Nghệ sĩ Kim Tử Long: Tôi làm mọi việc đều là vì cải lương

22/03/2017 15:03 GMT+7

'Không thể nói cứ sàng qua một cái là quơ được cả mớ, trời cho giọng hát hay nhưng nếu không được phát hiện, rèn giũa thì cũng như 'ngọc không mài', khó lòng mà trở thành danh ca được', nghệ sĩ Kim Tử Long nhận định.

Tập 3 tuần, nghệ sĩ thượng thặng cũng không thể tròn vai
* Chào nghệ sĩ Kim Tử Long. Vừa qua anh cho biết rất tâm trạng khi chương trình Đường đến danh ca vọng cổ sắp kết thúc. Hẳn chương trình đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm, anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình không?
- NSƯT Kim Tử Long: Điều khiến tôi lưu luyến nhất là sự đáng yêu và nhiệt huyết của các thí sinh như: Phạm Huyền Trâm, Lê Văn Hậu, Phương Cẩm Ngọc... Họ đến từ đủ các thành phần nhưng có chung một niềm đam mê với những câu ca, giai điệu vọng cổ ngọt ngào. Có những bạn chưa từng đứng trên sân khấu lớn, cũng có những bạn chỉ chập chững tập hát qua đài nhưng vẫn can đảm đi thi. Thông qua chương trình họ được phát hiện, công chúng đón nhận và thí sinh được đào tạo, rèn giũa giọng hát... Thời gian đó đã nảy sinh rất nhiều tình cảm đẹp giữa chúng tôi. Khi phải chia tay, tôi cảm thấy rất tiếc nuối và hụt hẫng.
* Thí sinh nào để lại cho Kim Tử Long nhiều ấn tượng nhất?

Các bạn trẻ sau này được hỗ trợ về mặt máy móc, kỹ thuật hiện đại, sân khấu đẹp thì có đẹp thật đó nhưng cái hồn của cải lương đã đi đâu mất rồi

