật làm trúm thì mồi nhử lươn cũng rất quan trọng. Mồi phổ biến là cua, cá sặc... băm nhuyễn, xào với xác dừa khô, thêm một chút dầu cá, mỡ trâu hoặc lá chanh băm nhỏ để mùi mồi lan tỏa xa cho lươn tìm đến. Điều thú vị hơn nữa là muốn cho lươn "chạy" nhiều thì pha thêm tỏi vào mồi để lươn ăn bị cay, phát ra tiếng kêu như mời gọi đồng loại.
|
Kinh nghiệm dân gian cho thấy những chỗ cỏ năn, cỏ lác vàng úa là nơi nước sâu, các loài cá nhỏ tìm đến ăn bả do cỏ hoại ra, lươn cũng nhân cơ hội này tìm đến ăn cá. Chỗ có lươn nhiều nữa là những họng đìa đầy bưng lác, cá tụ tập và lươn đến tìm mồi. Vào những lúc trời mưa to, phải đặt trúm ở các gò cao, vì lươn có thói quen đến vùng đất mới tìm mồi. Hướng gió cũng quyết định việc bắt được lươn nhiều hay ít. Phải đặt miệng trúm xuôi theo chiều gió để hương thơm của mồi theo đó lan rộng ra, dụ lươn chui vào.
Nét sinh hoạt văn hóa
Cứ đến thời điểm giáp năm là gần kề một mùa đặt lươn mới. Người dân bắt đầu nô nức làm trúm, sửa trúm. Nhiều hộ trong xóm thường tụ họp lại, cùng nhau làm mới hoặc sửa trúm "vần công", lần lượt từ người này đến người khác. Tùy theo lượng mưa mà người dân chọn thời gian để bắt đầu làm công việc đặt trúm. Dù bận rộn với việc đồng áng nhưng do biết tranh thủ thời gian nên không ai bị trễ các luồng lươn đầu mùa. Đến thời điểm “xuống trúm” đồng loạt, dưới tán rừng, bìa rừng nhộn nhịp tiếng cười, tiếng nói… Lối sinh hoạt này cứ đều đặn diễn ra, theo chu kỳ gần giống với thời vụ mà người dân gieo cấy hay thu hoạch lúa hằng năm.
Nghề đặt trúm lươn chỉ tạm ngưng khi mực nước trong rừng cạn kiệt vào mùa khô. Trừ khoảng thời gian đó, bất cứ ai cũng có thể tham gia vào công việc này. Nam giới vào rừng đặt trúm lươn, phụ nữ và trẻ em thì bắt nhái, dế, cá con… để làm mồi lươn. Bên mâm cơm chiều hay những buổi tối sum vầy quanh chiếc ti vi, trong câu chuyện gia đình không thể thiếu chuyện “con lươn”, giống như chuyện “con tôm” của nông dân vùng nước mặn. Ở đây, những giai thoại, những câu chuyện kể theo mô típ truyện Bác Ba Phi về con lươn và nghề đặt trúm thường được mọi người chăm chú lắng nghe, nhất là khi ngồi cạnh nồi lẩu lươn nấu mẻ đang bốc khói thơm và chai rượu đế.
Thực tế cho thấy, đầu ra của con lươn khá dễ dàng. Cứ vào mỗi buổi sáng, thương lái dùng xuồng máy đến tận nhà thu mua lươn với mức giá trung bình 100.000 đồng/kg. Thông thường, nếu một người đặt tầm 50 ống trúm, sau một đêm sẽ bắt được từ 2-3 kg lươn. Là nghề phụ nhưng với nguồn lợi thu được khá cao, nghề đặt trúm lươn đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của cư dân vùng rừng U Minh Hạ.
Chí Tín
Bình luận (0)