Thẳng như ruột ngựa mà phóng khoáng, chân tình
Hồng Nga có một tuổi thơ lẫn tuổi xuân vô cùng cơ cực. Từ năm 3 tuổi đã mồ côi cha, mẹ đi thêm bước nữa, cả nhà tá túc tại Q.4, TP.HCM, một quận nghèo có tiếng thời ấy. Chưa kể Q.4 còn là "địa bàn" của nhiều anh chị xã hội đen. Cho nên sau này Hồng Nga nói thẳng là mình chịu ảnh hưởng môi trường, cứ ăn nói bỗ bã vậy đó, nhưng người ta vẫn nhận ra ở bà một trái tim nồng ấm tình thương, chân thành, không thèm giả dối. Bà cứ đối đãi với người ta thẳng băng, ai thương ai ghét mặc tình. Mà hóa ra có ai ghét nổi một cô đào mới vừa phùng mang trợn mắt đó rồi lập tức cười ha ha, móc túi ra làm từ thiện nhẹ như không.
14 tuổi Hồng Nga bưng rổ chanh ớt đi bán dạo mỗi ngày, rồi lân la tới chỗ thầy đờn Tám Đen dạy học, say mê theo từng tiếng đờn, tiếng ca vọng cổ. Ông thầy thấy đứa con gái ốm tong teo, mặc bộ đồ cũ mèm, tội quá, bèn dạy nó học miễn phí. Không ngờ Hồng Nga lộ ra tư chất nghệ sĩ rất rõ, giọng ca lảnh lót, cao vút cũng được mà trầm lắng cũng hay, ông thầy càng rèn giũa tới nơi tới chốn, và gửi Hồng Nga vào quán bar Lệ Liễu là nơi cô bé Ngọc Giàu cũng từng vào đó ca salon rồi nổi tiếng. Không bao lâu, Hồng Nga bỏ nhà đi luôn theo gánh hát phiêu bạt khắp nơi. Bà cộng tác với nhiều đoàn, trong đó có đoàn của nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Thời trẻ bà rất đẹp, lên sân khấu sáng trưng, nhưng hồi ấy quá nhiều cô đào lừng lẫy nên bà chỉ đóng vai phụ. Tuy vai phụ mà gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, như cô giáo Lan (Tuyệt tình ca), bà Cử (Lan và Điệp), đủ chứng minh tài năng của Hồng Nga. Dẫu vậy, bà cũng chật vật nuôi một bầy con, thiếu đói triền miên, có lúc định tự tử vì quá khổ, có đứa phải gửi cho người khác rồi mẹ con lạc nhau suốt mấy chục năm mới tìm lại được. Cả một quãng đời đầy nước mắt đã thấm vào người, nên khi bà cất tiếng cười vẫn nghe như ẩn chứa bao nhiêu giọt lệ.
HÀI MỚI ĐỔI ĐỜI
Thật ra Hồng Nga đóng được đủ loại vai, độc, lẳng cũng xuất sắc không kém vai bi. Nhưng sau năm 1975 khả năng diễn hài của bà mới bộc phát, và nhờ hài mà bà thoát cảnh nghèo khó. Phát pháo đầu tiên là Dư luận quần chúng tại sân khấu 5B, sau đó là vai bà Sáu đờn cò trong Tình nghệ sĩ tại Nhà hát Hòa Bình. Người ta phát hiện ra Hồng Nga hài duyên quá xá, mà kiểu hài của bà cũng rất lạ, cứ đan xen khóc đó cười đó như lật bánh tráng, không phải nghệ sĩ nào cũng làm chủ được như thế. Bà dắt khán giả đi từ bi sang hài, và ngược lại từ hài sang bi ngọt xớt, không hề lấn cấn cảm xúc. Điều này cực kỳ khó trong nghề diễn. Bởi vậy mới nói Hồng Nga là "cao thủ". Bà Sáu đờn cò đã quậy tưng Nhà hát Hòa Bình suốt mấy tháng trời, suất nào cũng đông nghẹt khán giả.
Thập niên 1990, 2000 sân khấu hài lên ngôi, Hồng Nga được mời đi tấu hài liên tục, thu nhập tăng cao, nhờ vậy đám con của bà thoát cảnh đói nghèo. Rồi khi Kịch Sài Gòn của ông bầu Phước Sang thành lập, bà trở thành một trong những cái tên bán vé. Vai nào của bà cũng bi hài đan xen, đặc biệt là những vai bà mẹ. Bà mẹ trong vở Mẹ yêu bị 4 đứa con phân công nhau nuôi với những thủ thuật làm sao cho mẹ tăng cân để hưởng gia tài, thật chua chát. Hồng Nga diễn rất đáng thương nhưng cũng làm khán giả cười tưng bừng, và bà nhận giải Cù Nèo Vàng nhờ vai đó. Hoặc bà mẹ trong Xóm gà chịu khổ làm nghề chứa gái để lấy tiền nuôi đứa con đi du học với hy vọng đổi đời. Nhưng đứa con đã vì sĩ diện mà phủ nhận mẹ mình. Bà nhẫn chịu, và cuối cùng con cũng hiểu ra tình mẹ thiêng liêng. Hồng Nga diễn rất thật một con người từng lăn lộn với giới bình dân, diễn rất chân tình một con người từng nếm qua sự đời cay đắng, và khán giả cười lộn ruột nhưng nhiều khi nước mắt lại lưng tròng. Bà còn tham gia rất nhiều show diễn khác, đều xuất sắc như vậy.
Cả cuộc đời thăng trầm của Hồng Nga như chắt lại trong từng cái liếc mắt, chau mày, từng câu chanh chua, dí dỏm, thấy như sân khấu nở bừng hoa nhưng vẫn ẩn chứa ngậm ngùi cay đắng. Bà diễn hài rất sạch, không cần phô trương mà sức hút vẫn vô cùng, bởi trong đó có chút ngọt ngào của cải lương, có chút dân dã của Q.4, có chút ấm áp của người thầy từng đùm bọc mẹ con bà khi sa sút không nơi nương tựa, có cả cái tình của khán giả luôn mua vé ủng hộ bất cứ suất diễn nào có bà, và có cả lòng yêu mến của những người nghèo khó được bà hỗ trợ cơm áo. Tiếng cười đã thẩm thấu biết bao thứ đó, hỏi làm sao không sâu, không nặng cho được! (còn tiếp)
Bình luận (0)