Tôi nhớ những lần lặn lội qua nhà nghệ sĩ Ánh Hoa ở đường Trần Xuân Soạn Q.7, TP.HCM để phỏng vấn viết bài. Bà sống trong căn nhà nhỏ nhưng xinh xắn, có mấy chậu hoa trước cửa với đồ đạc đơn giản. Vài tấm hình của bà và chồng được treo trang trọng trên vách. Bà nói: “Đi diễn hoài, ít ở nhà lắm, khỏi cần bày biện linh tinh con ơi. Già rồi, ăn uống cũng không bao nhiêu”. Bà chỉ vào tấm hình: “Ổng hồi đó hát hay, đẹp trai và hiền lành lắm con”. Tôi dạ: “Dì cũng đẹp nữa mà”.
Chồng bà, nghệ sĩ Minh Chí nổi tiếng những năm 1950 - 1960, được mệnh danh là Vua Xàng Xê, đĩa hát của ông bán khắp Nam Trung Bắc và cả bên Lào, Campuchia cho Việt kiều nghe. Ông cũng từng làm bầu gánh Việt Hùng-Minh Chí, rồi đầu quân cho Kim Chưởng, sau 1975 thì tham gia Nhà hát Trần Hữu Trang và đoàn Huỳnh Long. Còn Ánh Hoa là con nhà nòi của cặp nghệ sĩ Văn Danh-Ánh Nguyệt, 7 tuổi đã bước lên sân khấu, 15 tuổi trở thành đào chánh, và 16 tuổi làm vợ Minh Chí. Bà nhắc ông với sự yêu thương, tôn trọng và tự hào.
|
Nhưng trên bàn thờ còn có di ảnh của những người con mà bà đã khóc tiễn đưa vĩnh viễn. Một người mẹ khóc 4 đứa con thì nỗi đau đó kinh khủng đến chừng nào. Nhưng nỗi đau lặn vào đôi mắt, chứ miệng bà vẫn cười nói như cố vui mà sống. Tôi nhìn vào đôi mắt, thấy một lớp sương giăng mờ nhân ảnh. Tôi nghe tim mình nhói đau, dù vẫn thấy bà cười và nói, nhìn vào chậu hoa, nâng niu chiếc lá, nói chuyện nghề, chuyện hát… Cả tôi và bà đều đã làm mẹ, tự thấu cảm với nhau. Mà thôi, bà còn chút an ủi là có cô em gái và đứa cháu, căn nhà cũng bớt quạnh hiu. Cho nên nụ cười ấy mới nhẹ nhàng bay trên số phận.
Bà còn kể những năm cải lương khó khăn, bà phải xoay sở bằng cách bán cơm tấm, được mọi người khen ngon, rất đông khách. Sau, nhờ điện ảnh và truyền hình phát triển, bà được mời liên tục, thế là nghỉ bán. Nhiều phim đã chọn bà bởi gương mặt phúc hậu, giọng nói chân thật, dịu dàng, đúng mẫu bà mẹ Việt Nam điển hình. Những vai diễn trong Người tình, Mùi đu đủ xanh, Đất phương Nam, Mùa len trâu, Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Cổng mặt trời, Người đẹp Tây Đô… và rất nhiều phim nữa, tổng cộng khoảng 200 phim, là một hành trang giá trị cho đời nghệ sĩ. Với cải lương thì Ánh Hoa có vai lão bà trong vở Kiều Nguyệt Nga, đã mở cửa cho Lục Vân Tiên vào tá túc sau những trận đánh giặc mệt mỏi, và nhờ vậy mà tái hợp Nguyệt Nga sau bao năm xa cách. Lối ca diễn chân phương của nghệ sĩ Ánh Hoa đã khiến nhân vật này trở thành vai diễn để đời của bà trên sân khấu.
Nghệ sĩ Ánh Hoa vừa qua đời ngày 1.11, thọ 79 tuổi. Lễ tang của bà được tổ chức tại nhà riêng 691/13 Trần Xuân Soạn Q.7, TP.HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 3.11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM. |
Bình luận (0)