Nghệ sĩ - diễn giả khiếm thị Hà Chương: Không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa

27/10/2019 17:16 GMT+7

Là một trong những người tiên phong đưa đàn bầu kết hợp nhạc dance, có khả năng trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ, đã sáng tác gần 200 bài hát..., Hà Chương được xem là ca sĩ - nhạc sĩ khiếm thị tài năng. Gần đây, anh hăm hở trong lĩnh vực mới là nghệ sĩ - diễn giả, với sứ mệnh: Thắp lửa đam mê, truyền cảm hứng sống tích cực.

Cảm ơn số phận và thử thách

Khiếm khuyết đôi mắt có là rào cản lớn trong đời anh?
Lúc chào đời, tôi đã bị cận thị. Từ năm 2 tuổi đến nay, tôi hoàn toàn không còn thấy gì. Ở quê tôi (Quảng Ngãi) khi đó không dạy chữ nổi (Braille) nên tôi không được đi học.
Hồi nhỏ, tôi coi khiếm thị là rào cản lớn khiến mình thiệt thòi. Sau này được đi học, ra đời lăn lộn, trải qua nhiều sóng gió..., tôi không còn nghĩ mình bị khiếm thị hay khuyết tật, mà bình đẳng như mọi người. Dĩ nhiên trong sâu thẳm, tôi vẫn khát khao một lần thấy ánh sáng, thấy những người thân yêu, nhìn mặt con mình, nhìn thấy cuộc sống này. Nhưng cho dù không chạm được điều đó thì tôi vẫn hạnh phúc với những gì mình đang có. Thậm chí, tôi cũng cảm ơn những thử thách và số phận đã giúp cho một Hà Chương bản lĩnh hơn, cứng cỏi hơn và làm được nhiều việc có ích hơn.
Những thử thách nào khiến anh phải... cảm ơn?
Thuở nhỏ, tôi từng bị người ta chửi nặng nề, kiểu như: “Đồ đui mù, lớn lên không làm được trò trống gì”. Lúc tôi chuẩn bị thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia VN, mẹ tôi trải qua cơn bạo bệnh và gia đình tôi bán hết tài sản để chữa bệnh cho mẹ. Trong thời gian học tại học viện, tôi phải đi làm thêm để tự trang trải các chi phí. Sau này vô TP.HCM lập nghiệp, tôi đối mặt nhiều thử thách mới. Tôi tìm cách tiếp cận các bầu sô, nhưng ban đầu phần lớn họ nghi ngại. Đến khi có được một sô diễn lớn, tôi mừng lắm, bao nhiêu tiền bạc chắt chiu tôi mua quần áo để diễn cho hoành tráng. Vậy mà diễn xong, tôi bị quỵt toàn bộ tiền sô đó!
Nghệ sĩ - diễn giả khiếm thị Hà Chương: Không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa1
Có lần tôi chuẩn bị diễn tại sự kiện lớn nhưng bị chủ doanh nghiệp xua đuổi, không cho diễn vì nghĩ rằng người khiếm thị đến sẽ làm xui xẻo công ty của họ. Giữa lúc đang chới với cùng những cú sốc về tâm lý, tôi bỗng nhận được thông báo ca khúc Nắng hát của tôi lọt vào chung kết năm 2010 của Bài hát Việt - một chương trình rất nổi tiếng thời điểm ấy. Trong tôi lóe lên suy nghĩ: “Mình vẫn là người có khả năng! Mình vẫn được xã hội công nhận!”. Niềm tin trỗi dậy mạnh mẽ và tôi phăng phăng đứng lên, tiếp tục đi tới. Tôi lọt vào top ba chung kết Vietnam’s Got Talent 2014, được vinh dự biểu diễn trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam... Những thành công mới bắt đầu nở hoa lại, cuộc sống của tôi khởi sắc hơn.
Có thể nói, bây giờ tôi không làm ai tổn thương thì thôi chứ không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa (cười).

