Nghệ sĩ được - mất gì khi livestream bán hàng?

01/10/2024 06:00 GMT+7

Công việc livestream bán hàng mở ra cho nghệ sĩ cơ hội kiếm thêm thu nhập, gần gũi với khán giả, song cũng đối diện với việc bị "soi" lời ăn tiếng nói và không ít câu hỏi về chất lượng sản phẩm.

Thực tế, việc nghệ sĩ kinh doanh online hay hợp tác với nhãn hàng để kiếm thêm thu nhập là chính đáng. Để có những phiên livestream chất lượng, hút khách, họ cũng phải đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc. Hình thức này cũng là cầu nối giúp sao Việt tăng cường tương tác với khán giả, tạo ra những xu hướng mua sắm mới trên nền tảng thương mại điện tử.

Nghệ sĩ được - mất gì khi livestream bán hàng?- Ảnh 1.

Nghệ sĩ cần kiểm duyệt kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi livestream

Ảnh: FBNV

Gác lại công việc văn phòng chuyển sang livestream bán hàng, Hoa hậu Phương Nga nói ngoài nguồn thu nhập ổn định, cô còn chủ động được thời gian của bản thân và gặp gỡ khán giả. "Công việc này đem lại nhiều cơ hội và giá trị cả về mặt tinh thần và phát triển sự nghiệp, nên tôi đã quyết định chuyển hướng", cô nói.

Theo dõi các buổi livestream của nghệ sĩ, không khó để đọc được những bình luận như "nghệ sĩ mà đi bán hàng online", "nghệ sĩ hết thời mới livestream bán hàng" hay "bán hàng online làm mất giá nghệ sĩ". Trước những ý kiến này, diễn viên Hoài An từng chia sẻ: "Hết thời sao đi bán hàng online được, ai thương yêu nữa đâu mà ủng hộ. Người ta chỉ bán được hàng khi đang được yêu mến thôi".

Ví dụ này cho thấy việc nghệ sĩ phải đối diện với những bình luận, quan điểm trái chiều khi livestream bán hàng là điều không tránh khỏi. Có người lên tiếng đáp trả, có người tổn thương vì nhận xét nặng lời. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng nhận định sao Việt có lợi thế lớn khi livestream kinh doanh trên các nền tảng, song cần vượt qua rào cản tâm lý "nghệ sĩ lại đi bán hàng" thì mới có thể thành công.

"Khi tham gia bán hàng, người nghệ sĩ bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh, cuộc đua. Rõ ràng khi nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn, đóng phim, ca hát…, chúng ta không thấy sự cạnh tranh rõ rệt như vậy, còn khi bán hàng thì sự cạnh tranh rất rõ rệt. Họ bán những sản phẩm mà người khác cũng bán, vậy nên phải mời chào, năn nỉ, ra ưu đãi, đôi khi bị phản hồi chê trách…", chuyên gia truyền thông cho hay.

Dao hai lưỡi

Livestream bán hàng trở thành xu hướng đã mở ra nhiều cơ hội tăng thu nhập cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hướng đi này là con dao hai lưỡi, có thể giúp nghệ sĩ được chú ý hơn song cũng có thể hủy hoại danh tiếng, uy tín của họ nếu sơ suất.

Nghệ sĩ được - mất gì khi livestream bán hàng?- Ảnh 2.

Nghệ sĩ đối diện với áp lực cạnh tranh, chịu bình luận tiêu cực khi bán hàng online

Ảnh: FBNV

Thực tế đã có không ít trường hợp sao Việt bị khán giả phản ứng khi bán hàng online. Điển hình là việc Trang Khàn thường xuyên dùng những từ ngữ thô tục trên sóng trực tiếp, bị khán giả phản ứng dữ dội. Bên cạnh đó là những trường hợp quảng cáo lố trên livestream hay bán hàng giả, hàng kém chất lượng khiến uy tín nghệ sĩ mất dần trong lòng công chúng. Bởi vì khi người nghệ sĩ bán hàng, mọi người mua phần lớn vì danh tiếng, sự tin tưởng. Cho nên nếu người nghệ sĩ mất danh tiếng vì bán một món hàng không tốt thì sự ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với những người bình thường. Một số nghệ sĩ đã phải hứng chịu những bình luận nặng nề, thậm chí bị khán giả đòi tẩy chay.

Để tránh tình trạng này, Á hậu Mai Ngô cho biết cô luôn có đội ngũ kiểm duyệt sản phẩm trước khi mang lên sóng bán trực tiếp. "Mỗi người đều có thể lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng sản phẩm trước khi bán. Riêng tôi, tôi luôn sử dụng trước nếu sản phẩm đó phù hợp với mình. Nếu sản phẩm mà tôi không phù hợp để sử dụng sẽ vẫn có người khác trong đội dùng thử để nắm được đầy đủ thông tin, công dụng sản phẩm, từ đó việc tư vấn cho khách hàng trên phiên livestream cũng sẽ chân thật và tốt hơn", cô cho hay.

Minh Luân cho rằng nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng, nên những lời của họ chia sẻ dễ lấy lòng tin từ mọi người. Vì vậy khi kinh doanh online, nghệ sĩ nhờ vào sự tin tưởng, ủng hộ của khán giả mà bán được nhiều, đem lại thu nhập tốt. Tuy nhiên, nam diễn viên cũng khuyên nên tỉnh táo, đừng vì lợi trước mắt mà quảng cáo lố, "treo đầu dê bán thịt chó" làm ảnh hưởng đến uy tín. "Đừng thấy lợi trước mắt mà làm sụp đổ đi hình ảnh xây dựng bấy lâu của mình", anh thẳng thắn.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý VN, cho rằng gần đây nghệ sĩ bán hàng đang vướng phải ý kiến tiêu cực. "Nghệ sĩ đi diễn kịch, đóng phim sẽ có tài năng trong lĩnh vực của họ. Nhiều khi họ không có kinh nghiệm hay sử dụng sản phẩm, và nếu vướng phải ồn ào sẽ ảnh hưởng đến uy tín, sự nghiệp. Do đó, người bán hàng cần có sự hiểu biết về sản phẩm", bà Hà cho hay.

Đồng thời, chuyên gia tâm lý này cũng đặt ra vấn đề nhiều sao Việt tìm cách tạo chiêu trò để bán hàng, bất chấp quy chuẩn về đạo đức. "Bởi vì những điều đó tạo ra hiệu ứng, khiến giới trẻ học theo vì nghĩ rằng chỉ cần làm cho mình nổi tiếng sẽ bán được hàng. Khi kinh doanh online, cần có sự tập trung, tạo ra giá trị từ những sản phẩm chất lượng chứ không phải từ chiêu trò", bà Vũ Thu Hà nói. (còn tiếp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.