Nghề đọc truyện và cho thuê sách ở Sài Gòn

06/05/2018 07:06 GMT+7

Hơn 70 - 80 năm trước, người biết đọc chữ Quốc ngữ chưa nhiều nhưng tại sao độc giả miền Nam vẫn biết đến các tác phẩm của nhà văn Trương Duy Toản, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Đức Nhuận...?

Nghề đọc truyện thuê
Khi bắt tay viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại (NXB Văn học - 1997), tôi đã tìm ra câu trả lời. Bấy giờ, ông Nguyễn An Tịnh, con trai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, đã cho phép tôi tìm tòi tài liệu tại nhà riêng của ông. Và tôi tình cờ tìm thấy quyển vở học trò, chép tay, không rõ tên tác giả. Trong đó, tác giả kể lại quãng đời từ Tây Ninh lên Sài Gòn trọ học. Cậu học trò này cho biết, người Sài Gòn nói rộng ra là người miền Nam thuở ấy đã có phong cách, thói quen thuê người biết chữ Quốc ngữ đến nhà rồi đọc tiểu thuyết cho cả nhà cùng nghe.
Bằng chứng là năm 1944, khi về Hà Tiên chơi, thăm gia đình thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết, Nguyễn Bính đã có dịp chứng kiến. Có lần do đến trễ, cửa đóng then cài nên chàng Lỡ bước sang ngang đành ngồi ngoài cửa nhà lắng nghe cô Tú Ngọc đọc cho cả nhà Đông Hồ nghe truyện Tam quốc chí.
Trở lại “hồi ký” của cậu học trò đầu thế kỷ 20, trong đó có đoạn: “Kế cận nhà trọ của tôi là nhà bà Ba Ổn. Tôi biết bà Ba có mua được nhiều bộ truyện Tàu do các bậc túc nho Huỳnh Khắc Thuận, Nguyễn An Khương, Trần Phong Sắc... dịch ra Quốc ngữ. Một bữa trưa thứ bảy, bà Ba ngồi ngoáy trầu trên bộ ván gỗ đặt bên hông nhà. Đứng bên góc ván, tôi dán mắt vào cuốn Tam quốc chí, say sưa xem Quan Vũ quá ngũ quan trảm lục tướng của Tào Tháo. Bỗng tôi nghe văng vẳng: “Đọc lớn lên nghe thử coi, cháu!”. Muốn tỏ lòng tri ân bà, lại gặp dịp “trổ tài”, tôi tằng hắng lấy giọng rồi chậm rãi đọc to. Bà lẳng lặng nghe, thỉnh thoảng gật đầu cười chúm chím. Khi tôi ngừng đọc, bà phát biểu ý kiến: “Cháu đọc hay quá! Chó chết thằng Nghĩa ở nhà đây, đọc ngập ngừng ngập ngững, khó nghe khó hiểu lắm”. Chiều lại. Cơm nước xong, tôi đứng dưới gốc me trước nhà trọ, lơ đãng nhìn khách qua đường. Trò Nghĩa chạy lại nắm tay tôi rồi nói: “Bà nội tôi biểu anh qua nhà đọc truyện cho bà nghe, rồi bà biếu anh tiền ăn bánh”. Đọc truyện hợp với sở thích của mình mà lại được tiền ăn quà nữa, thật là sướng mê. Tôi bằng lòng ngay. Rồi từ đây, mỗi đêm tối tôi đọc truyện để được lãnh hai xu. Thỉnh thoảng có con cháu hoặc bạn bè đến viếng bà Ba và lóng tai nghe tôi đọc truyện một cách thích thú. Khi biết lai lịch của đứa bé mồ côi, thông minh, ngoan ngoãn dễ thương, họ có cảm tình với tôi ngay. Về nhà họ bàn tán và loan tin rằng: “Tại nhà thầy giáo Nhứt có một trò nhỏ học giỏi, đọc truyện Tàu nghe mùi mẫn”. Họ quảng cáo cho tôi mà tôi nào có dè! Trọn bảy tháng trời, tôi đọc các bộ truyện Tam quốc chí, Tây du, Lục mẫu đơn, Phong thần... và các nhà văn Việt đương thời. Vừa nghỉ đọc truyện tại nhà bà Ba, tôi được dượng Hai Sửu “mướn” rồi kế tiếp đến nhà bà Hai Lộc, cô Ba Nhiều, bà Tư Tùng... Thật là đắt mối. Từ đó, mọi người tặng tôi cái biệt danh “thằng nhỏ học trò đọc truyện mướn”. Mà nào riêng gì tôi, các bạn học của tôi khi đọc truyện mướn để có hai xu ăn quà cũng được mọi người trìu mến gọi như thế”.
