Nghệ sĩ hòa ca 'Nhớ lời di chúc theo chân Bác'

17/01/2019 14:39 GMT+7

Vào 20 giờ ngày 20.1, chương trình nghệ thuật Nhớ lời di chúc theo chân Bác , do T.Ư Đoàn tổ chức, Báo Thanh Niên thực hiện, sẽ diễn ra tại Khu di tích lịch sử Bến Nhà Rồng, TP.HCM.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), là chương trình nghệ thuật chính trị với những câu chuyện âm nhạc về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt về “lời Bác dặn trước lúc đi xa” dành cho thanh niên, trong khuôn khổ Lễ phát động hành trình “Tuổi trẻ VN nhớ lời di chúc theo chân Bác” gắn với phát động Năm Thanh niên tình nguyện 2019. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, trực tuyến trên các báo điện tử Thanh Niên, Tuổi Trẻ.
Chương trình có sự tham gia của các nữ nghệ sĩ: NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Thanh Thúy, Hồng Nhung, Đoan Trang, Phương Linh, Uyên Linh, Trần Trang; nam nghệ sĩ: NSƯT Tạ Minh Tâm, Anh Bằng, Hà Anh Tuấn, Quốc Thiên, Ninh Đức Hoàng Long, Đăng Thuật, Đào Mác và nhóm MTV; biên đạo múa: Tấn Lộc cùng vũ đoàn Arabesque, Mai Trắng; MC: Quỳnh Hương - Đức Bảo.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu cho biết: “Được làm chương trình thiêng liêng tại nơi di tích lịch sử như Bến Nhà Rồng là điều vô cùng ý nghĩa. Đây không chỉ là dấu ấn khó quên trong sự nghiệp mà còn trong cuộc đời của mình”.
* Anh có thể cho biết Bến Nhà Rồng sẽ được “sân khấu hóa” ra sao trong chương trình nghệ thuật này?
- Tôi sẽ không thiết kế cảnh trí mà dùng tượng của thanh niên Nguyễn Tất Thành khắc họa thời điểm Người ra đi tìm đường cứu nước đặt tại quảng trường, như điểm nhấn chính. Tất cả ánh sáng, màn hình led, minh họa bên cạnh... đều nhằm góp phần tôn vinh hình ảnh đó cũng như làm nổi bật lên vẻ đẹp vốn có của di tích lịch sử này.
* Chương trình có những giai điệu về Hồ Chủ tịch, những bài hát gắn với phong trào thanh niên làm theo lời Bác, anh sẽ làm thế nào để đây vừa là sự kiện chính trị, vừa là đêm nghệ thuật truyền cảm hứng đến giới trẻ?
- Có rất nhiều ca khúc hay viết về Bác Hồ, chúng tôi chọn lựa và dàn dựng các tiết mục thật sự mang đến cảm xúc sâu sắc cho khán giả, nhất là giới trẻ. Cũng là những ca khúc quen thuộc về Bác, về thanh niên, về lý tưởng của Bác truyền cho thanh niên… nhưng sự mới mẻ được thể hiện ở màu sắc của âm nhạc qua những bản hòa âm phối khí hoàn toàn mới (bởi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng, Nguyễn Hoàng Gia, Dũng Đà Lạt), ở cách biểu diễn của ca sĩ và đặc biệt là qua sự kết hợp giữa những giọng hát trong lần đầu tiên này. Khi bày tỏ ý tưởng về sự kết hợp này, tôi nhận được sự đồng lòng cao của các nghệ sĩ.
* Theo dõi các chương trình do anh đạo diễn dành cho thanh niên, giới trẻ, âm nhạc luôn được anh chú trọng như một chất liệu làm bay bổng cảm xúc của nghệ sĩ và khán giả. Và lần này chất liệu đó hẳn cũng sẽ được người nghe kỳ vọng?
- Tôi nghĩ rằng khi dùng âm nhạc để chuyển tải thông điệp tích cực, thể hiện lòng yêu nước hay truyền cảm hứng về những câu chuyện lịch sử đến với giới trẻ, vai trò của người làm nghệ thuật là mang những điều đẹp đẽ nhất, lãng mạn nhất để làm sao chạm được trái tim người nghe, làm sao để người thưởng thức có thể cảm nhận nhẹ nhàng, từ xúc cảm về cái đẹp trong âm nhạc sẽ thấm dần đến cái đẹp về giá trị lịch sử, văn hóa, và khi đó thông điệp cũng sẽ đi vào trái tim khán giả...
Ca khúc về Bác vốn có sức lay động, khi “làm mới”, chúng tôi cố gắng sao cho những giai điệu ấy lung linh hơn, vẫn giữ giá trị của tác phẩm nhưng thể hiện được cách phối mới, dàn dựng mới. Có thể kể đến những tiết mục diễn ra lần đầu tiên như: sự kết hợp giữa 2 giọng hát đỉnh cao của dòng nhạc dân gian, thính phòng là NSND Thu Hiền - NSƯT Thanh Thúy trong ca khúc mà âm nhạc có sự giao thoa giữa 2 thế hệ, từ nội dung bài hát đến hình thức biểu diễn; giữa Đoan Trang - Phương Linh - Uyên Linh trong một ca khúc mà nhiều thế hệ thanh niên đã thuộc nằm lòng và gợi lên thanh xuân của họ khi đến Bến Nhà Rồng; của 3 giọng ca nam thuộc dòng nhạc thính phòng được công chúng yêu mến: NSƯT Tạ Minh Tâm - Anh Bằng - Đào Mác; của 2 diva nhạc Việt Thanh Lam - Hồng Nhung trong sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến; của giọng hát pop Hà Anh Tuấn và giọng opera - “chàng trai vàng” Ninh Đức Hoàng Long (đang học tại Hungary, từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về opera) khi mang đến câu chuyện đặc biệt về Bác qua sáng tác của các nhạc sĩ, thanh niên nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Chương trình dành cho người trẻ thường không thể thiếu sự tương tác giữa khán giả với nghệ sĩ biểu diễn, điều này sẽ được thể hiện thế nào trong đêm nghệ thuật 20.1?
- Trong những chương trình dành cho thanh niên, tôi luôn mong muốn khán giả sẽ tương tác vào nội dung âm nhạc, nghệ sĩ và không gian biểu diễn. Họ có cảm nhận, chia sẻ những câu chuyện trên sân khấu hay không chính là thái độ - sự hưởng ứng của họ với chương trình. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng khi khoác lên chiếc áo Đoàn thanh niên, hẳn các bạn sẽ có những cảm xúc khi hòa cùng không gian tràn ngập màu xanh của niềm tin, của khát vọng, của sức trẻ và sự cống hiến; hòa vào không gian âm nhạc với những câu chuyện về viên gạch hồng, về “Bác Hồ một tình yêu bao la”, về “thanh niên làm theo lời Bác” và lý tưởng của “tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.