Nghệ sĩ Kim Tử Long

- Ngô Thật là người để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Thật có một quá trình tiếp cận với nghề khá gian nan, từng là một kép hát nhưng do tai nạn nghề nghiệp mà mất một cánh tay trở thành người tật nguyền. Tuy nhiên, bạn ấy không đầu hàng số phận mà vẫn nuôi tình yêu với cải lương, dù chỉ đi được đến vòng 4 do điều kiện sức khỏe hạn chế nhưng thí sinh này đã tạo được dấu ấn với các huấn luyện viên cũng như khán giả. Tôi rất mừng vì sau cuộc thi Thật được nhiều người biết đến và đã bắt đầu nhận được lời mời đi diễn nhiều hơn.
* Sau Đường đến danh ca vọng cổ, anh có dự định gì để giúp đỡ những học trò của mình không?
- Tôi có một công ty giải trí riêng, hiện bên đó đang sản xuất chương trình tên Về lại cội nguồn, cũng là một chương trình về vọng cổ. Tôi đã đưa các thí sinh tham gia hai đêm 6 và 7 của chương trình này, để sau cuộc thi các bạn có nơi thể hiện, giao lưu khán giả thực tế, rút tỉa thêm nhiều kinh nghiệm. Mình cũng giới thiệu nhiều show cho học trò.
* Mới đây nghệ sĩ Minh Nhí có chia sẻ cho rằng: “Cầm một cái rổ lên là có thể vớt được một đống danh ca danh hài” do việc nở rộ của các chương trình truyền hình thực tế. Bản thân là giám khảo của một chương trình tìm kiếm tài năng, anh có suy nghĩ gì về ý kiến này?
- Riêng với cải lương, tôi nghĩ rằng “cá mè một lứa” là không thể. Vì giọng hát là khả năng thiên phú, mỗi người một vẻ. Mỗi chương trình thì lại có một tiêu chí riêng để chọn lọc ra những giọng ca hay, lạ, tinh tế để khai thác hoặc trở thành quán quân. Không thể nói cứ sàng qua một cái là quơ được cả mớ, trời cho giọng hát hay nhưng nếu không được phát hiện, không được rèn giũa thì cũng như “ngọc không mài”, khó lòng mà trở thành danh ca được. Gameshow chỉ là bàn đạp giúp người có tài được phát hiện, được học hỏi kinh nghiệm, chứ tố chất trời cho và sự nỗ lực không ngừng mới là mấu chốt giúp các thí sinh thành danh.
* Nếu so sánh xuất phát điểm của Kim Tử Long trước đây với các bạn bây giờ thì anh thấy môi trường cho cải lương hiện nay thế nào?
- Theo tôi thì các nghệ sĩ từ năm 1990 trở đi có nhiều lợi thế hơn về sân khấu, khán giả, kịch bản tuồng tích, đạo diễn... Ngày xưa, phải mất 3 đến 4 tháng mới ra được một kịch bản, nghệ sĩ có thời gian tập, thâm nhập, thả hồn vào vai nhiều. Họ được đạo diễn chăm chút kỹ lưỡng từng bộ tịch, từng ánh mắt, lời thoại… Khi tác phẩm ra mắt công chúng thì 6 tháng, 1 năm có khi 2 hay 3 năm sau vẫn còn khán giả xem. Khán giả đi xem nhiều lần đến nỗi có khi thuộc luôn cả vai diễn của người nghệ sĩ nào đó.
Nghệ sĩ cải lương ngày nay chịu nhiều thiệt thòi vì tập thì ít mà phải chạy theo tiến độ, theo nhu cầu thì nhiều. Dẫn đến việc người nghệ sĩ cải lương không có đủ thời gian, đủ sự tập trung cho chuyên môn. Một vở diễn mà tập cao lắm là 3 tuần thì làm sao họ thâm nhập, thả hồn vào vai. Với thời gian ngắn như vậy, ngay cả là một nghệ sĩ thượng hạng, một người có kinh nghiệm mấy chục năm họ còn không thể tròn vai nữa là…
Kim Tử Long tâm sự khóa của mình chỉ còn có 4 người theo nghề là anh, Thoại Mỹ (bìa trái), Ngọc Huyền (bìa phải) và Tô Châu
* Việc đó đã để lại những hậu quả gì?
- Khi công diễn, thời gian các suất diễn cũng không đủ nhiều để khán giả có thể nhớ, thưởng thức vai diễn của họ, vai diễn trở nên mờ nhạt, chẳng ai nhớ nổi tên diễn viên. Diễn viên không có nổi một vai nào để khán giả nhớ đời. Các bạn trẻ sau này được hỗ trợ về mặt máy móc, kỹ thuật hiện đại, sân khấu đẹp thì có đẹp thật đó nhưng cái hồn của cải lương đã đi đâu mất rồi.
Tôi rất tiếc và đau lòng khi chứng kiến nhiều tài năng trẻ có cả thanh lẫn sắc nhưng vẫn không thể phát huy hết khả năng của mình vì áp lực phải chạy theo cái mới liên tục.
* Theo anh, có cách gì để khắc phục tình trạng sa sút cũng như đưa cải lương đến gần hơn với khán giả?
Tôi chưa bao giờ có ý định rời sân khấu. Tình yêu nghệ thuật vẫn ''cháy'' trong tôi suốt bao nhiêu năm qua. Nếu lỡ rủi sức khỏe đến lúc nào đó không đảm bảo cho việc hát được nữa thì tôi sẽ lui về phía sau làm đạo diễn hay tổ chức chương trình chứ quyết không bỏ nghề
Nghệ sĩ Kim Tử Long
- Câu trả lời rất nan giải, một mình tôi không thể trả lời được vấn đề đó. Cần có các cấp lãnh đạo, cơ quan, ban ngành định hướng phù hợp cho bộ môn nghệ thuật này. Chúng ta cần được quan tâm nhiều hơn, có nghĩa cần có một sân chơi thường trực, một sân khấu thường trực, nhà hát và đạo diễn cũng phải thường trực thì mới có vở diễn và khán giả thường trực. Lúc đó, cải lương, đờn ca tài tử mới có đất sống, mới có thể mơ tới việc trở lại thời hoàng kim của mình.