Nói chung, tôi là người hay “nổi loạn”, thích khai phá cái mới dù biết rằng con đường đó có thể gập ghềnh hơn, khúc khuỷu hơn 

Anh xác định chọn sự nghiệp âm nhạc từ khi nào?
Năm tôi 7 tuổi, ba mẹ mua cây guitar và tôi được chị gái tập đánh đàn. Đến năm 12 tuổi, tôi mới bắt đầu đi học lớp 1 tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Đà Nẵng). Thầy Lưu Học, giáo viên dạy đàn bầu phát hiện năng khiếu âm nhạc của tôi nên đã nhận tôi vào học đàn bầu.
Thấy tôi có nhiều khát vọng và tập đàn say sưa, một giáo viên đem cho tôi băng cassette rồi nói: “Chương ơi, có ông nghệ sĩ người Mỹ nổi tiếng lắm, cũng bị khiếm thị giống con. Ông là Stevie Wonder, sở hữu tới 22 giải Grammy”. Cả đêm đó tôi khóc, không ngủ được, giống như tìm ra chân lý đời mình. Cũng từ hôm ấy, tôi tập đàn bầu liên tục, tập tóe cả máu, tối ngủ cũng ôm cây đàn... với quyết tâm trở thành một nghệ sĩ của VN. Mọi thứ không phải tự dưng mình có được, mà phải khổ luyện rất khủng khiếp.
Nghệ sĩ - diễn giả khiếm thị Hà Chương: Không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa2

Thích khai phá, hay “nổi loạn”

Lần đầu kết hợp đàn bầu với nhạc dance, anh có đắn đo, lo lắng nhiều không?
Chuyện tôi đưa đàn bầu vào nhạc dance là thử thách rất lớn, do chưa có ai làm và nhiều người sợ không biết thành công hay không. Tôi đã hỏi xin ý kiến của bác Trần Văn Khê (cố GS-TS Trần Văn Khê) và được bác khuyên: “Con làm như thế nào bác không cần biết. Miễn sao bạn bè thế giới biết nhiều đến nhạc cụ dân tộc VN, đặc biệt là cây đàn bầu, thì con cứ làm”. Nhờ vậy, tôi có thêm động lực để bắt tay thực hiện từ năm 2011. Có được thành công ngay từ đầu, tôi cảm thấy rất vui. Vui nữa là từ những sản phẩm đó, bạn trẻ thích nhạc dân tộc nhiều hơn. Năm 2013, tôi diễn trong sự kiện giao lưu của Nick Vujicic tại TP.HCM và có hiệu ứng rất tốt. Tiếp đó, tôi kết hợp với một số nghệ sĩ, đơn vị tại TP.HCM làm clip Welcome to Vietnam (bản remix ca khúc Trống Cơm), gây tiếng vang lớn…
Nói chung, tôi là người hay “nổi loạn”, thích khai phá cái mới dù biết rằng con đường đó có thể gập ghềnh hơn, khúc khuỷu hơn.
Từ bao giờ anh ấp ủ ý định rẽ sang lĩnh vực mới là diễn giả?
Năm 2013, sau khi biểu diễn xong ở sự kiện Nick Vujicic sang VN, tôi ở lại nghe Nick nói chuyện. Một người không chân không tay mà đi khắp thế giới truyền cảm hứng, đem lại nhiều giá trị sống tốt đẹp như Nick đã khiến tôi đau đáu: Ở VN có những Nick như vậy hay không? Với những gì tôi đang có, tôi có thể làm được gì?...
Tôi chợt nghĩ nếu tôi trở thành diễn giả kết hợp với âm nhạc thì rất độc đáo ở VN. Đó sẽ là lợi thế cho tôi và có thể mang lại những giá trị lớn cho cuộc đời. Sự kết hợp này rất phù hợp với tôi, bởi tôi có khả năng vượt trội ở hai thiên hướng là âm nhạc và ngôn ngữ.
Và cơ duyên nào khiến anh biến ý định đó thành hiện thực?
Khi vợ tôi mang bầu sắp sinh thì tôi gặp biến cố. Chúng tôi đầu tư vào một dự án, lúc ấy tôi chưa có nhiều kiến thức về kinh doanh nên đã bị thất bại. Trong lúc bế tắc, những ý định nung nấu liên quan đến chuyện Nick lại trỗi dậy và tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó khác trước.
Thời điểm ấy, tôi đã tham gia những khóa đào tạo kỹ năng mềm, lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) trong nước lẫn ngoài nước. Nhờ vậy, tư duy của tôi thay đổi rất nhiều. Rồi tôi và diễn giả Nguyễn Sơn Lâm cùng viết dự án “Đánh thức khát vọng”. Với sự đồng hành của First News và một đơn vị tài trợ, chúng tôi đã thực hiện dự án này gần ba năm qua (đầu năm 2017 đến tháng 6.2019). Chúng tôi đã đến với 300.000 học sinh, sinh viên của gần 300 trường THPT, cao đẳng, đại học trên cả nước để trao truyền những giá trị sống và ước mơ cho các bạn trẻ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với bước rẽ làm diễn giả, đồng thời vẫn được sống với niềm đam mê trong máu thịt của mình là âm nhạc.
Nghệ sĩ - diễn giả khiếm thị Hà Chương: Không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa3

