Nghệ sĩ Mỹ Châu tạ tình tri âm

14/04/2018 07:33 GMT+7

Khán giả yêu thích cải lương có lẽ sẽ có nhiều cảm xúc khi cầm trên tay cuốn bút ký chân dung Châu, chút tạ tình tri âm của tác giả Thanh Thủy do Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, để được gặp lại cô đào Mỹ Châu, một trong những tên tuổi thế hệ vàng cải lương VN.

Châu, chút tạ tình tri âm của NSƯT Mỹ Châu mở đầu bằng sự cô đơn đến nao lòng của người nghệ sĩ về già nơi xứ lạ. Đêm ở Atlanta (Mỹ) quạnh vắng, bà nằm chờ tiếng bước chân đứa con về khuya mà lòng dạ bồi hồi nhớ về người chồng Đức Minh. “Rồi chị gặp anh, hai người sống cuộc đời của chính mình, đẹp và thật hơn cái sân khấu hư ảo, phù vân kia quá nhiều. Từ nhỏ tới lớn, chị có Vú (tức mẹ của chị), có chị Hồng Châu (chị gái của chị) lo toan mọi thứ, chị hồn nhiên hát, hồn nhiên kiếm tiền. Rồi anh đến bên đời, chị đi từ ngỡ ngàng đến hạnh phúc viên mãn, dẫu có chút muộn màng”…
Tình yêu của người chồng quá cố dành cho Mỹ Châu thật sự khiến người đọc dễ rơi nước mắt: “Ngày má mất, nghệ sĩ Đức Minh hứa rằng: “Vú ơi, Vú yên tâm Vú ngủ đi! Con hứa con sẽ lo cho Mỹ Châu cho tới khi nào con chết”. Đức Minh nói vậy. Trời xui khiến anh đã làm đúng vậy. Gần 25 năm sống tròn đầy bên Mỹ Châu, rồi đến lúc anh phải ra đi trước. Ngôi nhà ở Atlanta rộng thênh thang nhưng là chốn ấm áp nhất đối với Mỹ Châu”.
Bước ngoặt định mệnh
Tác phẩm kể lại tuổi thơ của cô bé Mỹ Châu là những tháng ngày vừa đi học vừa về phụ giúp mẹ bán sạp hàng nhỏ ven sông ở Thủ Thừa (Long An). Ngay từ nhỏ, Mỹ Châu đã mê mẩn văn nghệ. Trong một lần biểu diễn ở trường tới đoạn: “Đây là chữ i... chữ tờ...”, Mỹ Châu quyết định làm một mạch, xuống vọng cổ trơn tru rồi đứng trời trồng cười trừ khiến cả trường vỗ tay rần rần.
Ông Ba Cang, chủ gánh Tiếng Chuông thời đó, có xem tiết mục này. Ông tới tận nhà tìm gặp Mỹ Châu. “Từ đây, cánh cửa học đường đã khép lại với cô gái nhỏ xứ Thủ Thừa. Khi hai mẹ con đã ra hẳn bên ngoài trường, Châu rụt rè hỏi Vú: Chuyện gì vậy Vú? Mình đi đâu đây? - Thì đi hát cải lương, vô gánh Tiếng Chuông của ông Ba Cang! - Ông Ba Cang? Ủa? Ổng còn nhớ mình hả Vú? - Ổng nhớ chứ sao không? Ông vừa tới gặp Vú, biểu cho con đi hát. Ổng thấy con có tương lai. Thiệt là nhỏ Châu không tưởng tượng nổi nó sẽ đi đâu về đâu, sẽ làm gì, chứ đừng nói tới “tương lai”. Vú biểu gì thì nó nghe nấy thôi”, một đoạn của bút ký kể lại về quyết định định mệnh của người mẹ khi cho con theo nghiệp hát.
Cô đào 14 tuổi và triệu phú 17 tuổi
Tham gia đoàn Tiếng Chuông một năm, lúc 12 tuổi Châu khăn gói đi Sài Gòn gia nhập gánh hát Út Bạch Lan - Thành Được, toàn bộ “vốn liếng” nghề nghiệp là bốn bài “tủ”: Sáu câu vọng cổ, Liêu Giang, Phụng hoàng, Tứ đại oán. Tác giả Thanh Thủy viết: “Mới có chút tuổi đầu mà Châu đã gặp nhiều quới nhân. Bác Ba Bản cưng Châu đến mức, sau một năm Châu hát cho Thủ Đô một cách ngoan hiền và tận tụy, bác lập ra đoàn Thủ Đô 2 để cho bé Châu - lúc này mới 14 tuổi - làm đào chánh cùng với nam nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm”.
Sau đó, bằng tài sắc của mình, tiếng hát Mỹ Châu lọt vào“tầm ngắm” của ông Long, một bầu đoàn dày dạn nên đưa về đoàn Kim Chung, từ đây “Mỹ Châu càng khẳng định tên tuổi khi được hát chung với Hùng Cường, Minh Cảnh… rồi vinh dự nhận giải Thanh Tâm cao quý. Tiền bạc, danh vọng vô ào ào như nước”. Từ đó, cô đào Mỹ Châu trở thành “triệu phú” ở tuổi 17 lúc nào không hay, sắm xe hơi, xây nhà lầu dễ như chơi: “Nhưng chỉ cần lơ đễnh một chút là danh vọng tan tành ngay. Thế nên, Mỹ Châu luôn rèn giũa mình, rèn giũa mãi, riết rồi rèn mình trở thành tính cách, thành thói quen tận đến hôm nay” để luôn giữ vững được tên tuổi.
Bút ký chân dung còn dành nhiều chương viết cảm động về tình mẫu tử của NSƯT Mỹ Châu với Vú và má Bảy Phùng Há, cùng các ngôi sao cải lương: Minh Phụng, Thanh Nga, Hồng Nga, Minh Cảnh…, những “tri âm” trong đời bà. Cuốn sách cũng tái hiện sống động hoạt động cải lương sau năm 1975, giai đoạn Mỹ Châu tỏa sáng với hàng loạt vở diễn: Khách sạn hào hoa, Tâm sự Ngọc Hân, Muôn dặm vì chồng, Nắng thu về ngõ trúc... Để rồi, người đọc không chỉ dõi theo “những trang đời lộng lẫy mà một kiếp hồng nhan tài hoa đã đi qua”, mà còn cảm nhận man mác “nỗi xót xa về một thời vang bóng của sân khấu cải lương” như chính lời thổ lộ của tác giả khi chấp bút cuốn sách này.
Nghệ sĩ Mỹ Châu rời hẳn sân khấu từ năm 1995, sống cuộc đời bình lặng, bởi đơn giản đối với bà bây giờ, “cười được lúc nào là biết lúc đó…”, thật nhẹ nhàng như câu vọng cổ bà hay hát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.