Chia sẻ với tờ Modern Express, đại diện Khu du lịch núi Nam Sơn ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cho biết việc tuyển dụng người chăm sóc gấu trúc đã trở thành một vấn đề "đau đầu" nhiều năm qua khi không thể tuyển đủ nhân viên vì không phù hợp và thiếu năng lực.
Khu du lịch này rộng khoảng 1.000 m2 và là cơ sở nuôi gấu trúc. Không rõ số lượng cá thể gấu trúc ở đây là bao nhiêu, theo South China Morning Post ngày 28.3.
Quản lý không nêu tên tại Khu du lịch núi Nam Sơn cho hay công việc chăm sóc gấu trúc phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người vẫn nghĩ, không chỉ đơn giản là cho chúng ăn và chơi với chúng. Người này nói thêm rằng công việc chăm sóc gấu trúc đòi hỏi cao về tính chuyên nghiệp, nhân cách và kỹ năng quan sát.
"Có nhiều yêu cầu rất cụ thể trong quá trình nuôi gấu trúc như người chăm sóc phải cân phân của chúng, quan sát tâm trạng và cho chúng ăn cây tre bằng cách cắm thẳng đứng xung quanh. Có lẽ do yêu cầu quá cao nên rất ít ứng viên có thể đáp ứng. Cho đến nay, không ai trong số họ trúng tuyển", người quản lý nói.
Bên cạnh đó, khu du lịch này còn yêu cầu nhân viên chăm sóc gấu trúc phải có bằng cấp về chăn nuôi hoặc thú y, đồng thời cần người có tính kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm.
"Họ phải yêu động vật. Có kinh nghiệm nuôi động vật trong sở thú là điểm cộng", người quản lý nhấn mạnh.
Nhiều người dùng mạng của Trung Quốc đã bàn tán xôn xao về vấn đề tuyển dụng của khu bảo tồn gấu trúc này. Một người dùng mạng đùa rằng: "Công việc khó khăn nhất thế giới với yêu cầu không thể với tới thực ra lại là nghề chăm sóc gấu trúc".
Gấu trúc sinh đôi đem lại niềm vui hiếm có cho vườn thú lâu năm nhất Nhật Bản
Theo một người dùng mạng khác: "Tôi nghĩ sở thú nên coi trọng tình yêu và sự kiên nhẫn của một người chăm sóc gấu trúc hơn là bằng cấp".
Ma Tao, một người có thâm niên 3 thập niên trong nghề chăm sóc gấu trúc ở sở thú tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết công việc của ông yêu cầu cả sự dũng cảm và tập trung cao độ.
Tờ Shanghai Morning Post dẫn lời ông Ma chia sẻ: "Động vật không biết nói. Chỉ thông qua sự quan sát cẩn thận của những người trông giữ chúng, chúng tôi mới có thể tìm ra những gì động vật mong muốn". Theo đó, những người chăm sóc sẽ đóng vai trò đọc vị ngôn ngữ của động vật.
"Bạn tương tác với động vật để chúng quen với bạn và bạn cũng thân thuộc với chúng. Từ phản ứng của gấu trúc, bạn có thể cảm nhận được trạng thái của vật: sợ hãi, cảnh giác hay thoải mái. Bạn phải đọc vị ngôn ngữ của chúng", ông Ma nói.
Ông cũng chia sẻ những rủi ro khi ở gần gấu trúc. Theo ông, những bức ảnh có vẻ dễ thương về một chú gấu trúc ôm chặt chân người chăm sóc lan truyền trên mạng xã hội gần đây chính là một tình huống nguy hiểm tiềm tàngkhi hành động đó có thể làm người chăm sóc bị thương.
Theo Cục quản lý đồng cỏ và lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, hiện có 673 con gấu trúc đang sống trong điều kiện nuôi nhốt trên khắp thế giới, hầu hết ở Trung Quốc. Giới chuyên gia ước tính số lượng gấu trúc sống trong tự nhiên khoảng 1.800 con.
Bình luận (0)