Nghệ sĩ - diễn giả Hà Chương trong chuỗi chương trình Đánh thức khát vọng

Ảnh: NVCC

Làm một nghệ sĩ - diễn giả, “chất nghệ sĩ” của anh có thay đổi?
Tôi nghĩ mình là người đầu tiên đưa âm nhạc vào những bài nói chuyện ở VN. Tức là khi đề cập một chủ đề cụ thể, tôi sẽ lồng ghép một bài hát do tôi sáng tác gắn với chủ đề đó, để tạo sự lay động lớn hơn. Nhiều anh em cùng nghề nhận xét rằng ở tôi… có hai con người trên sân khấu. Khi tôi biểu diễn trong vai trò nghệ sĩ, tôi rất đam mê, cảm xúc rất mạnh. Còn khi làm diễn giả, tôi khác hoàn toàn, đưa ra những mệnh đề hay lý luận rất sắc bén và chặt chẽ.
Cũng có những lúc tôi linh hoạt luân chuyển qua lại giữa “hai con người này”. Chẳng hạn, lúc mình làm diễn giả truyền năng lượng cho mọi người, đến những đoạn sâu lắng nhất, tôi sẽ trở về bản năng của người nghệ sĩ để đưa khán giả vô trạng thái dễ tiếp cận hơn.

Sứ mệnh của tôi là thắp lửa đam mê !

Sau “Đánh thức khát vọng”, những dự án sắp tới của anh?
Tới đây, tôi kết hợp với một số diễn giả, nghệ sĩ thực hiện những chương trình đào tạo kỹ năng mềm và chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp về sự thành công lẫn bài học thất bại để vươn lên. Đối tượng chúng tôi nhắm đến là các bạn mới khởi nghiệp và người đi làm nhưng chưa thành công. Dự kiến trong năm nay, chúng tôi sẽ khởi động chương trình “Bứt phá để thành công”.
Bên cạnh đó, cuốn tự truyện của tôi có tên là Nhắm mắt nhìn sao cũng sắp được xuất bản. Tôi hy vọng người đọc sẽ có thêm niềm tin, động lực, có những năng lượng tích cực để cảm thấy cuộc đời này đáng yêu, dẫu có thể đối mặt với nhiều thử thách, sóng gió.
Điều cốt yếu anh muốn trao truyền khi làm nghệ sĩ - diễn giả?
Đó là khát vọng, nghị lực, niềm tin. Các bạn hãy luôn tin rằng mỗi người sinh ra trên đời này đều mang một sứ mệnh nào đó. Hoàn cảnh xuất thân, hình hài mình như thế nào… không quan trọng bằng việc tin vào bản thân và tìm ra được sứ mệnh, giá trị cốt lõi của mình để cống hiến cho cuộc đời.
Nghệ sĩ - diễn giả khiếm thị Hà Chương: Không ai đủ sức làm tổn thương tôi nữa4

