Nghề “săn” rau rừng

30/07/2013 10:32 GMT+7

Vào mùa mưa, người dân địa phương thường lên núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) tìm hái các loại rau rừng về bán cho khách du lịch và các quán bánh xèo.

Vượt núi tìm rau

Nằm ở độ cao hơn 700 m, khí hậu mát mẻ, nên núi Cấm là nơi lý tưởng cho cây cối phát triển, trong đó có các loại rau rừng. Theo người dân nơi đây, núi Cấm hứng mây mù lãng đãng quanh năm nên rau rừng có vị tinh khiết do hút được tinh túy đất trời.

Được thiên nhiên ban tặng nguồn rau rừng đa dạng, người dân nơi đây không ngần ngại băng rừng vượt núi hái rau bán cho khách hành hương và các quán bánh xèo. Theo chân bà Lê Thị Cúc (60 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu), chúng tôi leo lên tận vồ Cửu Phẩm, vồ Thiên Tuế tìm chỗ rau rừng mọc. Lội bộ hơn 5 cây số theo đường núi, ai cũng thấm mệt, vậy mà bà Cúc cứ đi nhanh thoăn thoắt. Đến khu vực đồi Pháo Binh, bà Cúc nhanh tay nhổ từng bụi rau cho vào giỏ. Trong khu rừng này có nhiều loại rau ngon, được du khách ưa thích, như: kim thất, chòi mòi, lá lốt, cát lồi, hồng ngọc, cải trời, càng cua, ngành ngạnh, xà lách xoong núi… Còn những đọt sọp, bứa, sung… thì phải leo lên cây cao để hái.

Theo bà Cúc, rau rừng mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa mưa, đặc biệt từ tháng 6 kéo dài đến tháng 9. Nếu mùa nắng chủ đất đốt nương rẫy, khi sa mưa rau mọc càng xanh tốt. Cũng nhờ nguồn rau rừng mà đông đảo người dân địa phương có việc làm thời vụ. Ngày nào cũng vậy, khoảng 7 giờ sáng là bà Cúc cùng 6 người con lùng sục khắp núi Cấm để tìm hái rau rừng. Trung bình mỗi ngày, bà Cúc hái được từ 15 - 20 kg rau rừng, nếu cân cho mối bán bánh xèo thì 6.000 đồng/kg, còn bán cho khách du lịch 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Chữa nhiều loại bệnh

Mấy năm gần đây, phong trào bán bánh xèo cho du khách ở núi Cấm phát triển mạnh, nên nhu cầu ăn các loại rau rừng cũng tăng theo. Đã có 10 năm trong nghề “săn” rau rừng, nên bà Cúc hiểu rất rõ về dược tính của các loại rau trên núi Cấm. Cầm trên tay bó rau cải trời, bà Cúc giải thích: “Loại rau này đem nấu canh có vị ngọt, trị được bệnh thương hàn và sốt. Còn đọt đinh lăng vị chua, chát, ăn với cá nướng hoặc bánh xèo trị chứng nhức mỏi. Đặc biệt, đọt hồng ngọc ăn có vị chát chát, trị nhiều thứ bệnh. Rau kim thất, càng cua chuyên chữa chóng mặt, mất máu, rong kinh... Rau rừng quanh đây toàn là vị thuốc nam”. Theo bà Cúc, mỗi lần ốm đau đột xuất, dân địa phương chỉ cần ra sau nhà hái lá vào nấu nước uống.

Chị Nguyễn Thị Ngọt, một chủ quán bán bánh xèo ở núi Cấm, cho biết: “Dưới chùa Phật Lớn và xung quanh hồ Thủy Liêm, vồ Đầu, vồ Thiên Tuế, điện Bồ Hong… có khoảng 200 quán bánh xèo. Hằng ngày, các quán này tiêu thụ hàng trăm kí rau rừng. Vào lễ hội, ngày rằm lớn, lượng du khách đến ăn bánh xèo tăng mạnh, nên người dân tha hồ bán rau rừng”. Một du khách vừa lựa rau rừng do người dân bán cạnh chùa Phật Lớn, vừa nói: “Rau rừng ở đây mọc tự nhiên, không tưới phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, nên tôi mua luôn 2 kg về ăn với cá trê nướng. Các loại rau rừng này ngon, lại trị được bệnh thông thường, ăn vào rất tốt cho sức khỏe…”.

Chiều xuống, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lược đang kĩu kịt gánh 2 bó rau rừng to, bước chông chênh xuống núi. Quệt mồ hôi ngang tráng, chị Lược hồ hởi nói: “Bữa nay, tôi hái được trên 20 kg. Nếu bán với giá 6.000 đồng/kg, chắc cũng bỏ túi trên 100.000 đồng”. Chị Lược cho biết thêm nghề “săn” rau rừng chủ yếu lấy công làm lời, nên cũng lắm gian truân, vất vả, nhất là khi băng qua các triền núi cheo leo hoặc gặp rắn lục rừng. Do không có nghề nghiệp ổn định, nên những sơn dân nơi đây phải chịu khó lên núi hái rau để kiếm sống qua ngày. Nói xong, chị Lược vội vàng gánh rau tạt vào những quán bánh xèo ven đường. Vừa đặt gánh xuống, các chủ quán đã bu đông lại, người khen, kẻ chê, cò kè bớt một thêm hai, tạo nên chút âm thanh sôi động vang lên trong buổi chiều tà dưới chân núi Cấm…

 Nghề “săn” rau rừng

Bà Cúc khoe mớ rau rừng vừa mới hái - Ảnh: Hồng Ánh

Nghề “săn” rau rừng

Bà con Khmer gánh rau rừng xuống chợ  - Ảnh: Hồng Ánh

Hồng Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.