Nghề lạ: Lang thang khắp nơi tìm... rau dại, nuôi cả gia đình

08/05/2023 13:45 GMT+7

Ít ai biết có một việc làm mà chúng tôi tạm gọi là nghề hái rau dại lại là công việc mưu sinh hằng ngày của nhiều người dân cả chục năm qua.

Nghề hái rau dại hiện đang được một số người dân xem là công việc chính tại xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai), đa phần người theo nghề này là phụ nữ. Hằng ngày, họ đi khắp vùng để hái rau dại rồi bán cho đầu mối, từ đây rau dại được các đầu mối chuyển lên thành phố bán cho người tiêu dùng.

Mưu sinh bằng nghề hái rau dại - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Dần rong ruổi khắp nơi, cứ thấy đám rau lá lốt tươi tốt trong rừng cao su là tấp vào hái

LA GIANG

"Được đi khắp nơi với cây cỏ thấy cũng vui"

Sáng một ngày đầu tháng 5.2023, chúng tôi theo bà Đoàn Thị Lý (51 tuổi, ngụ ấp 61, xã Sông Nhạn) trong trang phục áo khoác, nón, ủng gần như bịt kín từ đầu tới chân, chạy chiếc xe máy cà tàng đi tìm rau dại. Bà hô lên "Đi nào" vui vẻ rồi dẫn đầu nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình từ nhà  trong xóm nhỏ khá khang trang sạch sẽ len lỏi qua các ngõ ngách, lối mòn cho đến các hàng rào, bờ dậu, vườn cao su, bờ suối hay mảnh đất mà ai đó bỏ hoang... miễn là nơi đó có hoa cỏ dại mọc. 

Dường như bà Lý đã quá quen thuộc với đường đi lối lại khắp vùng này, từ một mô đất có mấy cây rau tàu bay, hay một bờ cỏ xen một đám rau má khá xanh tốt. Chở theo sau xe máy là một mớ túi để đựng rau và 2 con dao nhỏ. Mỗi khi nhìn thấy đám rau dại là người phụ nữ này dừng lại hái rau với động tác rất gọn gàng.

Mưu sinh bằng nghề hái rau dại - Ảnh 2.

Bà Đoàn Thị Lý tươi cười khi cuối ngày thu hoạch lượng rau lớn, chuẩn bị mang đi bán

LA GIANG

Đi đến một gò đất, bà Lý chỉ vào đám rau càng cua xanh um xa xa mà chúng tôi chưa kịp nhìn thấy, rồi vội tấp vào hái. Thì ra, chỗ này bà cũng đã từng "thu hoạch" nhiều năm nay. Giữa cái nắng gió mùa hè vùng quê Nam bộ, mặc dù hiện nay diện tích đất hoang hóa không còn nhiều, hầu hết đều đã có chủ, trở thành đất vườn nhưng đây đó vẫn còn bờ suối, sườn đồi, mảnh vườn hoang để cho cây cỏ mọc, trong đó có rau dại. 

Bà Lý cho biết, các loại rau mà bà thường hái được nhiều người thích ăn. Những loại rau như càng cua, mướp đắng, dền, lá lốt... Ngoài ra, nếu có ai đặt hàng tìm các loại cây thuốc như nhân trần, cỏ mực... bà cũng đi lùng sục khắp vùng để tìm kiếm. Do đã làm nghề lâu năm, hầu như chỗ nào có rau bà Lý cũng biết, nên cứ xoay vòng, cách vài tuần lại quay lại chỗ vừa hái.

Bà Lê Thị Dần (63 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng là một người làm nghề hái rau dại khác có thâm niên trong vùng. Khoảng 2 giờ chiều, bà Dần chuẩn bị đồ nghề lỉnh kỉnh, chờ cho dịu bớt cái nắng gắt mùa hè rồi bắt đầu công việc hái rau dại như thường nhật. Hướng đến một đám lá lốt xanh um trong rừng cao su bạt ngàn, chẳng mấy chốc bà Dần gom được gần 10kg lá lốt xanh mơn mởn. "Trông vậy nhưng cũng cực lắm chú ạ. Lang thang khắp miền, như dân du mục. Công việc này cứ lang bạt chẳng giống ai nhưng mà quen rồi, được đi khắp nơi với cây cỏ thấy cũng vui", bà Dần cười vui vẻ.

