Khán giả chưa hình dung Đình Toàn xuất hiện trong một vở chính kịch mà lại là nhân vật công an như vở Búp bê không biết khóc.Thực sự đây là một vở ban đầu mang tính “tuyên truyền” nhưng không ngờ khi vào tay Đình Toàn đạo diễn và thủ vai chính lại khiến khán giả vừa khóc vừa cười no nê, và yêu cầu diễn lại nhiều suất nữa. Nghệ sĩ Đình Toàn đã có cuộc trao đổi thú vị xung quanh vở kịch đáng nhớ này.
* Thật ra “ông bầu” Ngọc Hùng sản xuất vở Búp bê không biết khóc để tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ 4 - 2020, nhưng bây giờ thì vở diễn đã vượt khỏi khuôn khổ kịch “tuyên truyền”, được khán giả cảm xúc và khen ngợi rất nhiều. Người ta thắc mắc không hiểu sao Đình Toàn lại có thể dựng một vở khác xa so với sở trường của anh từ trước tới nay. Lúc cầm kịch bản anh suy nghĩ thế nào mà quyết định vào cuộc?
-
Nghệ sĩ Đình Toàn: Tôi và Ngọc Hùng, Ngọc Trinh chơi với nhau lâu rồi. Khi Hùng quyết định đứng ra làm vở thì tôi bảo chỉ làm diễn viên thôi, nhưng Hùng và Trinh cứ động viên tôi dàn dựng. Đọc xong kịch bản, tôi thấy có một hướng mở ra là tình người giữa anh quản giáo và cô phạm nhân, và tôi tìm được cái “chìa khóa” là trái tim. Trái tim luôn ở bên trái nhưng lại đứng về lẽ phải, vì vậy tôi quyết định nhận lời làm đạo diễn. Tất nhiên, tác giả
miền Bắc viết kịch bản thì tính "tuyên truyền" rất rõ, chúng tôi giữ lại ý chính thôi, và phải ngồi sửa lại cho mềm mại, hấp dẫn hơn. Công lớn thuộc về Quang Thảo, anh ấy viết lại thật ngọt, tôi và Ngọc Trinh thêm bớt "hoa lá cành" nữa. Có như vậy khán giả mới đón nhận. Kịch tuyên truyền không mang nghĩa là khô khan, chỉ tại chúng ta chưa làm cho nó gần gũi, hấp dẫn mà thôi.
* Hình ảnh anh quản giáo trong vở kịch đã chinh phục lòng người. Anh ta cũng có trái tim, cũng có số phận, có bi kịch và cũng đau đớn như mọi người. Chính điều này khiến nhân vật gần gũi, đời hơn. Và Đình Toàn khi nhập vai đã có một gương mặt đẹp theo kiểu chính nhân quân tử, nhưng đôi mắt vẫn dịu dàng, thậm chí đôi mắt hơi buồn buồn ấy đã khiến người ta mềm lòng hơn vạn lời nói. Không hiểu anh đã nghiên cứu nhân vật theo hướng nào mà lại diễn xuất được như thế?
- Tôi không theo hướng chủ nghĩa anh hùng, mà tôi theo hướng chủ nghĩa nhân văn. Hãy để nhân vật của mình hòa vào nỗi đau nhân thế, để hiểu, để cảm cuộc đời, thì mới yêu người khác, hành xử tốt với người khác. Tôi cho nhân vật của mình “đời” hơn, nhưng vẫn không xa rời những chuẩn mực cần thiết của ngành nghề. Cân bằng như thế thì mới bảo đảm vở kịch vừa nghiêm túc, vừa không bị khô khan.
Nghệ sĩ Đình Toàn và NSƯT Quế Trân trong vở Tiên Nga
|
* Nhưng suy cho cùng thì đây cũng không phải sở trường của anh. Chắc anh định thử sức?
- Đúng, không hề giống phong cách của tôi. Nhưng tôi muốn thử thách bản thân. Đi diễn hài hoài cũng có lúc muốn… "đổi món". Cái gì thấy thích là lao vào say mê, không tính toán, so đo gì cả. Nói thiệt, nhóm diễn viên chúng tôi đâu có lãnh đồng nào. Tiền đầu tư đã chi hết cho tác quyền kịch bản, thuê sân khấu, cảnh trí, âm nhạc…, thậm chí một số sinh viên còn làm giúp đạo cụ, cảnh trí và khi tập tuồng thì kéo qua nhà Ngọc Trinh "hưởng ké" máy lạnh. Giờ chúng tôi chỉ còn chút xíu tiền để ra Hà Nội thi, thiếu thì tự bỏ tiền ra thêm. Nhưng niềm vui thì nhiều lắm.
* Vậy sau này nếu có ai đưa cho anh một kịch bản có tính “tuyên truyền” thì anh có dám làm nữa không?
Dám, nếu tôi thích. Nếu kịch bản ưng ý thì kiểu gì tôi cũng làm chứ không chỉ là "tuyên truyền", và tôi sẽ cố gắng tìm ra phương cách phù hợp để tác phẩm đi vào lòng công chúng. Mà suy cho cùng, bất cứ tác phẩm nào khi mình đã nhận thì mình phải làm hết khả năng, làm một cách đàng hoàng dù nhiều tiền hay ít tiền. Và thực sự cảm ơn những bạn bè đã sát cánh bên mình trong từng chặng đường
nghệ thuật. Sự đồng lòng góp phần lớn làm nên thành công cho chúng tôi.
Bình luận (0)