Nghề hiệu trưởng: Mong đừng loay hoay chuyện tiền nong

10/12/2022 06:05 GMT+7

Nhiều hiệu trưởng đã tâm sự với PV Thanh Niên về nghề đầy những áp lực, nguy cơ. Đâu là những nguyện vọng, mong mỏi của họ để có thể làm tốt hơn công việc của mình?

Thầy Đoàn Văn Ơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Lợi, cùng các học trò

Thúy Hằng

Được làm công tác chuyên môn nhiều hơn

Có thầy cô tâm tư nếu được giảm áp lực về việc lo tiền nong, tài chính trong trường học thì hiệu trưởng sẽ có nhiều thời gian làm công tác chuyên môn hơn. Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.4, TP.HCM, cho biết: “Tôi có một số lần được đi công tác ở nước ngoài và thấy ở các nước, nhà giáo nói chung chỉ cần làm tốt chuyên môn giáo dục của mình, còn lại việc quản lý thu chi tiền nong sẽ có bộ phận khác lo. Như vậy sẽ đảm bảo minh bạch, vị thế người thầy cũng không bị ảnh hưởng. Người thầy mà suốt ngày phải nhắc thu tiền, đi thu tiền của học sinh thì không hay”.

Ủng hộ thi tuyển hiệu trưởng

Nhiều ý kiến cho rằng thi tuyển hiệu trưởng là một giải pháp hay, để tìm ra người tự tin, có năng lực, trách nhiệm cao nhất với công việc và họ chắc chắn cũng sẽ có nhiều chiến lược, giải pháp làm giáo dục tốt nhất, vì học sinh.

Cô Châu Thị Minh Sâm (hiện đã về hưu), nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Vinh, đang là Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Mỹ (VASS), Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết thi tuyển và làm nghiêm túc, khoa học, minh bạch cũng sẽ khuyến khích được người tài thêm rèn giũa, cố gắng để cống hiến.

“Tôi ủng hộ thi tuyển, để bất kỳ ai đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, thái độ… đều có thể tham gia kỳ thi sát hạch cả lý thuyết, thực hành, tình huống thực tế… Để người thi đậu cũng là người tự tin, xứng đáng và có trách nhiệm cao nhất khi ngồi vào ghế “nóng”, cô Sâm nói.

Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM cho biết giáo viên nói chung và hiệu trưởng đang phải dành rất nhiều thời gian cho công việc liên quan thủ tục hành chính, giấy tờ, báo cáo... không chỉ trong suốt 9 tháng của năm học mà còn xuyên suốt trong các tháng hè… Những công việc này khiến các thầy cô bị ảnh hưởng thời gian làm công tác chuyên môn của mình. “Cởi trói” cho hiệu trưởng, theo vị nguyên hiệu trưởng trên, điều đầu tiên là mong được giảm nhẹ áp lực công việc hành chính, giấy tờ cho các thầy cô, để mọi người yên tâm vào làm chuyên môn giáo dục.

Cần sự chia sẻ, cảm thông

Thầy Đoàn Văn Ơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Lợi (H.Bình Đại, Bến Tre), cho hay ở rất nhiều những địa phương, những miền quê khó khăn luôn có những người thầy, người cô tận tụy với sự nghiệp trồng người. Động lực gắn bó với nghề của thầy Ơn cũng như các đồng nghiệp chính là say mê với nghề, luôn nghĩ tới học trò.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM tâm tư, có những vụ việc lùm xùm thời gian qua về thu chi trong một số trường học khiến nhiều người có tâm lý đánh đồng các hiệu trưởng với cái nhìn tiêu cực. Điều này khiến rất nhiều hiệu trưởng chạnh lòng và thấy tủi với nghề, không còn nhiệt huyết với nghề.

Thầy hiệu trưởng chuyên đi... xin cho học trò

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi có mặt ở Trường tiểu học Hòa Lợi, một trong những trường ở vùng sâu, xa và gặp nhiều khó khăn nhất của H.Bình Đại, Bến Tre, trong dịp nhà trường được trao tặng thư viện, bàn ghế, kệ sách trong thư viện. Đón chúng tôi, thầy Đoàn Văn Ơn, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Chúng tôi vui, học trò cũng vui lắm. Ở đây học trò thiếu thốn cơ sở vật chất và hoạt động ngoại khóa. Tôi về trường công tác 3 năm, xin được cái gì cho học trò là tôi đi xin hết, không ngại gì, từ bàn ghế học sinh, quần áo, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế cho các em, tới kinh phí sơn sửa lại trường… Vì học trò thì chúng tôi không sĩ diện đâu”.

Thầy Ơn đã làm trong ngành giáo dục 34 năm, luân chuyển công tác qua 5 trường học khác nhau. Đây là trường xa xôi, khó khăn nhất mà thầy công tác. Mỗi sáng thầy di chuyển bằng xe máy 18 km để tới trường, và mỗi tối lại đi 18 km trở về nhà. Cứ hôm nay làm việc ở điểm trường này, ngày mai thầy lại chạy tới điểm trường kia (ở xã khác).

Một hiệu trưởng tại TP.HCM có 10 năm giữ chức vụ này tâm sự thầy rất sợ mạng xã hội, rất sợ những thông tin chưa kiểm chứng, chưa biết đúng sai đến đâu nhưng người ta ào ào đưa lên Facebook rồi kết tội các thầy cô.

“Hơn mười năm trước tôi sẵn sàng đứng ra kêu gọi phụ huynh sửa sang lại lớp học khang trang cho các con, thay bàn ghế mọt, gãy bằng bàn ghế mới… Nhưng bây giờ mà bảo tôi làm vậy thì không. Tôi không dám “máu lửa” nữa. Nhiều người cũng vì nghĩ cái tốt cho học trò nhưng bị mang tiếng rất ghê. Chỉ mong sao mọi người có cái nhìn thấu cảm, công tâm về người hiệu trưởng, đừng đánh đồng ai cũng như ai”, thầy hiệu trưởng tâm tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.