Rau dại - nguồn sống cho cả gia đình

Bà Dần cho biết công việc hái rau dại không chỉ giúp gia đình bà thoát nghèo mà còn góp phần nuôi các con bà khôn lớn, trưởng thành. Bà Dần kể trước năm 2000 bà là công nhân cạo mủ cao su cho nông trường cao su Sông Quế. Do lớn tuổi, nghề cạo mủ cao su cũng có nhiều đổi thay nên bà xin nghỉ. Có được chút vốn ít ỏi, vợ chồng bà mua mảnh vườn nhỏ trồng điều nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống với 3 người con đang tuổi ăn học. Vô tình một lần bà hái mớ rau mọc dại bên đường đem về ăn, rồi có người kháo nhau hỏi mua. Dần dà, bà tập trung khá nhiều thời gian cho việc đi hái rau dại và thu nhập từ công việc này trở thành một phần nguồn sống của gia đình.

Mưu sinh bằng nghề hái rau dại - Ảnh 3.

Rau dại sau khi hái được cho vào bao để mang đi bán cho đầu mối

LA GIANG

Còn bà Lý cho biết chồng bà mất đã hơn 20 năm, bà làm nghề hái rau dại đã gần 10 năm. Công việc mưu sinh này cũng đã giúp bà nuôi các con trưởng thành. Cứ 7 giờ sáng, bà Lý lại tranh thủ tay xách nách mang đi tìm rau. Mỗi ngày bà Lý hái được nhiều thì 40 - 50kg, ít thì 20kg. Mùa mua thì nhiều rau hơn nhưng giá rẻ hơn, khoảng 4.000 đồng/kg, nắng thì 8.000 đồng/kg. "Nhiều khi phải xin qua rẫy, vô đất người ta mà hái. Có hôm xui xẻo gặp ong đốt cho sưng cả mắt", bà Lý chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Thắng (54 tuổi, ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) cho biết ông là đầu mối chuyên thu gom rau dại phân phối về các chợ ở TP.Biên Hòa. "Lúc đầu gia đình tôi là nơi đặt bán vài ba mớ rau dại trước cổng nhà, không ngờ sau đó có nhiều người thích ăn loại rau thuần tự nhiên này. Ngoài mua về ăn, nhiều người còn mua gửi cho người thân ở thành phố", ông Thắng cho hay. 

Thời gian sau, gia đình ông Thắng thu gom rau của bà con hái được rồi đem lên chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) để bán. "Hiện nay, do nhu cầu của người dân ngày một tăng cao nên tôi phải mua xe tải để chở rau đi bán hàng ngày. Cứ chiều nhập rau, rồi sáng sớm hôm sau chuyển lên thành phố. Ngoài điểm bán tại nhà, gia đình tôi đã mở thêm điểm bán rau dại tại chợ Biên Hòa, đây trở thành địa chỉ quen thuộc được nhiều người tìm đến", ông Thắng chia sẻ.

Mưu sinh bằng nghề hái rau dại - Ảnh 4.

Ông Phạm Quang Thắng là đầu mối thu gom rau dại của bà con. Rau được chất lên xe tải chuyển lên TP.Biên Hoà bán lại cho các sạp

LA GIANG

Ông Trương Quang Khánh, cán bộ lãnh đạo xã Sông Nhạn đồng thời là hàng xóm của những người làm nghề thu hái rau dại, cho biết công việc hái rau dại của một số người dân ở đây đã hình thành từ lâu, góp phần tăng thêm thu nhập. "Rau dại mọc tự nhiên thơm ngon, nhiều người ở thành phố rất thích, cứ người này giới thiệu người kia rồi mua. Công việc này cũng tạo nên nét riêng cho vùng quê Sông Nhạn", ông Khánh cười nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.