Trước đây, tôi cũng từng thực hiện nhiều dự án tâm huyết từ giảm giá vé cho học sinh, sinh viên cho đến dự án rạp Đại Đồng với Phước Sang để diễn viên trẻ có đất dụng võ. Nhưng mọi thứ đều không khả thi, tôi không thể đơn thân độc mã làm việc này được… Tôi rất tin tưởng và hi vọng về những chính sách của nhà nước sẽ giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi phát triển.
Sau nhiều nỗ lực của mình thì tôi thấy giờ đây khán giả trẻ đã có nhiều cái nhìn mới mẻ hơn về cải lương. Thông qua mạng xã hội tôi tiếp cận được nhiều khán giả hơn và biết rằng cũng có rất nhiều khán giả trẻ tuổi yêu thích cải lương.
Quyết không bỏ nghề
* Trong quãng đời đi hát của mình, Kim Tử Long có bao giờ bắt gặp việc đồng nghiệp vì “miếng cơm manh áo” mà bỏ nghề?
- Có chứ! Cùng học ở trường đào tạo Trần Hữu Trang với tôi ngày ấy có hơn 40 người. Nhưng bây giờ để nói mà còn hoạt động trên sân khấu thì gần như chỉ còn có 4 người là tôi, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Tô Châu.
* Anh có định hướng con cái theo nghiệp cầm ca?
- Tôi để cho các con được tự do phát triển theo khả năng, sở thích. Việc các cháu theo nghệ thuật, tôi chỉ khuyến khích chứ không ép buộc. Tôi gần gũi với các con như một người bạn. Ví dụ trường hợp con gái lớn Maika, lúc nhỏ cháu không thể ca hát được, giọng hát không đặc sắc tôi cũng không định hướng cho con theo nghề. Nhưng khi lớn con bé đã bộc lộ niềm đam mê của mình, giấu gia đình đi học trường nghệ thuật sân khấu suốt 3 năm… Ngày con tốt nghiệp tôi mới hay biết, tôi thật sự xúc động và bất ngờ trước nghị lực theo đuổi ước mơ của Maika. Mình không thể tin được là con mình nó ăn học chính quy, bài bản được như vậy.
Đặc biệt, tôi có dạy con là “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nghĩa là có làm cái gì đi chăng nữa cũng phải theo đuổi và làm hết sức khả năng mình, không được đùa giỡn với nghề nghiệp. Như Bình Tinh cũng vậy, khi Tinh ra mắt công chúng tôi cũng hướng dẫn con đi theo con đường như thế nào cho chuyên nghiệp, nghiêm túc nhất. Mình ăn cơm Tổ nghiệp, thì phải lao động hết mình để xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người.
* Kim Tử Long từng nói do chạy theo công việc nên đánh mất hạnh phúc gia đình. Hiện tại anh đã làm gì để cân bằng giữa công việc và thời gian cho vợ con?
- Thật ra tôi may mắn khi gặp được Trinh Trinh là người cùng nghề cho nên có thể dễ dàng thông cảm cho tính chất công việc của nhau. Thường thì các show tôi tham gia 10 thì vợ cũng có tham gia trong đó 3 đến 4 show rồi. Mặc khác Trinh cũng là người có tính cách rất bao dung và chịu khó nên mọi việc đều trong ấm ngoài êm. Cũng nhờ vậy mà các thành viên trong gia đình có sự gắn kết hòa thuận với nhau.
Thời gian không đi diễn hay bận công việc tôi cũng vào bếp nấu vài món dành riêng cho vợ con. Cả nhà rất thích món cơm chiên ghẹ, lẩu Thái do tôi làm. Tôi thấy thoải mái và bình yên nhất là khi được ăn cơm nhà.
Đôi huấn luyện viên Đường đến danh ca vọng cổ mong muốn được tái hợp trên sân khấu nhiều hơn Ảnh: nhân vật cung cấp
* Chương trình kết thúc Kim Tử Long có dự án nào mới có thể chia sẻ với người hâm mộ không?
- Có thể tôi sẽ tham gia mùa hai của chương trình, nhưng chắc chắn tôi sẽ có các hoạt động tái hợp với Ngọc Huyền - người bạn diễn ăn ý nhất của tôi. Từ những năm 2011, tôi và Huyền đã có mong ước được làm một liveshow hoành tráng đúng nghĩa tại Nhà hát Hòa Bình nhưng do vướng mắc về mặt giấy phép cho nên mong ước đó đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Tôi rất hi vọng trong thời gian tới Ngọc Huyền sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ và ủng hộ hơn để khán giả sẽ được thấy sự trở lại của cặp đôi Ngọc Huyền - Kim Tử Long.
* Thử tưởng tượng một ngày không còn đứng trên sân khấu nữa Kim Tử Long sẽ làm gì?
- Tôi chưa bao giờ có ý định rời sân khấu. Tình yêu nghệ thuật vẫn ''cháy'' trong tôi suốt bao nhiêu năm qua. Nếu lỡ rủi sức khỏe đến lúc nào đó không đảm bảo cho việc hát được nữa thì tôi sẽ lui về phía sau làm đạo diễn hay tổ chức chương trình chứ quyết không bỏ nghề. Tôi cũng chưa làm nghề tay trái nào để kiếm sống, có lần mở quán bar nhưng cũng đóng cửa do không đảm bảo sức khỏe và thời gian ảnh hưởng đến nghiệp diễn. Gần đây nhất tôi có ý định mở một nhà hàng nướng bình dân, cầu Tổ nghiệp thương được thuận lợi tôi sẽ có thêm vốn để đầu tư cho các hoạt động cải lương.
Hãy tin tưởng một điều là sự nghiệp sân khấu chính là điều quan trọng nhất trong cuộc đời Kim Tử Long, tôi làm mọi việc đều là vì sự phát triển của bộ môn này.
* Xin cảm ơn NSƯT Kim Tử Long!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.