“Mùa dịch này thì lĩnh vực du lịch làm gì được chứ. Nên việc gì có thể kiếm được tiền sinh sống cho qua mùa dịch là mình đều làm hết, miễn sao không vi phạm luật pháp. Nhiều bạn sĩ diện, sợ người khác nói này nói nọ, nhưng mình thì không. Sĩ diện thì ai cho tiền mình sống, sĩ diện thì có kiếm được tiền đâu”, anh Đỗ Hoàng Hiệp (34 tuổi, Q. Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ với người viết khi nhiều người thắc mắc với công việc bán cá, bán hoa mà anh đang làm để kiếm tiền sinh sống cho qua mùa dịch.
Không làm lấy tiền đâu mà sinh sống
Vốn dĩ là người chuyên tổ chức các tour du lịch, kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên cho khách nên mấy mùa dịch Covid-19 trôi qua là anh Đỗ Hoàng Hiệp đều chịu ảnh hưởng rất nhiều.
“Từ những đợt dịch trước đã lao đao lắm rồi. Đang vào mùa hè nhu cầu khách đi du lịch nhiều thì dịch bùng lại, các tour khách đặt đều hủy hết làm ảnh hưởng đến thu nhập. Các chương trình chạy tour quảng cáo khoản chi khá lớn nên mình phải làm đủ mọi việc hết. Vất vả lắm luôn”, anh Hiệp thở dài chia sẻ.
|
Chuyên đi các tour đảo như: Phú Quốc, Nam Du…nên anh có những mối quen biết với các ngư dân. Trong dịch này, anh Hiệp kết nối với ngư dân để nhập hải sản tươi từ đảo lên TP.HCM bán. Anh còn nhập hoa từ Đà Lạt và chả cá ở quê nhà Phú Yên để bán thêm.
“Tour mình làm hay liên kết với ngư dân, hỗ trợ lúc có khách du lịch muốn trải nghiệm đi câu cá cùng ngư dân bản địa. Giờ không có đi tour nữa thì mình tận dụng các mối quan hệ này để nhập cá vận chuyển lên TP.HCM bán. Rồi đi giao cá, rao bán cá khắp nơi. Còn hoa thì mình nhập về bán để một phần hỗ trợ thu mua hoa cho người dân Đà Lạt mùa dịch, một phần cũng để có thu nhập duy trì sinh hoạt hằng ngày”, anh Hiệp kể.
|
Mỗi ngày anh Hiệp chẳng ngại ngần chở cá đi bán, rồi đi giao hoa như những người hành nghề buôn bán chuyên nghiệp. “Không làm thì lấy tiền đâu mà sinh sống, nên phải làm thôi. Mình rao rồi mọi người đặt hàng online, mà mình trực tiếp đi giao để giảm bớt chi phí. Bán hoa thì lời được ít lắm, chủ yếu là mình bán hỗ trợ. Ngày dịch mọi người cũng hạn chế chi tiền, nên việc buôn bán cũng vất quả quá chừng”, anh Hiệp chia sẻ.
“Cuộc sống đẩy đưa nên phải cố gắng thôi”
Cũng giống anh Hiệp, Hồ Đức Lộc (26 tuổi, Q.9, TP.HCM) vì dịch nên công việc làm hướng dẫn viên du lịch của Lộc coi như cũng “đóng băng” theo. Lộc cũng bất đắc dĩ trở thành “thợ đụng”, đụng việc gì cũng làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.
“Bình thường thì nghề hướng dẫn viên du lịch đã không ổn định rồi, mà dịch bệnh còn bùng đi bùng lại mãi nên công việc về du lịch trong mùa này hầu như là không có. Bởi cuộc sống nó đẩy đưa nên mình phải cố gắng chuyển sang hướng khác để kiếm tiền xoay xở hằng ngày thôi”, Lộc buồn bã chia sẻ.
|
Lộc cho biết hiện tại thì anh chàng có chuyển hướng sang mảng bất động sản và kinh doanh online về đồ phong thủy để tìm kiếm thêm cơ hội kiếm tiền. Nhưng từ những đợt dịch trước thì anh chàng phải ra đường chạy xe ôm công nghệ, làm shipper giao hàng…
“Thời điểm đầu khó khăn vô cùng luôn. Nhiều anh chị em trong nghề không trụ được cũng chuyển ngành hết, một vài người còn đi chạy xe ôm công nghệ, giao hàng, bán hàng online để mưu sinh qua dịch như mình. Rồi một số bạn sinh viên mới ra trường thì bị ngay đợt dịch nữa, rồi cũng bỏ nghề luôn. Trong mùa dịch bệnh như thế này mà chạy xe khắp thành phố thì cũng sợ lắm, nhưng cũng ráng chứ biết sao giờ”, Lộc bày tỏ.
