"Nghe ông bà kể lại, ngôi miếu này được xây dựng hàng trăm năm trước nhưng do chiến tranh tàn phá và sự bào mòn của thời gian nên bị đổ nát. Sau 1975, bà con chung sức xây dựng lại", ông Lê Cơ, một diêm dân ở Sa Huỳnh, cho biết.
Miếu thờ bên đồng muối
Trên cổng vào miếu đắp đôi rồng chầu mặt trời trông rất đẹp. Trước miếu có bình phong đắp hình hổ khá oai phong. Hai bên bình phong có đôi trụ với cặp nghê đá ngồi chầu trên đỉnh. Miếu nằm trên khu đất cạnh Đồi Gành um tùm cây lá. Người dân làng Tân Diêm cùng nhau chẻ đá chân đồi để mở rộng diện tích và lấy đá xây dựng miếu. Qua đó, tạo ra vách đá phẳng áp vào lưng miếu trông thật bắt mắt.
Cụ Nguyễn Hiến, Trưởng ban tế tự (74 tuổi, ở P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào trong miếu dâng nén hương thơm với dáng vẻ hết sức trang nghiêm. Khói hương vờn quanh trên 3 bàn thờ nhuốm màu xưa cũ chứa bao điều huyền bí. Miếu nằm dưới bóng cây râm mát, tạo nên dáng vẻ thâm nghiêm. Phía trước ngôi miếu là đồng muối và đầm Nước Mặn nối thông với biển cả qua cửa Sa Huỳnh. Sau miếu là ngọn Đồi Gành tựa bức tường thành khá vững chãi.
"Bà con diêm dân và con em ở phương xa chung sức xây dựng, nhiều lần tu bổ để ngôi miếu thờ tổ nghề muối khang trang như hôm nay. Bởi nhớ công ơn tổ nghề nên 28 năm qua tôi tự nguyện làm Trưởng ban tế tự trông coi miếu, hương khói và cùng mọi người lo cúng giỗ", cụ Hiến nói.
Thành tâm tế lễ
Mỗi tháng đôi lần, Ban tế tự miếu thờ sửa soạn bánh trái và hoa quả rồi thắp hương khấn vái mong cho mùa màng bội thu, đời sống được no đủ. Ngày rằm tháng 7 âm lịch, diêm dân tụ tập tổ chức lễ gác trang (kết thúc vụ muối) với những mâm cỗ chay và đến hôm sau dâng cúng cỗ mặn. Lễ cúng mặn luôn có con heo khá lớn cùng nhiều sản vật ở vùng đất Sa Huỳnh. Mọi người tề tựu chung tay lo cúng bái.
Vào những dịp lễ, hiêng trống vang lừng át cả tiếng xào xạc của cây lá. Nhang trầm thoang thoảng hương thơm trong gió mát rượi. Đội sắc bùa trình diễn điệu múa, lời ca hòa cùng tiếng nhạc với nội dung giới thiệu nghề làm muối: "Nước biển vào đầm - lên xuống xoay vần/Rủ nhau đắp ngăn - bờ đê cản nước/Tiến hành từng bước - tháo nước thật khô/Phân thành từng ô - ruộng ăn mương chứa/Cày bừa trang sửa - để khô vài bữa/Vãi cát xuống đầm - nền cứng như sân... Trưa nắng liền cho - nước ngoài vào trước/Nước keo nắng ép - đông lại chồm chồm/Gặp phải gió nồm - kết thành từng hạt/Rồi ta mới nhặt - dồn lại gánh về...".
Những gương mặt sạm đen vì nắng gió hiện lên nụ cười mãn nguyện vì đã lo được lễ trọng trong năm. Cứ vài năm, họ rước đoàn hát bội trong tỉnh Bình Định ra biểu diễn 3 đêm liền vào dịp lễ hội, nhiều người nô nức đến xem. "Dẫu cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ góp tiền sắm sửa các thứ để cúng tổ. Mọi người chung tay sửa soạn mâm cỗ dâng cúng rồi cùng nhau ăn uống vui vẻ. Cúng tổ là dịp phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng…", cụ Nguyễn Hiến cho biết.
Nghề phơi nắng với bao nỗi gian truân
Dân gian lưu truyền, nghề sản xuất muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ thời chúa Nguyễn mở mang, khai phá đất phương Nam. Ông tổ nghề muối vốn người đất Bắc di cư vào Nam, định cư cạnh vùng biển Sa Huỳnh hoang sơ và thơ mộng. Nơi đây có đầm Nước Mặn diện tích trên 210 ha thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh. Cạnh đầm là khu đất sình lầy với đầy lau cỏ.
Nhưng căn cứ kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đồng muối Sa Huỳnh có từ hàng ngàn năm, trước cả người Việt định cư ở vùng đất này. Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, người Việt đến định cư ở đây đã tạo ra "điểm đứng" về tâm linh, nguồn cội... Thế nên, họ chung tay xây dựng ngôi miếu thờ cùng giai thoại về tổ nghề khá hấp dẫn, phù hợp với tâm thức chung của cộng đồng.
"Từ vùng ruộng muối trên đá (Trảng Muối cạnh làng Gò Cỏ), với sự phát triển dân cư, làng mạc, cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã tiến dần xuống làm muối bằng cách phơi nước biển trên dải đất hẹp của đồng muối Sa Huỳnh hơn 2.000 năm trước", TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.
Mùa nối tiếp mùa đi qua đồng muối cạnh quốc lộ 1A xe cộ ngược xuôi đêm ngày. Nước từ biển mặn vào ruộng đồng để làm ra hạt muối, là tinh hoa của biển và trời. Những hạt muối trắng lung linh trong nắng như tấm lòng hiền hậu, thủy chung của diêm dân miền sóng vỗ. Nhiều người gọi sản xuất muối là nghề phơi nắng với bao nỗi gian truân. Dẫu vậy, hạt muối vẫn song hành với người diêm dân Sa Huỳnh như bao đời vẫn thế.
Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích 115 ha với 550 hộ dân tham gia sản xuất. Sản lượng muối thu hoạch hàng năm 6.000 - 8.000 tấn. Muối Sa Huỳnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận thương hiệu vào năm 2011. 3 sản phẩm chế biến từ muối: muối hầm, muối tre và hoa muối được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thế nhưng, giá muối bấp bênh nên cuộc sống của diêm dân gặp nhiều khó khăn.
"Chính quyền địa phương cũng như diêm dân mong dự án 'Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa thủy lợi hệ thống đồng muối Sa Huỳnh' sớm triển khai để muối Sa Huỳnh có cơ hội phát triển, diêm dân yên tâm gắn bó với nghề...", ông Nguyễn Viết Thanh, Chủ tịch UBND P.Phổ Thạnh, chia sẻ.
Bình luận (0)