Dần dà nghề đọc truyện mướn mất đi, đơn giản chỉ vì người biết chữ Quốc ngữ ngày một nhiều hơn, từ đó, lại nảy sinh ra nghề khác.
Thú đọc sách thuê
Những ai đã sống tại miền Nam có lẽ đều quen thuộc với tiệm cho thuê truyện. Nhà biên khảo Phạm Công Luận cho biết: “Theo ước tính trên Báo Thời Nay ra ngày 7.9.1974, đến thời điểm đó đã có khoảng 2.000 - 4.000 tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn”.
Một tiệm cho thuê truyện ở Sài Gòn thập niên 1960 - 1970. Ảnh: T.L
Người thuê phải đặt cọc với số tiền cao hơn giá bán hiện hành quyển truyện đó. Tiền thuê tính từng ngày. Ngoài ra, nhằm tránh trường hợp sách bị mất do người mướn vì lý do gì đó không trả (tất nhiên mất luôn tiền cọc) thì “những con mọt sách” có thể thuê truyện đọc tại chỗ rồi trả tiền luôn, khỏi tốn tiền thế chân, khỏi bận công gìn giữ.
Các tập truyện cho thuê thường được chủ tiệm bọc bìa dày hoặc bọc bao ni lông, lấy cọng thép đóng kim cẩn thận. Lật bìa, ngay trang trong đã thấy mẩu giấy do chủ tiệm dán, ghi rõ ngày thuê, giá tiền cọc và còn có cả quy định, đại khái không được xé và viết nhăng cuội vào sách, nếu không họ sẽ không nhận lại. Thử hỏi, tiệm cho thuê truyện vào thập niên 1970 có các loại gì? Trong phóng sự Một thời đi thuê truyện (Báo Thiếu Nhi số 96 ra ngày 1.7.1973), Phan Khương Thái cho biết nhiều nhất là truyện kiếm hiệp Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu, Lệnh xé xác...; kế đến truyện của Quỳnh Dao, Y Đạt, Từ Tốc… Một cửa tiệm cho thuê truyện phải có tiểu thuyết xã hội, tình cảm, Tự lực văn đoàn, tiền chiến, thời đại, đường rừng, gián điệp, kiếm hiệp… Nghĩa là phải thỏa mãn thị hiếu của độc giả tiết kiệm. Có tiệm cho mướn cả loại sưu khảo, sách có giá trị văn chương, thơ tiền chiến và cả loại sách về tình dục nam nữ.
Trong bài báo trên, Phan Khương Thái đã kể lại chính xác tâm lý của nhiều người: “Còn gì bực mình cho bằng đang đọc một trận đấu sinh tử giữa vai chánh với tên ma đầu lại đứt ngang. Một trang vô tội bị kẻ nghịch ngợm đang tay xé cái toẹt làm cụt hứng kẻ đọc sau. Thế là người đọc thứ nhì hậm hực phê bình: “(Tiếng chửi)… thằng nào mắc dịch”. Trang truyện vẫn còn đón nhận thêm lời chửi nhau tuần tự: “Phải đó, uýnh chết thằng nào chơi xé truyện…”. Thật khôi hài. Vì có bao giờ kẻ xé truyện lại mướn quyển đó để coi lần nữa và để biết người khác chửi mình?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.