Lộc kể thêm: “Đợt đó chạy xe công nghệ được khoảng 3 tháng thì dịch bắt đầu ổn, tour du lịch cũng dần dần có trở lại nhưng mới đi được vài chuyến là dịch lại bùng tiếp. Tiền nhà, tiền ăn uống sinh hoạt xài dần dần cũng hết, nên phải tràn ra đường đi làm để kiếm thêm thu nhập”.
Mất việc gần 2 năm nay
Dương Anh Nhung (29 tuổi, Q.8, TP.HCM), chuyên đi các tour du lịch nước ngoài nên từ Tết năm trước đến nay, coi như mất việc gần 2 năm nay.
“Chuyến cuối cùng mình về tới VN là mùng 6 tết năm ngoái (Tết Canh Tý) xong là dịch luôn tới giờ. Mình chuyên đi thị trường nước ngoài nên khi hãng hàng không ngưng các chuyến bay quốc tế là mình chính thức được nghỉ giải lao tới giờ”, Nhung kể.
Để kiếm sống, Nhung chuyển sang nhận order cũng như nhập 1 số sản phẩm nội địa các nước bán chạy về bán online. Nhờ uy tín và nguồn khách có sẵn nên công việc bán hàng online của Nhung cũng tạm ổn định.
|
“May mắn là mình có để dành một ít tiền tiết kiệm, lại là người TP.HCM nữa nên cũng không phải lo tiền thuê nhà mỗi tháng như nhiều đồng nghiệp khác”, Nhung chia sẻ. Cô kể thêm: “Trước đây lúc còn bay nhiều thì mình luôn hỏi xem khách cần mua gì thì mình sẽ đặt và xách về giúp, nên cũng đã có được lượng khách từ trước. Giờ đẩy mạnh bán online nhiều mặt hàng hơn nữa để kiếm thêm chi phí”.
Mặc dù đã có mối và khách quen từ trước nhưng đến với công việc bán hàng online thì Nhung cũng gặp không ít khó khăn.
Cô nàng kể: “Trong mùa dịch này các khâu nhập về rất khó khăn, bị thụ động, phụ thuộc vào các chuyến bay, chuyến tàu, xe đưa hàng về VN lâu hơn và chi phí vận chuyển, thuế cũng cao. Rồi có những chuyện mình không thể lường trước được, như hiện tại đơn hàng của mình từ Thái Lan về Việt Nam do bùng dịch nên hàng kẹt ở cửa khẩu cả tuần không thông quan được”.
Không thể bỏ nghề vì rất nhớMặc dù công việc rất bấp bênh, cứ thấp thỏm vì dịch bùng đi bùng lại, nhưng Lộc cho biết chỉ chuyển nghề tạm thời để kiếm kế sinh nhai, chờ khi dịch ổn lại tiếp tục với đam mê hướng dẫn viên của mình. “Cũng có nhiều lần có suy nghĩ có nên bỏ nghề hay không. Thấy bạn bè mình nó học nghành khác mà bây giờ đã có nhà có xe, gia đình cũng ổn định, còn mình thì vẫn lông bông. Rồi cũng tính bỏ nghề theo 1 mảng nào đó luôn. Nhưng một thời gian là lại thấy nhớ nghề vô cùng, không thể bỏ được. Làm du lịch có cực, không ổn định nhưng lâu lâu mà không được đi là lại thèm, là lại muốn cầm mic nói, nên không thể nào bỏ được”, Lộc chia sẻ. Cũng giống Lộc, anh Hoàng Hiệp chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. “Mình chỉ có ý định chuyển qua kinh doanh tự do làm tạm, đợi dịch ổn lại quay lại với nghề làm du lịch. Một phần vì đó là đam mê của mình, không thể bỏ được, nhưng một phần cũng vì mình đã đầu tư vào du lịch nhiều rồi nên chờ hết dịch thì làm lại từ đầu thôi”, anh Hoàng Hiệp chia sẻ. |
Bình luận (0)