Tuy không dùng chính thức tên gọi "giám đốc nghệ thuật" như NSƯT Thành Lộc, nhưng Đình Toàn được giao nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc phần nghệ thuật biểu diễn cho sân khấu IDECAF, vì anh rất đa năng, có thể vừa biểu diễn, vừa dàn dựng, vừa thẩm định kịch bản, điều phối công việc chuyên môn với các nghệ sĩ.
Đình Toàn là gương mặt trẻ từng được ông Huỳnh Anh Tuấn lẫn Thành Lộc chăm sóc về nghề và tình cảm, là thế hệ kế thừa tin cậy. Vì vậy, mọi người tin Đình Toàn sẽ làm đúng câu "tre già măng mọc" để sân khấu hoạt động tốt. Anh nói: "Tôi không kịp chuẩn bị gì hết, anh Lộc chia tay IDECAF, công việc dồn lại rất nhiều. Nhưng thôi, tôi sẽ cố gắng vượt qua thử thách này, chỉ mong cống hiến cho sân khấu, cho mọi người tốt nhất trong khả năng của tôi. Tình cảm của tôi đối với anh Tuấn và anh Lộc không hề sứt mẻ, vì tôi là đàn em của các anh, mong sẽ nối tiếp các anh làm được gì đó cho sân khấu".
Sân khấu đổi tên thành Nhà hát IDECAF, sản xuất những vở sử đình đám
Cũng nhân ngày giỗ tổ sân khấu, ông Huỳnh Anh Tuấn đổi tên sân khấu IDECAF thành Nhà hát IDECAF, bên cạnh Nhà hát Thanh Niên, Nhà hát Nón Lá diễn cải lương, Nhà hát Múa rối Nụ Cười và Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, đều trực thuộc Công ty TNHH Sân khấu nghệ thuật biểu diễn Thái Dương do ông làm giám đốc.
Người phụ trách nghệ thuật cho Nhà hát Thanh Niên là đạo diễn Hồng Ngọc, phụ trách nghệ thuật cho Nhà hát Nón Lá là nghệ sĩ Bạch Long, và nghệ sĩ Huỳnh Trung thì phụ trách hai nhà hát múa rối. Nhân sự, như ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, đã sắp xếp ổn thỏa để chuẩn bị bước vào những kế hoạch rất lớn cho quý 3 năm 2023 và quý 1 năm 2024.
3 vở sử đã chuẩn bị xong phần phục trang, âm nhạc, trang trí, đã lên sàn tập một phần. Vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) sẽ ra mắt vào tháng 10. Vở kịch Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) ra mắt vào tháng 11. Riêng vở Nữ đại đế Mê Linh (tác giả Vũ Minh - Bạch Long, đạo diễn Bạch Long) ra mắt phiên bản cải lương vào tháng 12, sau đó sẽ ra tiếp phiên bản kịch nói.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, lần này ông tìm được những nghệ nhân phục trang tại Huế, vì vậy trang phục của các vở sẽ thiết kế gần đúng với lịch sử thời Hai bà Trưng, nhà Trần, nhà Nguyễn chứ không cách điệu, ước lệ như trước nữa. Âm nhạc cũng vậy, thiết kế nhạc, múa, trống trận giống như xưa. Nhân đây, học sinh sẽ được thưởng thức sân khấu lẫn học hỏi về các nghệ thuật trang phục, âm nhạc cổ rất bổ ích. Những vở này cũng sẽ là ứng viên tham dự Liên hoan Sân khấu toàn quốc vào năm 2024 nếu TP.HCM có tổ chức.
Phục dựng vở cũ với dàn diễn viên trẻ
Nhiều vở cũ của kịch IDECAF rất hay và ăn khách, như 12 bà mụ, Tấm Cám, Bikini, Hợp đồng mãnh thú, Tía ơi má dìa, Sắc màu, Tơ duyên, Một ngày làm vua, Hãy yêu nhau đi, Tiếng vạc sành, Con ma nhà hát, Cậu đồng, Trùm lừa, Phép lạ, Cái tráp vàng… sẽ được phục dựng với dàn diễn viên mới thay cho Thành Lộc, Hữu Châu và một số nghệ sĩ khác đã chia tay sân khấu. Đây cũng là cơ hội cho diễn viên trẻ rèn nghề, phát triển, tạo lực lượng kế thừa. Sân khấu nào cũng vậy, tre già thì măng mọc, luôn phải chuẩn bị đội ngũ mới để hoạt động không ngừng.
Ngay cả Ngày xửa ngày xưa với rất nhiều vở hay, sẽ được phục dựng để diễn theo từng đợt tại Nhà hát IDECAF, chẳng hạn Alibaba và 40 tên cướp, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai… Những khán giả nào chưa có cơ hội xem các vở này tại Nhà hát Bến Thành thì có thể xem tại Nhà hát IDECAF với bản dựng giống y vậy nhưng thu nhỏ hơn cho phù hợp không gian nhỏ; và tất nhiên các em sẽ làm quen với các cô chú diễn viên khác thay cho chú Thành Lộc, Hữu Châu…
Bình luận (0)