Nghề livestream sân bóng phủi

20/12/2020 08:07 GMT+7

'Kính thưa quý vị khán giả, sau đây chúng ta cùng theo dõi trận đấu giữa 2 đội... và được trực tiếp trên kênh..., mời quý vị cùng xem', đó là câu khởi đầu của một bạn trẻ làm nghề livestream bóng đá.

Đến với nghề livestream ...

Những ngày cuối tuần, chuông điện thoại liên tục reo, Lê Quân (27 tuổi), ngụ đường 43, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, không phút nào ngơi nghỉ. Tay trái cầm điện thoại, tay phải ghi chép thông tin khách hàng đặt lịch để livestream (phát trực tiếp) cho một giải đấu giao hữu giữa 2 đội bóng trẻ.
“Bây giờ nhiều người làm nghề này lắm. Ai đá bóng cũng muốn được phát trực tiếp các trận đấu của mình lên mạng xã hội để mọi người cùng xem”, Quân cho biết.
17 giờ, trận đấu bắt đầu. Trước đó Quân đi xe máy chở đồ nghề đến sân, nhanh chóng sắp xếp thiết bị trên chiếc bàn nhựa ngay sát đường biên sân bóng. Máy quay, máy tính, loa và micro là những thiết bị không thể thiếu cho buổi phát trực tiếp. Ê kíp làm việc gồm 3 người: 2 người quay phim và Quân bình luận trận đấu kiêm thiết kế kỹ thuật phát sóng.
“Dù chỉ là trận giao hữu phong trào của 2 đội bóng lứa tuổi học sinh, nhưng yêu cầu đặt ra là phải chỉn chu. Khách hàng muốn trận đấu của mình được phát giống như truyền hình trực tiếp các trận chuyên nghiệp. Phải làm sao thu hút được nhiều khán giả theo dõi trên mạng xã hội...”, Quân chia sẻ.
Bình luận viên liên tục hiệu chỉnh các hiệu ứng trên điện thoại, cầm mic khuấy động không khí trận đấu. Kế bên Quân là Đinh Văn Trang, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, liên tục lia máy quay theo những đường bóng. Khoảnh khắc cầu thủ ghi bàn, Quân như hét vào micro: “Vào... vào rồi, bàn thắng tuyệt đẹp”. Lúc này trên trang livestream, khán giả theo dõi liên tục thả “like” và bình luận.
Quân cho biết: “Nghề này chỉ vừa nổi lên trong 1, 2 năm nay thôi, từ khi mạng xã hội cho phát trực tiếp trên các trang cá nhân. Bây giờ nhiều người đá banh phủi (bóng đá phong trào), giao hữu đều muốn được lên khung hình trực tiếp, xem lại các bàn thắng của mình”.

Cảnh một buổi livestream trên sân bóng đá phủi

“Bắt sóng” theo thời đại

Hồi mới vào nghề, chỉ cần một loa, một micro là đủ để Quân bình luận trận đấu. Song về sau, nhiều người đòi hỏi phải có hình ảnh để xem trực tiếp ở nhà thay vì phải ra tận sân. Quân bắt đầu mua điện thoại rồi mày mò thử nghiệm. Anh vừa cầm điện thoại quay từng pha bóng, vừa đọc bình luận. Ban đầu một trận nhận được thù lao 100.000 - 200.000 đồng, không đủ tiền ăn, xăng xe, máy móc, song vì đam mê chàng trai theo đuổi nghề đến tận giờ.
Nhận thấy nhu cầu tăng cao, Quân bắt đầu nghĩ xa hơn. Mượn vốn ba mẹ, Quân cùng anh em đầu tư máy quay, máy tính xách tay truyền dẫn... Quân cho rằng đó là một quyết định táo bạo nhưng đúng hướng, bởi nếu anh không đầu tư sẽ chậm chân hơn người khác trong nghề livestream này.
Từ 1 máy quay, đến giờ Quân nâng cấp lên 4 máy cho những trận cầu quan trọng. Quân kết nối với khách hàng bằng trang mạng xã hội “Truyền lửa bóng đá” với hơn 100.000 lượt theo dõi. Không phải đi kiếm “show” như trước, giờ ai có nhu cầu sẽ tự liên hệ qua mạng xã hội.
Đến nay, Quân xây dựng đội ngũ gần 20 người, đảm nhận các giải đấu khắp các sân cỏ thành phố, thậm chí ở các tỉnh lân cận. Không ngày nào nhóm của Quân được ngơi nghỉ, đặc biệt cuối tuần là thời điểm nhóm phải làm việc liên tục.
Theo Quân, nghề livestream sống được là nhờ nhu cầu quảng bá thương hiệu của các đội bóng. Nhiều cầu thủ bóng đá phong trào muốn xem lại hình ảnh để khoe bàn thắng của mình. Dần dần cộng đồng bóng đá phủi nhận thấy livestream trở thành một phần không thể thiếu trong các trận đấu.
Quân cho rằng làm nghề này không khó cũng chẳng dễ. Khác với bình luận viên chuyên nghiệp ở phim trường, Quân phải đội nắng, ngồi sát đường biên sân bóng suốt ngày để cùng hòa mình với trận đấu và khán giả qua mạng xã hội. Thời gian làm việc không cố định, xu hướng cạnh tranh trong nghề dần trở nên gay gắt, chuyện phá giá của người mới vào nghề là thường xuyên. Song khi tạo được thương hiệu, uy tín, thu nhập từ bình luận bóng đá phủi cũng kha khá, đủ nuôi gia đình.
Đinh Văn Trang những ngày trong tuần còn đi học, cuối tuần làm thêm livestream nên cuộc sống tạm ổn hơn. “nghề livestream bóng đá cực mà vui, tôi được đi và biết nhiều sân cỏ ở thành phố. Ngày đầu cũng chưa biết gì, theo mấy anh rồi được chỉ dạy, giờ tôi đã biết quay phim. Nói chung làm thu nhập cũng khá, giúp tôi trang trải được cuộc sống sinh viên”, Trang cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.