Tối 17 rạng sáng 18.10, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện nhiều status cầu cứu vì bị lũ vây khốn, chủ yếu từ địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình. Nhiều người hoảng hốt khi nước lũ dâng quá nhanh lúc nửa đêm, không còn đường thoát thân, đã lên mạng xã hội kêu cứu khẩn cấp. Cộng đồng mạng cũng đồng loạt chia sẻ những lời kêu cứu để lan tỏa và cùng tìm cách giúp.
Trắng đêm cứu người
Bắt gặp các dòng thông tin hoảng loạn ấy, những “người hùng” đến từ TP.Đà Nẵng (đang làm từ thiện ở Quảng Trị) đã bỏ dở bữa ăn tối. Anh Nguyễn Hoài Dương (trú Q.Hải Châu, trong nhóm CLB xe bán tải Đà Nẵng, Đội SUP Đà Nẵng, Đội thuyền hơi Hà Nội) đã cùng đồng đội xông ra giữa đêm tối. Theo anh Dương, CLB được huấn luyện kỹ về việc bơi xuồng hơi gắn máy, khi đi cứu trợ vùng lũ thì xuồng cũng được trang bị để đảm bảo an toàn.
|
Nhóm có hơn 100 chiếc bán tải chở nhu yếu phẩm, nước, có 8 chiếc SUP và 8 chiếc xuồng hơi để vận chuyển hàng ở những nơi nước ngập sâu. “Chúng tôi cứu người từ 20 giờ tối 17.10. Nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ nóc. Giữa dòng lũ dữ, chúng tôi động viên người dân bình tĩnh, rồi tất cả sẽ được an toàn thôi...”, anh Dương nói.
Những “người hùng” không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh người dân bám víu trên thân cây bạch đàn để gọi đoàn cứu hộ, kêu cứu giữa biển nước. “Chúng tôi đã đưa nhiều trẻ nhỏ, một số phụ nữ mới sinh, ôm chặt con vào lòng và rưng rưng nước mắt khi đoàn cứu hộ đến nơi”, anh Dương kể. Đợt ứng cứu của nhóm kéo dài mãi đến 18 giờ 30 chiều qua 18.10, dù kiệt sức nhưng anh Dương thấu hiểu vì sao nhiều người bị nạn lại hoảng loạn đến như vậy giữa biển nước...
|
Tấm lòng những người con xa quê
Trong khi đó, sau khi đọc những dòng tin khẩn từ một chủ tài khoản ở Quảng Bình: “Cứu trợ bây giờ là áo phao cần hơn mì gói bà con ơi...”, chị Hoàng Thị Thanh Thủy (quê Quảng Bình, đang cư ngụ TP.Đà Nẵng) cùng những người bạn đồng hương tất tả đi tìm mua cho được áo phao để chuyển gấp ra quê cũ. Chị gần như “lục tung” các cửa hàng chuyên dụng ở Đà Nẵng, kể cả sục tìm ở các trang mạng chuyên bán áo phao, đồ cứu hộ...
Bạn An Bình cũng đăng: “Cần mua 1.000 áo phao để mang đến cho bà con vùng lũ Quảng Trị”. Còn bạn Trần Đức Anh Sơn sau nhiều ngày nỗ lực tìm áo phao ở Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng bất thành đã phải nhờ bạn bè ở Hà Nội, TP.HCM hỗ trợ. Cùng với áo phao, vùng lũ còn cần gấp các “món” như nước uống, đèn pin...
|
|
Chị Hồng Nguyễn (quê Quảng Trị) cũng liên tục lên mạng xã hội kêu gọi hướng về quê hương. Sáng 18.10, khi Quảng Trị ngập chìm trong lũ, chị viết những dòng tha thiết: “Xin chỉ giúp nơi đâu mua xuồng máy cao su, ca nô, thuyền nhôm, áo phao. Người dân Quảng Trị đang cần gấp những thứ này”... Chị tiết lộ chương trình hỗ trợ khẩn cấp vùng lũ của chị và những thành viên của Pacific Links Foundation (Mỹ) đã vận động được kha khá...
Một nhóm khác của anh Nguyễn Bình Nam và chị Lâm Nguyễn (Đà Nẵng) cũng đã thẳng tiến Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị từ vài ngày trước. Đoàn đã tiếp cận được với 300 hộ dân làng Mai Dương (xã Quảng Phước, H.Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) bị cô lập nhiều ngày.
Sau đó, đoàn đến với gần 500 hộ dân của làng Phú Lương B (xã Quảng An). “Nhiều vùng nước lên cao quá, chưa thể tiếp cận được. Chúng tôi vừa di chuyển vừa kêu gọi, vận động. Sự cộng hưởng từ cộng đồng rất lớn vì tính khẩn cấp cứu cứu trợ...”, anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ.
“Miền Trung còn lũ, chúng tôi còn đi”.
Nhiều nhà xe tại các tỉnh miền Trung, TP.HCM đều sẵn sàng chung tay dùng đội xe và nhân lực của mình để vận chuyển miễn phí hàng từ thiện, đưa nhà hảo tâm từ nhiều nơi về miền Trung hỗ trợ người dân. Anh Hồ Văn Sỹ cùng một số nhà xe khác tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kết nối với nhau và cho biết: “Miền Trung bị lũ lụt tàn phá nặng nề quá, người góp công người góp của, bao giờ miền Trung còn lũ chúng tôi còn đi”.
Hôm nay (19.10) 3 chuyến xe tải đầu tiên của Công ty Vietnam Moving từ TP.HCM chở theo hàng từ thiện và một số nhà hảo tâm ra hỗ trợ miền Trung. Anh Phạm Minh, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Tôi nghĩ công việc kinh doanh của mình là việc lâu dài cả đời, thời gian này là lúc bà con cần mình hơn nên điều mình phải làm bây giờ là hỗ trợ bà con hết mức có thể. Lịch trình chúng tôi sẽ đến: Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình...”. Kim Anh (ghi)
|
Ngay các khách sạn, điểm nghỉ trọ cũng chủ động hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho các đoàn thiện nguyện. Bà Lê Thị Tú Trinh, chủ khách sạn Huế (P.Vỹ Dạ, TP.Huế), cho biết khách sạn sẵn sàng nhận các đoàn thiện nguyện đến vùng lũ. Hơn 20 đoàn thiện nguyện “tiếp nhận” thiện chí này. “Tri ân những tấm lòng vì vùng lũ, vì người miền Trung, chúng tôi xin được hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho toàn bộ các đoàn”, bà Trinh xúc động chia sẻ.
Bình luận (0)