Nghệ sĩ - diễn giả Hà Chương

Ảnh: NVCC

Theo anh, sứ mệnh của anh là gì?
Sứ mệnh của tôi là người thắp lửa đam mê! Lửa ở đây là sự ấm áp, hạnh phúc và là sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người. Tôi muốn được lan truyền ngọn lửa và những năng lượng tích cực đến những người xung quanh để họ dễ dàng vượt qua những thử thách đời thường.
Tôi có khát vọng không chỉ truyền cảm hứng ở VN mà còn đi các nước nói chuyện. Nick Vujicic đơn thuần là diễn giả, còn tôi là ca sĩ và nhạc sĩ nữa nên tôi tự tin sẽ làm được điều đó.
Về khía cạnh diễn giả là người khuyết tật, nếu nhắc đến Úc hay Mỹ, họ nghĩ ngay cái tên Nick Vujicic. Còn tôi muốn ngày nào đó nhắc đến VN, họ sẽ nói đến tên tôi. Xin mở ngoặc, tôi không phải là Nick Vujicic của VN, mà là Hà Chương của VN!
Tên thật: Hà Văn Chương, sinh năm 1982, tại Quảng Ngãi.
Năm 1995 - 2003: 9 huy chương vàng các cuộc thi độc tấu đàn bầu tài năng trẻ Đà Nẵng và toàn quốc, bằng khen của Thủ tướng.
Năm 2004, thi đỗ thủ khoa vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia VN, chuyên ngành đàn bầu. Năm 2006, thi vượt rào thành công lên hệ đại học của học viện.
Năm 2008, được kết nạp vào Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng.
Năm 2008: Giải ba độc tấu đàn bầu cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc, giải B sáng tác ca khúc (không có giải A) của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN với bài hát Vì sao em không thể.
Năm 2010, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành đàn bầu, Học viện Âm nhạc quốc gia VN và được ghi danh vào sổ vàng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Chung kết năm 2010 Bài hát Việt với ca khúc Nắng hát.
Top 3 chung kết Tìm kiếm tài năng VN (Vietnam’s Got Talent) năm 2014.
Phát hành hơn 10 album - single và MV tại VN, 2 album tại Mỹ. Thực hiện nhiều live show, chương trình lưu diễn tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar...
Nghệ sĩ - diễn giả chuỗi chương trình “Đánh thức khát vọng”.
Có khả năng trình diễn hơn 10 loại nhạc cụ: đàn bầu, guitar, piano, mandoline, đàn kìm, đàn sến, sáo trúc, trống...
Không nghĩ Hà Chương là người khuyết tật
Nghệ sĩ Thanh Thủy

Ảnh: NVCC

       
Tôi rất nể phục tài năng, vẻ đẹp tâm hồn và ý chí phấn đấu của Hà Chương. Chương rất yêu đời, có khát vọng sống mãnh liệt, đầy tự tin, tự trọng… Tôi không nghĩ Chương là người khuyết tật. Ngược lại, nhiều lúc tôi thấy mình bị khuyết tật tâm hồn vì rất yếu đuối. Tôi luôn học những người như Chương, để có động lực sống.
Nghệ sĩ Thanh Thủy
Bất ngờ và thú vị
Lần đầu tôi gặp Hà Chương tại chương trình Vietnam’s Got Talent 2014. Thông thường người khuyết tật hay làm người ta thương hại, nhưng Hà Chương thì không. Hà Chương tạo nên sự bất ngờ và thú vị, bởi niềm đam mê âm nhạc và khả năng chuyên nghiệp vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
MC Thanh Bạch

Ảnh: NVCC

       
Lâu nay, Hà Chương vừa sáng tác vừa hòa âm phối khí vừa biểu diễn và chơi đẳng cấp trên 10 loại nhạc cụ. Hà Chương còn là một trong những người đầu tiên phối kết rất độc đáo giữa nhạc cụ dân tộc là đàn bầu với nhạc rock...
Về lĩnh vực diễn giả, tôi cho rằng Hà Chương hoàn toàn khác biệt, nhờ khả năng truyền cảm hứng kết hợp với âm nhạc nên có hiệu ứng rất cao, đánh thức, lay động tâm hồn người nghe. Mặt khác, hình ảnh Hà Chương khơi gợi suy nghĩ và tạo động lực cho những bạn trẻ lành lặn, sáng mắt: Tại sao người khuyết tật còn làm được như thế, mà bản thân mình không làm được như thế và hơn thế nữa? 
MC Thanh Bạch 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.